Nhà nước và cử tri

Đại biểu Quốc hội Quảng Nam góp ý nhiều nội dung vào dự án Luật Điện lực (sửa đổi)

VĂN HIẾU 26/10/2024 18:50

(QNO) - Tiếp tục phiên thảo luận ở tổ chiều 26/10, đại biểu Dương Văn Phước - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam góp ý nhiều nội dung nhằm hoàn thiện Luật Điện lực (sửa đổi), đây là dự án luật cho ý kiến lần đầu.

image001.png
Đại biểu Dương Văn Phước - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam phát biểu thảo luận tại Tổ 5. Ảnh: V.HIẾU

Đại biểu Dương Văn Phước đề nghị bổ sung nội dung điều chỉnh “quản lý nhà nước về hoạt động điện lực, lựa chọn nhà đầu tư, điều độ vận hành” vào Điều 1 nhằm hoàn thiện nội dung điều luật như sau: “Luật này quy định về quản lý nhà nước về hoạt động điện lực, quy hoạch phát triển điện lực, lựa chọn nhà đầu tư và đầu tư xây dựng dự án điện lực; phát triển điện năng lượng tái tạo và điện năng lượng mới; giấy phép hoạt động điện lực; thị trường điện cạnh tranh, giá điện, hoạt động mua bán điện; trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực và sử dụng điện; điều độ vận hành hệ thống điện quốc gia, điều hành giao dịch thị trường điện lực; bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện; quản lý nhà nước về điện lực” để phù hợp với vai trò quản lý nhà nước tổng quát, phù hợp pháp luật về đấu thầu (lựa chọn nhà đầu tư sau đó mới đến đầu tư xây dựng).

Đồng thời, đại biểu đề nghị xem xét bổ sung nội dung quy định “đầu tư, lựa chọn đầu tư” vào khoản 12 Điều 4 để hoàn thiện nội dung điều luật như sau: “Dự án đầu tư điện lực là dự án đầu tư theo quy định pháp luật về đầu tư, bao gồm tập hợp các đề xuất về sử dụng vốn để thực hiện các hoạt động đầu tư, lựa chọn đầu tư, xây dựng, cải tạo, kinh doanh công trình điện lực trên địa bàn cụ thể và trong khoảng thời hạn xác định”.

Tại khoản 17 Điều 4, đại biểu đề nghị thay nội dung quy định “Điều độ hệ thống điện” bằng nội dung quy định “Điều độ vận hành hệ thống điện” để phù hợp quy phạm trang bị điện, các quy định của Chính phủ, thông tư Bộ Công Thương và rà soát thay đổi cụm từ này cho toàn bộ dự thảo luật cho thống nhất và đồng bộ.

Về phát triển điện gió ngoài khơi, để có cơ chế hỗ trợ cho phát triển dự án điện gió ngoài khơi, đại biểu đề xuất bổ sung thêm nhiều cơ chế: (1) Doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ thực hiện dự án điện gió ngoài khơi được, (2) Nhà nước ưu tiên bố trí vốn đầu tư công ngân sách nhà nước, nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước để khảo sát, thực hiện đầu tư, (3) Miễn bảo đảm thực hiện dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, (4) Được phê duyệt cấp tín dụng vượt giới hạn đối với một khách hàng và người có liên quan để vay vốn thực hiện dự án đầu tư điện gió ngoài khơi, (5) Thuộc đối tượng được bảo lãnh Chính phủ theo quy định của Luật Quản lý nợ công.

Nêu quan điểm bổ sung cơ chế trên, đại biểu Dương Văn Phước cho rằng đối với nhà đầu tư là doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp do nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ khi thực hiện đầu tư, xây dựng công trình điện, đặc biệt là các dự án điện gió ngoài khơi cần được Nhà nước ưu tiên trong công tác bố trí vốn và các điều kiện khác có liên quan. Bởi vì đối với các dự án thuộc nhóm này khi thực hiện đầu tư không chỉ đơn thuần là phát triển và tạo lợi nhuận doanh nghiệp mà còn dựa trên các mục đích khác như: an ninh - quốc phòng, an sinh xã hội… Do đó cần được xem xét, hỗ trợ cho phù hợp.

image002.png
Quang cảnh buổi thảo luận Tổ 5. Ảnh: V.HIẾU

Về cấp độ phát triển thị trường điện cạnh tranh, đại biểu đề nghị bổ sung quy định “Chính phủ quy định chi tiết quan hệ giữa hoạt động thị trường phát điện với thị trường tín chỉ carbon theo lộ trình cam kết quốc tế và theo pháp luật bảo vệ môi trường”.

Đại biểu cho rằng, theo cam kết quốc tế của Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP26, Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nghị định 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, Chính phủ cần có quy định chi tiết để bảo đảm tính minh bạch cho doanh nghiệp sản xuất nhiệt điện có phát thải CO2 bảo đảm cạnh tranh trong giao dịch thương mại giữa tín chỉ quyền phát thải CO2 tương đương với công suất kW phát điện.

Đại biểu Dương Văn Phước đề nghị bổ sung thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước về điện lực ở địa phương trong quản lý nhu cầu điện, đây là cơ sở pháp lý để cơ quan này nắm bắt được khả năng truyền tải của đường dây nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Theo đại biểu, hiện nay toàn bộ thẩm quyền này giao cho Bộ Công Thương quản lý, khó khăn cho các địa phương.

VĂN HIẾU