Thực thi thủ tục đất đai
Tôi có người quen thực hiện thủ tục sang nhượng một miếng đất cách đây chưa lâu. Anh nói, do mình không biết đường sá chi nên nhờ dịch vụ công chứng làm hết. Đến khi công chứng được rồi, còn một thủ tục nữa là sang tên trong “bìa đỏ”, mình cũng nhờ dịch vụ họ làm.
Sau khi nộp thủ tục vào bộ phận một cửa, dù đã qua ngày hẹn nhưng vẫn chưa có kết quả, hỏi bên dịch vụ thì họ nói, giấy tờ trễ hẹn là bình thường, muốn nhanh thì phải “chi” thêm... Anh tâm sự, vì muốn làm cho xong nên phải bấm bụng chi thêm, đến khoảng 1 tuần sau thì mới hoàn thành thủ tục này.
Câu chuyện kể trên có thể chỉ là một lát cắt của thực trạng giải quyết thủ tục hành chính về đất đai hiện nay. Trong câu chuyện này, người dân buộc phải chi thêm tiền dịch vụ (dù không biết ai là người đòi và nhận cuối cùng) nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là sự trễ hẹn của bộ phận làm thủ tục.
Tình trạng trễ hẹn cộng với việc nhiêu khê trong thủ tục đã được nhận diện rằng đó là cơ hội, là mảnh đất màu mỡ cho các loại “cò”, dịch vụ về đất đai khiến người dân phải tốn nhiều tiền của và công sức. Tuy nhiên, không ít địa phương hiện nay có tỷ lệ trễ hạn trong giải quyết thủ tục hành chính về đất đai vẫn còn khá cao.
Đơn cử như huyện Núi Thành, lâu nay được xem là một “điển hình” trong việc chậm chạp giải quyết thủ tục hành chính về đất đai, dù gần đây có cải thiện nhưng tỷ lệ trễ hạn vẫn còn khá cao.
Theo báo cáo, trong 9 tháng đầu năm 2024, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Núi Thành có 375 hồ sơ đã và đang giải quyết trễ hạn. Tỷ lệ hồ sơ trễ hạn lĩnh vực đất đai (do Phòng TN-MT huyện tham mưu) còn cao (tỷ lệ trễ hạn trong tháng 9 là 38,17% và 9 tháng là 23,92%).
Một trong những hạn chế khác cũng được nhìn nhận rằng thực hiện thư xin lỗi khi giải quyết hồ sơ trễ hạn chưa đầy đủ theo quy định.
Đến nay, bộ phận một cửa chỉ nhận được 56 thư xin lỗi khi trả hồ sơ trễ hạn (chỉ đạt 37,09%). Đây là điểm đáng lưu ý, bởi thật ra, một lời “xin lỗi” sau khi trễ hẹn rất có ý nghĩa với người dân, doanh nghiệp, không chỉ đem lại sự hài lòng mà đó còn là một cách giải thích để họ có thể tránh được những “chi phí không chính thức”.
Công bằng mà nói, giải quyết thủ tục hành chính trên lĩnh vực đất đai không dễ suôn sẻ, với nhiều nguyên nhân khách quan. Trong đó thực trạng quản lý đất đai tồn tại nhiều bất cập; nhiều quy định chưa phù hợp là nguyên nhân chính.
Quảng Nam đang tập trung xây dựng những quy định được giao theo thẩm quyền để đưa Luật Đất đai 2024 vào đời sống xã hội. Dự thảo về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh đang được lấy ý kiến góp ý với kỳ vọng sẽ tạo ra một hành lang pháp lý chặt chẽ, và như chia sẻ của đại diện Sở TN-MT (cơ quan soạn thảo) rằng trên tinh thần hỗ trợ tối đa cho người dân có đất bị thu hồi.
Tuy nhiên, trong lần lấy ý kiến gần đây, nhiều đại biểu đã cho rằng ở nhiều tình huống thực tế, người bị thu hồi đất vẫn bị thiệt thòi. Vì vậy, không ít ý kiến đề xuất cần tăng thêm mức hỗ trợ cho người bị thu hồi đất để tạo được tiếng nói đồng thuận trong giải phóng mặt bằng.
Ví dụ ở quy định hỗ trợ thuê nhà ở, theo dự thảo thời gian hỗ trợ là 12 tháng; trường hợp thuộc dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mà được bồi thường bằng đất ở tại chỗ là 36 tháng, nhiều đại biểu cho rằng cần tăng thêm, thậm chí đề xuất hỗ trợ theo thực tế thời gian thực hiện dự án, bởi hiện nay tình trạng dự án treo rất nhiều...
Ngoài Dự thảo về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, còn rất nhiều văn bản nữa sẽ được xây dựng, ban hành để tạo ra một hành lang quản lý đất đai hiệu quả theo luật đất đai mới. Vấn đề còn lại là chuyện của những người thi hành luật trên lĩnh vực này.
Liệu tình trạng trễ hạn hồ sơ, trễ cả lời xin lỗi có chuyển biến mạnh mẽ để có thể giải tỏa được “mảnh đất” màu mỡ của các loại cò, dịch vụ trên lĩnh vực “nhạy cảm” này? Tất cả kỳ vọng vào những cơ quan, con người thực thi thủ tục về đất đai.