Truyện ngắn

Rồi mẹ sẽ về

ĐINH LÊ VŨ 26/10/2024 10:38

Lúc đó là khoảng gần sáu giờ chiều. Tôi với Liên, sau khi đi bộ một vòng, đã sắp về đến nhà. Tôi vẫy tay cười chào Liên, “Mai gặp nghe”, trước khi đi băng qua đường, bước lên vỉa hè vô nhà.

Tôi thấy nụ cười rất tươi của Liên đột ngột chuyển thành vẻ hoảng sợ thất thần, rồi Liên hét lên một tiếng kinh khủng. Có cái gì va đập rất mạnh vào phần sau của tôi, tôi không biết nó chạm vào lưng, vào mông, vào chân hay vào đầu.

Tôi chỉ thấy tự nhiên mình bay lên thật nhanh với tốc độ ánh sáng, rồi rơi xuống, cái đầu, rồi cả thân người tôi đáp trên mặt đường như trái dưa hấu chín nẫu.

Trong đầu tôi chỉ kịp bật ra câu hỏi: Ôi trời, mình bị gì thế này, rồi chung quanh tôi như có một màn sương mờ dày đặc. Cái cổng nhà, vỉa hè mới đó tự nhiên thành hun hút xa, xa thẳm.

ROI ME SE VE cua DINH LE VU
Minh họa: HIỂN TRÍ

Tôi thấy mình bật dậy như một phản xạ không điều kiện, nhưng mắt lại mờ đi, không còn nhìn thấy gì. Chỉ nghe tiếng người lao xao ở xa kia, xa lắm.

Tiếng Liên khóc thảm thiết: “Trời ơi, chết bạn tôi rồi!”. Tiếng anh hàng xóm trước nhà, giận dữ: “Chạy xe gì ẩu vậy cha nội”. Tiếng ai đó hốt hoảng: “Bất tỉnh rồi, ai kêu công an, kêu xe đưa nó đi bệnh viện cấp cứu, nhanh lên”. Rồi tiếng xe cấp cứu vang lên nhức nhối, xa xa.

Tôi thấy cơ thể mình bỗng nhẹ bẫng đi, trôi bềnh bồng, vô định trong một thế giới chỉ toàn là màu trắng, lạnh lẽo, vô hồn.

Tôi đang mê, không mê hẳn, bởi tôi vẫn còn nghe, còn cảm thấy được. Chỉ có tay chân nặng trịch, như bị buộc chặt vào một mặt phẳng. Tôi muốn mở mắt ra nhìn nhưng mi mắt của tôi không còn nghe theo tôi nữa. Tôi muốn hỏi, tôi đang ở đâu thế này, nhưng không thể nào cất thành lời.

Có một giọng nữ lạ: “Bệnh nhân mấp máy môi rồi kìa”. Một giọng đàn ông khác, uy quyền hơn: “Đưa nhanh vô chụp ci-ti cắt lớp cái đầu”. Tiếng nói khác: “Bệnh nhân nôn kìa”. Tiếng Liên khóc rưng rức. Tiếng Hùng thảng thốt van nài: “Xin bác sĩ cứu giùm vợ tôi”.

Hình như Hùng khóc. Tôi chưa bao giờ thấy Hùng khóc, nhất là khóc vì tôi. Trong suốt cuộc hôn nhân gần mười lăm năm của chúng tôi, phần lớn thời gian, Hùng luôn giữ một vẻ mặt lầm lì cố hữu. Chỉ mở miệng khi thật cần. Cũng chưa bao giờ tôi thấy Hùng mất bình tĩnh, trước bất cứ chuyện gì.

*
* *

Tôi lấy chồng năm hai mươi mốt tuổi, Hùng là mối tình đầu của tôi. Chúng tôi quen nhau là do đứa bạn mai mối, đứa bạn nói: “Ảnh ít nói, nhưng hiền lành, lại có nghề cơ khí”.

Lúc tôi gặp Hùng lần đầu, Hùng vừa xuất ngũ nghĩa vụ quân sự. Hùng tới nhà tôi chơi, hiền queo, ai nói gì cũng cười. Lấy nhau về, rồi Bin ra đời, tôi nhận ra đằng sau vẻ hiền queo đó là một người tẻ nhạt, tẻ nhạt kinh khủng.

Hùng chỉ có một mối quan tâm duy nhất là câu cá. Chuyện nhà, chuyện con cái, Hùng không bao giờ để ý. Nhắc thì làm, không nhắc thì thôi. Hùng chỉ biết cặm cụi cả ngày với cái xưởng cơ khí, làm ra được đồng nào thì đưa vợ giữ, còn lại thì đi câu.

