Nguồn lực tiếp sức xây dựng nông thôn mới ở Nam Giang
(QNO) - Nguồn vốn tín dụng chính sách ở Nam Giang đã hỗ trợ phát triển sản xuất, giúp hàng trăm gia đình khó khăn vươn lên thoát nghèo, tạo việc làm, góp phần thực hiện hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Mô hình mới hiệu quả
Vừa lập gia đình, hai vợ chồng anh A Lăng Do (ở thôn Vinh, xã Tà Pơơ) đã thuộc diện hộ nghèo, loay hoay với ruộng đồng và nương rẫy. Cách đây khoảng 3 năm, nhận thấy mô hình chăn nuôi và trồng cây bản địa là hướng đi phù hợp với điều kiện và thổ nhưỡng địa phương, vợ chồng anh A Lăng Do vay 75 triệu đồng phát triển kinh tế tại Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Nam Giang
Với số tiền này, anh Do mua 2 cặp heo giống bản địa về nuôi; đầu tư làm hàng rào tại khu vườn nhà rộng gần 4.000m2, lắp đặt hệ thống nước tưới cho gần 700 cây lòn bon. Nhờ chăm sóc tốt, đàn heo phát triển nhanh và đã xuất chuồng có lãi. Ở khu vực này, trái lòn bon ngon, ngọt nên được nhiều người ưa chuộng.
Anh Do nói: “Đến mùa, thương lái lên tận nơi thu mua nên cũng đỡ vất vả. Ngoài ra, mình còn trồng xen canh hơn 100 cây sâm đất, sa nhân và cam Vinh. Khoảng 2 năm nữa, những cây này sẽ cho thu hoạch”.
Ở tổ dân phố Đồng Râm (thị trấn Thạnh Mỹ), trên mảnh vườn rộng gần 1ha, gia đình chị Nguyễn Thị Mến (người dân tộc Tày) đã phân chia thành từng khu chăn nuôi riêng biệt. Ngoài khu vực chăn thả hơn 100 con gà, trong vườn còn nuôi hơn 10 con heo đen địa phương. Gần 1 năm nay, chị học hỏi thêm kinh nghiệm và nuôi hơn 20 thỏ mẹ.
“Ngoài số tiền dành dụm được, vợ chồng tôi còn vay thêm 100 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Nam Giang để mua con giống, thức ăn cùng nhiều vật tư khác. Chúng tôi còn trồng 3ha keo, mỗi vụ thu hoạch từ 45-50 triệu đồng” - chị Mến nói.
Ăn nên làm ra, chị đã trả hết gốc và lãi rồi tiếp tục vay vốn để mở rộng sản xuất. Nhờ chịu khó làm ăn, hộ này thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm; xây dựng nhà mới khang trang, có tiền nuôi các con ăn học cũng nhờ động lực từ vốn vay tín dụng.
Đổi cách nghĩ, cách làm
Trước đây, nhiều hộ ở Nam Giang vay vốn nhưng chưa mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, một phần là thiếu kinh nghiệm. Một số hộ khác lo nguồn vốn vay không phát huy được hiệu quả, vậy nên không dám vay nhiều đầu tư vào mô hình sản xuất, chăn nuôi quy mô lớn. Xác định rõ nguyên nhân, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đã tăng cường phối hợp với các hội, đoàn thể tuyên truyền, vận động hộ dân hiểu rõ lợi ích từ các nguồn vốn vay tín dụng chính sách.
Phát huy vai trò của mình, Ban Đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH huyện đưa chủ tịch UBND các xã, thị trấn vào làm thành viên. Cạnh đó, các địa phương bám sát tinh thần chỉ đạo của ngành và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện để triển khai nhiệm vụ.
Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Nam Giang cũng đã đẩy nhanh tiến độ giải ngân và hoàn thành các chương trình cho vay theo chỉ tiêu phân bổ. Từ đầu năm đến nay, doanh số cho vay đạt hơn 38,3 tỷ đồng, với 1.272 lượt hộ nghèo và các đối tượng khác trên địa bàn huyện được vay vốn; nâng tổng dư nợ của 14 chương trình tín dụng của toàn huyện đến nay đạt hơn 267,6 tỷ đồng.
Ông Đỗ Trần Quốc Nhật - Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Nam Giang cho biết, để vốn tín dụng chính sách phát huy hiệu quả, đơn vị cho vay theo các nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội của UBND huyện. Phối hợp với 4 hội, đoàn thể cùng các xã tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho vay đối với các Tổ tiết kiệm và vay vốn. Từ đó, các tổ này tuyên truyền để các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích,định hướng. Nhờ vậy, hầu hết hộ vay đều sử dụng vốn hiệu quả, giúp các hộ nghèo, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số tăng thu nhập, cải thiện đời sống để thoát nghèo bền vững.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã làm thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số. Nguồn vốn này phát huy hiệu quả đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn 35,58%, tiếp sức trong xây dựng nông thôn mới.
Ông Châu Văn Ngọ - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang
Ông Châu Văn Ngọ - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang chia sẻ, từ các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, ngoài việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, địa phương lồng ghép triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ sản xuất theo hướng phát triển đa dạng mô hình nông - lâm nghiệp gắn với chăn nuôi gia súc, gia cầm từng khu vực cụ thể. Trong đó, lấy người dân, đặc biệt là hộ nghèo làm chủ thể trong việc tiếp cận và hưởng thụ các chương trình chính sách; huy động tối đa nguồn lực, khuyến khích người dân thoát nghèo bền vững.
Số lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện Nam Giang được vay vốn đến ngày 30/9/2024 là 1.272 hộ; tạo việc làm cho 193 lao động; 8 sinh viên đi học...