Chuyện nhà thờ tiền hiền xã Tam Quang
Nhà thờ tiền hiền xã Tam Quang là nơi thờ tự Cao tiền hiền, Nguyễn tiền hiền và những người có công đức trong công cuộc khai khẩn, xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước, gắn với quá trình hình thành, phát triển của xã Tam Quang (huyện Núi Thành).
Đây là công trình ghi dấu ấn lịch sử, văn hóa, chứng kiến những thăng trầm của vùng đất qua bao bận bể dâu…
Những người khai khẩn
Cũng như các địa phương khác ở khu vực Trung Trung Bộ, cư dân Tam Quang có nguồn gốc tổ tiên từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Theo tiếng gọi Nam tiến, họ có cuộc di dân từ phương Bắc vào phương Nam để khai phá vùng đất mới và định cư lâu dài.
Tam Quang nằm ở đoạn cuối phía nam sông Trường Giang - con sông không có đầu nguồn, nối sông Thu Bồn chạy dọc theo bờ biển đến cửa An Hòa, là đường thủy quan trọng. Sự hiện diện sớm của cư dân trên vùng đất Tam Quang là điều tất yếu bởi nơi đây là vùng đất đa dạng về địa hình, giao thông tương đối thuận lợi.
Sử sách ghi lại và theo các vị cao niên cũng như gia phả các tộc họ ở xã Tam Quang, vào thế kỷ 16, vị tộc Cao tiền hiền người gốc Nghệ An là người đầu tiên khai phá lập ra các làng Trung An Đông (còn gọi là xóm Chợ Chùa), thôn Xuân Trung, thôn An Tây.
Nguyễn tiền hiền (tức Nguyễn Tấn Hồ) người gốc Thanh Hóa đến khai phá, lập ra làng Trung Toàn (trước gọi là xóm Núi), làng Xiêm Riêng (hay còn gọi là cồn Cam Riêng, nay thuộc thôn Sâm Linh), làng An Hải (còn gọi là Chợ Chiều) thuộc xã Xuân Hạ (xã Tam Quang ngày nay).
Đến năm 1917, vùng đất Tam Quang được chia thành 6 làng gồm: Sâm Linh (còn gọi là Xiêm Riêng), An Hải, Trung Toàn, Xuân Trung, Thanh Long (còn gọi là Bãi Rạng) và An Tây (còn gọi là Đập Đá) thuộc tổng An Hòa, phủ Tam Kỳ.
Hai vị tộc Cao và tộc Nguyễn được xem là những vị tiền hiền có công khai hoang lập làng, định hình nên xã Tam Quang ngày nay.
Trước đây vùng đất này còn rất hoang vu và hẻo lánh, thổ nhưỡng nghèo dinh dưỡng, bị nhiễm mặn, thiếu nước tưới, nên khả năng phát triển nông nghiệp có hạn. Điều kiện đó, đòi hỏi phải vươn ra biển.
Từ nỗ lực, quyết tâm khai phá vùng đất mới để an cư lạc nghiệp, hai vị Cao tộc và Nguyễn tộc đã hướng dẫn nhân dân khắc phục khó khăn, vận dụng thế mạnh của vùng đất để chăn nuôi, trồng trọt và coi trọng khai thác hải sản.
Từng đội rùng, đội vây trên vùng đất này dần dần được hình thành. Những mảnh đất nhiễm mặn được người dân cải tạo thành các ruộng bằng phẳng để trồng cây lương thực. Thời gian tiếp nối, hết đời này đến đời khác, con cháu, dân cư ngày một đông đúc và quần cư bên nhau, tảo tần khai phá, xây dựng cơ nghiệp, an cư nơi vùng đất mới và hình thành nên vùng đất Tam Quang.
Nhà thờ tri ân công đức
Sau khi cuộc sống được ổn định, ruộng đồng đất đai trù phú, những năm cuối thế kỷ 19, con cháu các tộc họ trong làng cùng dựng nên ngôi nhà thờ để tri ân công đức và thờ tự Cao tộc tiền hiền khai khẩn, Nguyễn tộc hậu hiền khai cơ.
Sau nhiều lần sửa chữa, tôn tạo, năm 2007, nhà thờ tiền hiền được dựng lại trên nền móng cũ. Đặc biệt, phía trước nhà thờ hiện vẫn sừng sững cây bàng cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm. Cây bàng là chứng nhân qua bao thăng trầm của thời cuộc. Theo các vị cao niên, cây bàng có thể được trồng khi ngôi nhà thờ tiền hiền được xây dựng vào cuối thế kỷ 19.
Nhà thờ tiền hiền xã Tam Quang còn gắn liền với các sự kiện lịch sử đấu tranh cách mạng của Núi Thành nói chung, mảnh đất Tam Quang nói riêng. Nơi đây từng được dùng để tổ chức các cuộc họp bí mật nhằm phổ biến, triển khai các đường lối, chính sách của Đảng, của cách mạng đến với các cơ sở và nhân dân. Những lớp bình dân học vụ xóa nạn mù chữ cho người dân trong vùng cũng được mở tại đây.
Nhà thờ tiền hiền xã Tam Quang được chính quyền cách mạng sử dụng làm điểm tổ chức bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa I trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của cả nước.
Trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên này, có ông Nguyễn Thế Kỷ - một trong những người con kiên trung của quê hương Tam Quang - người đảng viên Đảng cộng sản đầu tiên của Đảng bộ xã Tam Quang - được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa I.
Trải qua bao thế hệ, nhà thờ tiền hiền trở thành nơi sinh hoạt tâm linh của nhân dân, ngư dân của xã Tam Quang. Hằng năm, vào các ngày 25 tháng Chạp và mùng 10 tháng 3 âm lịch, người dân xã Tam Quang thường tổ chức tế lễ tổ, ôn lại truyền thống của cha ông xưa và giáo dục con cháu đạo lý uống nước nhớ nguồn.
Bên cạnh nhà thờ tiền hiền xã Tam Quang là khu mộ phần của hai vị Cao tiền hiền và Nguyễn tiền hiền. Hai mộ này được chính quyền địa phương và con cháu các tộc họ trong xã quy tập từ thôn An Tây và thôn Xuân Trung về cải táng cạnh nhau trong cùng khuôn viên rộng khoảng 330m2. Hai ngôi mộ được xây mới khang trang, bề thế và được khánh thành vào dịp Giỗ tổ Hùng Vương 10/3 năm 2024.
Không chỉ mang giá trị tâm linh, tri ân công đức tiền nhân, nhà thờ tiền hiền xã Tam Quang còn góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị và bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng dân cư làng biển xã Tam Quang.