Tôi có chồng mà như phụ nữ đơn thân, chuyện chi cũng làm một mình, biết một mình. Xung khắc càng lúc càng lớn, cãi nhau triền miên. Lúc đầu thì còn nói qua nói lại, tôi nói nhiều hơn, về sau thì chỉ còn một mình tôi nói, mình tôi gây lộn với tôi. Tôi nói thì ảnh im như thóc, rồi lảng đi câu. Có khi đi suốt đêm.

Tôi cô đơn, tôi tuyệt vọng, tôi kiệt quệ và tôi đã có lỗi với ảnh.

Tôi không có gì để biện minh khi mình có lỗi. Chuyện đó như một giấc mơ, thường thì ít ai tỉnh táo được khi mơ. Giấc mơ trôi qua rất nhanh, tôi cũng tỉnh ngộ rất nhanh, nhưng sau đó, Hùng coi tôi như người lạ.

Hùng tự ăn cơm ngoài, tự chăm sóc mình, tôi như vô hình trong mắt Hùng. Dường như việc tôi làm gây tổn thương nặng nề đến cái tôi đàn ông của Hùng, Hùng không nói nặng với tôi một câu, nhưng không tha thứ. Với tôi, ảnh chọn cách im lặng, vô tri.

Giao tiếp hiếm hoi của hai vợ chồng là qua Bin. Tôi biết mình có lỗi nên luôn tìm cách chuộc lỗi, tìm mọi cơ hội để chuộc lỗi. Nhưng ảnh lơ hết, không biểu hiện cảm xúc nào. Chúng tôi không nói chuyện ly hôn hay ly thân gì, nhưng sống như hai cái bóng trong ngôi nhà.

Cũng có lúc tôi tuyệt vọng, muốn bứt tung, buông xuôi hết, nhưng tôi nghĩ tới cu Bin. Tôi không muốn Bin thiếu cha hoặc mẹ. Nên cắn răng mà sống, mà chu toàn dù biết là vô vọng. Cuộc đời tôi, suy cho cùng, bây giờ là Bin. Tôi chịu đựng được hết, để Bin có một tuổi thơ vuông vắn, ba mẹ đủ đầy.

*
* *

Tôi không biết mình thiếp đi bao lâu. Choáng trong tâm trí tôi lúc này, là Bin. Bin đâu rồi? Đây là đâu? Tại sao tôi không nghe động tĩnh gì của Bin, không nghe âm thanh gì của Bin. Bin ơi. Tôi cất tiếng gọi Bin, mà không nghe con dạ. Tôi muốn vùng vẫy, muốn cựa quậy, tôi muốn được về nhà với Bin của tôi mà sao tôi không về nhà được.

Chuyện quái quỷ gì đang xảy ra? Tôi còn sống không? Trời ơi, đừng bắt con chết lúc này. Đừng bắt tôi phải xa Bin lúc này. Bin của tôi còn non dại lắm, Bin mới mười hai tuổi, Bin đang cần tôi. Không có tôi, buổi tối ai nhắc Bin đi ngủ đúng giờ? Ai nấu cơm cho Bin ăn? Ai giặt đồ cho Bin? Ai chở Bin đi học?

Tôi nhớ có buổi chiều trời mưa, tôi bận tăng ca, không về đón Bin được, tám giờ tối Bin còn ngồi chờ tôi trước cổng trường, bụng đói meo. Tôi khóc: “Sao con không mua cái gì ăn tạm?”. “Con chờ mẹ”. “Sao con không gọi ba?”. “Ba mắc đi câu”.

Sau lần Bin nhịn đói trước cổng trường, hôm nào tôi tăng ca, Hùng có ghé đón Bin, chở Bin đi ăn tối, rồi mới đi câu. Nhưng Hùng vẫn vô tri với tôi.

*
* *

Tôi lờ mờ nhận ra được tình trạng của mình, qua những câu chắp vá nghe được, chỉ lơ mơ nghe mà không mở mắt ra, hỏi han gì được. Hình như tôi bị tai nạn, đang ở bệnh viện.

Trong lớp màn sương trắng vô thức, bất động, không cảm giác, tôi vẫn nghe những cơn đau. Những cơn đau đến từ khắp cơ thể, từ xương khớp, trong từng thớ thịt, trong những vết cắt đau nhói, cả người tôi như đang có cả trăm nghìn vết cắt. Có lúc đau âm ỉ, có lúc như cứa vào thân xác, có lúc nhức nhối khắp người, có lúc lại như mất cảm giác, lênh đênh, vô định.

Có lúc, tôi thấy mình vùng vẫy, rên rỉ như một người điên, như đó không phải là tôi, có lúc tôi lại thấy mình như đứa trẻ. Đứa trẻ được nuông chiều, được đút từng miếng cháo, miếng sữa... Nhưng tôi có còn là đứa trẻ nữa đâu.

