Miền núi Quảng Nam chủ động ứng phó sạt lở đất
Bão dần tan, nhưng mưa lớn vẫn tiếp tục được ghi nhận tại các huyện miền núi. Để kịp thời ứng phó với diễn biến mưa lũ, ngăn ngừa rủi ro có thể xảy ra, cùng với công tác rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở đất, nhiều địa phương miền núi trong tỉnh chủ động phương án sơ tán người dân, di dời nhà cửa, vật dụng cần thiết đến nơi an toàn.
Rà soát điểm sạt lở
Vài ngày trước, huyện Tây Giang phát hiện có khoảng 6 - 7 đường nứt ngang trên đỉnh đồi tại khu dân cư H’juh (xã Ch’Ơm), đe doạ hàng chục người dân địa phương. Ngay lập tức, chính quyền sở tại thực hiện các biện pháp khẩn cấp nhằm chủ động ứng phó.
Ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, để chủ động ứng phó trước bão lũ, nhiều ngày qua, chính quyền địa phương thành lập 2 tổ công tác trực tiếp đi kiểm tra tình hình tại các xã, đặc biệt là 4 xã vùng cao Tr’Hy, A Xan, Ga Ry và Ch’Ơm - nơi thường xuyên xảy ra các vụ sạt lở đất nghiêm trọng những năm gần đây.
Qua kiểm tra, ngoài khu dân cư H’juh, tổ công tác phát hiện thêm một số điểm có nguy cơ cao về sạt lở đất tại các khu dân cư thuộc xã Ga Ry, A Xan và Tr’Hy nên kịp thời chỉ đạo các địa phương khẩn trương triển khai phương án sơ tán người dân.
“Chúng tôi cũng huy động lực lượng hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, khẩn trương thu hoạch lúa mùa, khơi thông dòng chảy tại một số điểm xung yếu và kiểm tra các sườn đồi gần khu dân cư đề phòng sạt lở, lũ quét. Ngoài ra, lập phương án chỉ đạo ứng phó “4 tại chỗ”, đảm bảo lương thực dự trữ trong cộng đồng suốt 30 ngày” - ông Blúi cho biết.
Không chỉ Tây Giang, công tác rà soát điểm sạt lở luôn được các địa phương miền núi Đông Giang, Nam Giang, Nam Trà My, Hiệp Đức... chủ động triển khai, xem đó là phương án tối ưu để phòng ngừa hiểm họa.
Từ việc chủ động rà soát này, thời gian qua, nhiều địa phương kịp thời phát hiện các vết nứt, sụt lún trên các sườn núi, đảm bảo công tác sơ tán người dân đến nơi an toàn.
Theo ông Nguyễn Thành Liêm - Chủ tịch UBND xã Phước Gia (Hiệp Đức), qua rà soát, chiều 26/10, địa phương phát hiện vết nứt lớn tại khu vực đồi núi phía sau khu dân cư Nà Nổ (thôn Gia Cao, xã Phước Gia).
Bên cạnh đặt biển cảnh báo, chính quyền địa phương huy động lực lượng hỗ trợ sơ tán người dân, di dời tài sản đến nơi an toàn. Nơi được bố trí ở tạm là Trường Tiểu học Kpa-Kơlơng trên địa bàn xã.
Chủ động sơ tán dân
Mưa lớn tiếp tục xuất hiện tại các huyện miền núi. Những ngày qua, các lực lượng bộ đội, công an, biên phòng tuyến biên giới triển khai nhiệm vụ “hết công suất” giúp sơ tán hàng nghìn hộ dân nằm trong khu vực xung yếu, có nguy cơ sạt lở đất và lũ quét đến nơi an toàn. Các lực lượng cũng đồng thời vận chuyển vật dụng cần thiết, giúp dân thu hoạch lúa mùa, triển khai bố trí chỗ ở tạm đảm bảo an toàn.
Thượng tá Bùi Văn Đức - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tr’Hy (Tây Giang) cho biết, để chủ động ứng phó trước cơn bão Trà Mi, trong hai ngày 26&27/10, đơn vị cắt cử 2 tổ công tác gồm 50 lượt cán bộ chiến sĩ phối hợp với chính quyền địa phương các xã A Xan, Tr’Hy tham gia vận động, hỗ trợ sơ tán 176 hộ/818 nhân khẩu thuộc 8 thôn đến vị trí tránh trú bão an toàn.
Nhiều người già và trẻ nhỏ không thể đi lại do ốm đau, đơn vị phân công cán bộ chiến sĩ hỗ trợ khiêng cõng, thậm chí trung chuyển bằng xe ô tô vượt qua thời tiết mưa lũ.
“Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, với phương châm “4 tại chỗ” trong ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, nhiều ngày qua chúng tôi tích cực triển khai công tác chằng chống nhà cửa, vận động sơ tán người dân, di dời nhiều tài sản tại các điểm khu dân cư có nguy cơ cao về sạt lở đất.
Ngoài ra, đơn vị cũng duy trì lực lượng thường trực cơ động, sẵn sàng phối hợp với các địa phương thực hiện nhiệm vụ trong các tình huống xảy ra” - Thượng tá Bùi Văn Đức nói.
Song song với công tác chủ động rà soát phòng ngừa trước diễn biến mưa lũ, các địa phương Đông Giang, Nam Giang, Nam Trà My... lên “kịch bản” di dời nhà cửa và sơ tán hàng nghìn hộ dân tại các điểm bị ngập lụt, sạt lở đất, có nguy cơ lũ quét.
Đi kèm với đó là công tác dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm trong trường hợp bị cô lập dài ngày. Các điểm ở tạm của người dân đến sơ tán cũng được bố trí, đảm bảo tốt nhất có thể, tuyệt đối không để người dân quay trở lại khi chưa đảm bảo các điều kiện an toàn.