Nhà nước và cử tri

Đại biểu Lê Văn Dũng đề xuất Quốc hội, Chính phủ 6 nhóm vấn đề phát triển kinh tế - xã hội

VĂN HIẾU 26/10/2024 15:24

(QNO) - Sáng 26/10, tham gia thảo luận tại Tổ 5 về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, đại biểu Lê Văn Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam thống nhất với báo cáo của Chính phủ và đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong việc điều hành phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024.

image002.jpg
Đại biểu Lê Văn Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam phát biểu thảo luận tại Tổ 5. Ảnh: V.HIẾU

Theo đại biểu Lê Văn Dũng, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của bão số 3 tại các tỉnh miền Bắc nhưng tăng trưởng kinh tế 9 tháng đạt 6,82%, ước đạt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu. Bên cạnh những kết quả đạt được thì trên một số lĩnh vực điều hành của Chính phủ còn tồn tại như công tác quản lý khai thác khoáng sản, việc giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số…

Về quản lý khoáng sản, đặc biệt là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường như cát, sỏi, đất san lấp mặt bằng, đá xây dựng…, đây là những mặt hàng tác động trực tiếp đến các hoạt động xây dựng nói chung và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nói riêng. Thời gian qua, nhiều công trình đầu tư công phải tạm dừng, trì hoãn do thiếu nguồn cung cấp vật liệu xây dựng hoặc giá quá cao so với quy định, có sự thao túng thị trường này.

Đại biểu Lê Văn Dũng cho biết Luật Đấu thầu mới được Quốc hội sửa đổi, nhưng hiện xảy ra nhiều bất cập dẫn đến công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường gặp khó khăn.

Đây là vấn đề rất nóng hiện nay, được dư luận rất quan tâm khi một số cuộc đấu giá khai thác khoáng sản diễn ra rất bất thường. Như tại Quảng Nam vừa qua đấu giá 1 mỏ cát tăng hơn 300 lần so với giá khởi điểm, nếu so với trữ lượng thì giá thành bán ra hơn 2 triệu đồng/khối cát. Hay như 3 mỏ cát tại Hà Nội hồi tháng 11/2023 có giá trúng cao gấp 70 lần so với giá khởi điểm và nhiều địa phương trên cả nước cũng diễn ra tình trạng tương tự.

Nguyên nhân xảy ra tình trạng trên, đại biểu cho rằng mức đặt cọc tham gia đấu giá hiện nay còn quá thấp (20% so với giá khởi điểm) và chưa có chế tài ràng buộc đối với các đơn vị tham gia đấu giá; doanh nghiệp trúng đấu giá sẵn sàng bỏ cọc, làm kéo dài thời gian đưa mỏ khoáng sản vào khai thác, gây khan hiếm, đứt gãy nguồn cung và đẩy giá vật liệu xây dựng lên cao.

Đối với việc giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia từ nguồn ngân sách nhà nước, theo đại biểu Lê Văn Dũng, đang gặp nhiều khó khăn và bất cập. Mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt và kế hoạch đã được ban hành từ đầu năm, song tỷ lệ giải ngân của cả nước đến tháng 8/2024 chỉ đạt 36,7%, vẫn chưa đạt yêu cầu trong bối cảnh Chính phủ đặt mục tiêu giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch vốn đã giao.

Có nhiều nguyên nhân của thực trạng này, song theo đại biểu Lê Văn Dũng, có nguyên do chưa có sự phối hợp đồng bộ, thống nhất và quyết tâm cao trong chỉ đạo, điều hành từ cấp ủy đảng đến chính quyền; công tác giải phóng mặt bằng chậm do vướng đất rừng, vướng quy hoạch nên một số dự án triển khai chậm; nhiều văn bản của các cơ quan trung ương ban hành để triển khai thực hiện chương trình vẫn còn chậm và chưa được đồng bộ.