Tôi nhớ ngày tôi sinh Bin, cũng đau xé người, cũng nằm im không động đậy, nhưng cơn đau ngày đó không giống thế này. Đó là cơn đau hạnh phúc. Lúc Bin mới sinh, mắt sáng, vẻ hiền queo, ai gặp cũng kêu Bin giống ba. Tôi nhớ mình đã từng rất hạnh phúc khi Bin giống ba…

Giọng nói tôi nghe nhiều nhất trong trạng thái lơ mơ của mình là giọng của Hùng. Giọng nói đó vừa giống giọng của Hùng, vừa không giống giọng của Hùng. Bởi Hùng hiếm khi nói với tôi một câu có đầu có đuôi có đầy đủ chủ ngữ vị ngữ, lại bằng một giọng dịu dàng, ấm áp như ngày hai đứa mới yêu: “Để anh đỡ em ngồi dậy!”. “Em há miệng anh đút ăn!”. “Anh ở đây nè, bên cạnh em nè”. “Em ráng ăn đi! Em cố lên, để về với con”. “Đừng bỏ ba con anh, mau tỉnh đậy đi em”.

Hình như Hùng có ôm tôi, đỡ tôi dậy. Hùng chải tóc, lau mặt, làm vệ sinh, thay áo quần cho tôi. Tôi như sống lại những ngày tháng ngọt ngào năm cũ, cảm giác lâu lắm tôi mới có lại. Có thật là Hùng không, Hùng vẫn còn thương tôi sao?

*
* *

Có một thoáng, rất nhanh, tôi thấy mình như đang tách rời thành hai. Một tôi đang nằm đó, trên giường bệnh viện, chăn gối trắng tinh, mắt nhắm nghiền, bất động.

Một tôi khác đang bươn bả về nhà thăm Bin. Tôi bắt gặp Bin ngồi trong phòng khách, ti vi đang mở, tô mì gói mềm bã im lìm trên bàn. Mặt Bin trông thảm não, Bin không coi ti vi, chỉ nhìn chăm chăm vào tô mì. Bin thút thít: “Mẹ ơi, mẹ ở đâu, con nhớ mẹ”.

Tôi nhìn Bin mà ứa nước mắt. Tim tôi thổn thức, miệng tôi nói với Bin: “Bin ơi, mẹ đây, mẹ đang ở bên cạnh con đây”. Nhưng có hàng chục bàn tay gớm ghiếc đang giữ chặt lấy tôi, lôi tôi ra khỏi Bin: “Mẹ nhớ con lắm, Bin ơi”.

Tôi vùng vẫy, tôi chống chọi, mong thoát ra để về với Bin, nhưng những bàn tay vẫn lôi tôi đi, mỗi lúc một xa, vào một vùng trắng toát, hun hút. Tôi nghe văng vẳng tiếng Bin gọi mẹ ơi, mẹ ơi, xé lòng. Tôi muốn về với con tôi… Nước mắt tôi tuôn ra như mưa, như thác đổ…

Tôi không biết là do tiếng gọi xé lòng của Bin, hay những giọt nước mắt của tôi đã làm nên sự bừng tỉnh ấy. Mí mắt tôi tự nhiên lay nhẹ, không rõ là cái máy mắt trong vô thức, hay do tôi cảm thấy, hay bằng một cách thần kỳ nào đó, tôi đã điều khiển được mí mắt của mình. Có giọt gì đó nóng hổi lăn ra từ mắt tôi. Tôi đang khóc sao? Tôi khóc được thật sao? Giọt nước mắt đó có thật sao?

Tôi nghe tiếng Hùng reo lên mừng rỡ: “Vợ tôi tỉnh rồi. Mi mắt vợ tôi cử động được rồi, bác sĩ ơi, Bin ơi, mẹ sắp về với con, với cha con mình rồi…”.

Sau đó thì một làn sóng lao xao của rất nhiều tiếng nói vây quanh tôi, ban đầu như từ trong tâm thức, nhưng sau đó, mỗi lúc một rõ ràng dần: “Mừng quá, bệnh nhân tỉnh lại rồi. Bệnh nhân còn khóc nữa kìa. Bác sĩ ơi, vui quá”.

Có một tia sáng, chóa lòa, như đang chực chờ xộc vào mắt tôi. Đầu tôi vẫn choáng váng, nặng như chì. Toàn thân vẫn bất động, nhưng đã có cảm giác ấm áp ở mấy đầu ngón tay. Môi tôi mấp máy: “Bin ơi! Chờ mẹ nhé, rồi mẹ sẽ về với con”.

ĐINH LÊ VŨ