Tây Giang, Hiệp Đức: Xuất hiện vết nứt tại Trung tâm Y tế huyện, đồi núi phía sau khu dân cư
(QNO) - Tại Trung tâm Y tế huyện Tây Giang đã xuất hiện tình trạng sụt lún, nứt gãy nền, tường nhà bất thường; còn ở Hiệp Đức chính quyền bắt buộc phải sơ tán khẩn cấp 30 hộ dân ở khu dân cư Nà Nổ (xã Phước Gia) do đồi núi phía sau có dấu hiệu sạt lở đất.
Sáng nay 27/10, ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, qua rà soát, địa phương phát hiện nhiều khu vực phòng làm việc chuyên môn của Trung tâm Y tế huyện bị đe dọa bởi sạt lở, một số dãy tường và nền nhà có dấu hiệu sụt lún, nứt gãy rất nguy hiểm.
Báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Tây Giang cho thấy, có rất nhiều khoa, phòng làm việc, điều trị của đơn vị bị hư hỏng, xuống cấp, thiếu nhiều công trình phụ trợ.
Thời gian gần đây do ảnh hưởng của các đợt mưa lũ khiến vị trí nền nhà kho chính của Khoa Dược của trung tâm bị sụt lún, nứt gãy diện rộng bất thường (khoảng 100m2); khu dịch vụ Kỹ thuật mổ - xét nghiệm - chẩn đoán hình ảnh (khoảng 300m2) nhiều chỗ bị nứt tường diện rộng, thấm dột, ẩm mốc...
Đặc biệt, bên trong phòng mổ bị bong và rớt các tấm gạch men ốp tường, cũng như sụt lún nền nhà bất thường, có nguy cơ tiềm ẩn sập nền và tường nhà, đe dọa đến an toàn cho cán bộ, viên chức, người lao động, bệnh nhân và tài sản công của đơn vị.
Bác sĩ Zơrâm Báo - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tây Giang cho biết, với hiện trạng cơ sở hạ tầng bị hư hỏng, xuống cấp này, tiên lượng ảnh hưởng rất nghiêm trọng và dễ bị gián đoạn đến công tác an toàn phẫu thuật.
Nguy cơ tiềm ẩn gây nhiễm trùng hậu phẫu, ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc và điều trị người bệnh; không đảm bảo an toàn tính mạng cho ê kip phẫu thuật và bệnh nhân.
"Do đơn vị không có nguồn lực cũng như không có khả năng tiên đoán được kết cấu, mật độ đất, đá bên dưới nền nhà, tường nhà nên không tiên lượng được mức độ tiềm ẩn nguy hại có thể xảy ra cho người và tài sản" - bác sĩ Zơrâm Báo chia sẻ.
Trước tình trạng trên, trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang Arất Blúi cho biết, địa phương đã nắm sự việc và cho rà soát toàn bộ khu vực bị ảnh hưởng để có biện pháp xử lý tạm thời, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng người bệnh và đội ngũ y bác sĩ của đơn vị.
"Trước mắt, chúng tôi huy động lực lượng hỗ trợ, chủ động phương án di dời tạm thời để đảm bảo an toàn cho cán bộ, viên chức, người lao động, bệnh nhân, cũng như phương tiện, máy móc phục vụ chuyên môn y tế" - ông Blúi cho biết thêm.
Theo ghi nhận, trên địa bàn Tây Giang hiện xuất hiện các đợt mưa lớn dần, lưới điện quốc gia bị cúp, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh, buôn bán, cũng như đời sống người dân địa phương.
Trung tâm Y tế huyện Tây Giang được xây dựng và đưa vào sử dụng giai đoạn 2008 - 2009. Sau đó được xây dựng bổ sung, sửa chữa, nâng cấp với tổng diện tích hơn 3.531m2 trong tổng diện tích khuôn viên của trung tâm rộng hơn 12.057m2.
* Tại xã Phước Gia (Hiệp Đức), sáng nay 27/10, ông Nguyễn Thành Liêm - Chủ tịch UBND xã cho biết, địa phương đã đặt biển cảnh báo, bố trí lực lượng canh gác 24/24h tại khu vực đồi núi phía sau khu dân cư Nà Nổ thuộc thôn Gia Cao (xã Phước Gia), tuyệt đối không cho người dân quay về nhà để tránh nguy cơ sạt lở.
Trước đó, qua kiểm tra tình hình sạt lở trước khi bão số 6 đổ bộ, xã Phước Gia đã phát hiện trên đỉnh đồi ngay chính giữa khu dân cư Nà Nổ xuất hiện một vết nứt có độ sâu 1m, dài 30m dạng vòng cung bán kính 10m, ước khối lượng đất đá có nguy cơ sạt lở 100m3. Chính quyền đã huy động toàn bộ lực lượng công an, xã đội, dân quân thường trực, đoàn viên thanh niên, phụ nữ, tiến hành vận động và hỗ trợ bà con di dời đến nơi an toàn.
Tính đến 18 giờ chiều 26/10, toàn bộ 30 hộ với 163 nhân khẩu ở khu dân cư Nà Nổ, phần lớn là đồng bào Ca Dong đã được bố trí đến ở tạm tại khu vực Trường Tiểu học Kpa-Kơ Long. Ngoài ra, xã Phước Gia cũng đã bố trí sơ tán 3 hộ với 11 nhân khẩu ở khu vực lân cận có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.
Cũng theo ông Nguyễn Thành Liêm, trong chiều 26/10, xã đã đưa phương tiện cơ giới tạo mương chia nước trên đỉnh núi phía sau khu dân cư Nà Nổ nhằm giảm lượng nước mưa đổ về vị trí vết nứt.