Ngoài ra, địa phương còn lúng túng khi áp dụng các quy định của Luật Đấu thầu mới. Các gói mua sắm vật tư, nguyên vật liệu phải thực hiện đấu thầu trên hệ thống đấu thầu quốc gia nên mất nhiều thời gian hơn; trong khi giá cả nguyên vật liệu xây dựng biến động nhiều nên các dự án phải thực hiện điều chỉnh dự toán, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công xây dựng công trình và tiến độ giải ngân vốn. Nguồn nhân lực có chuyên môn sâu từng lĩnh vực còn hạn chế…

image004.jpg
Đại biểu Quốc hội Đoàn Quảng Nam dự phiên thảo luận tại Tổ 5. Ảnh: V.HIẾU

Đại biểu cho biết, hiện nay theo quy định của Quyết định số 861/QĐ-CP năm 2021 của Chính phủ thì các xã đạt chuẩn nông thôn mới (từ khu vực II, III lên khu vực I) thôi hưởng các chính sách khu vực II, III, như: chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chế độ bảo hiểm y tế, hỗ trợ tiền ăn cho bệnh nhân nằm viện, tiền ăn cho học sinh; cán bộ, công chức, giáo viên (theo Nghị định số 76/2019/NĐ-CP ngày 8/10/2019 của Chính phủ) làm ảnh hưởng đến đời sống của cán bộ, công chức, giáo viên, khó khăn trong công tác thu hút tuyển dụng.

Từ những bất cập, tồn tại và nguyên nhân nêu trên, đại biểu Lê Văn Dũng đề xuất Quốc hội, Chính phủ các nhóm vấn đề sau:

Thứ nhất, cần phải sửa đổi Luật Đấu thầu theo hướng nâng mức đặt cọc khi đấu giá quyền khai thác khoáng sản lên 40% (quy định hiện nay tối đa 20% giá khởi điểm và giữ nguyên mức này trong suốt quá trình đấu giá là quá thấp); khi bước giá tăng lên thì các doanh nghiệp tham gia đấu giá phải tiếp tục đặt cọc theo bước giá mới.

Điều này mới đảm bảo được doanh nghiệp tham gia đấu giá là thực chất, đủ năng lực tài chính để thực hiện khai thác khoáng sản. Hạn chế tình trạng bỏ cọc, tham gia đấu giá với ý đồ cản trở việc đưa mỏ vào khai thác. Có ý kiến cho rằng khi nâng mức đặt cọc sẽ hạn chế doanh nghiệp tham gia đấu giá, quan điểm này hoàn toàn không phù hợp vì đặt cọc mà không có thì sao đủ khả năng khai thác.

image006-1-.jpg
Quang cảnh buổi thảo luận tại Tổ 5. Ảnh: V.HIẾU

Thứ hai, nghiên cứu có quy định ràng buộc trách nhiệm, sàng lọc doanh nghiệp có năng lực thực sự khi tham gia đấu giá khai thác khoáng sản; có chế tài xử lý nghiêm đối với các trường hợp thông đồng, cấu kết, cản trở việc tổ chức đấu giá, đưa các mỏ khoáng sản vào khai thác nhằm gây khan hiếm, nâng giá vật liệu xây dựng thu lợi bất chính.

Thứ ba, có cơ chế khai thác vật liệu xây dựng thông thường ở khu vực miền núi như làm đường cao tốc, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong cấp phép đối với các loại khoáng sản thông thường, các điểm mỏ nhỏ lẻ, khoáng sản tận thu phục vụ nhu cầu tại địa phương để giải quyết vấn đề cấp bách thiếu vật liệu xây dựng hiện nay.

Thứ bốn, cơ cấu lại chương trình mục tiêu quốc gia, sớm hướng dẫn thực hiện cụ thể việc phân bổ kinh phí và giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia theo cơ chế, chính sách đặc thù tại Nghị quyết 111/2024/QH15 ngày 18/1/2024 của Quốc hội khóa XV để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia.

Thứ năm, Chính phủ sớm xây dựng Nghị định quy định về việc tiếp tục thực hiện các chính sách an sinh xã hội, giáo dục, tiền lương, phụ cấp và các chính sách khác (nếu có) trên địa bàn các xã khu vực III, khu vực II, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khi được cấp có thẩm quyền công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Thứ sáu, Chính phủ sớm bố trí nguồn kinh phí đầu tư mở rộng, nâng cấp tuyến quốc lộ 14D qua huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Đây là tuyến hành lang Đông - Tây, kết nối 3 nước Việt Nam - Lào - Thái Lan, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông qua các tuyến rất đông; trong khi đó mặt đường còn chật hẹp, xuống cấp, chưa đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện.

VĂN HIẾU