Vùng Vịnh mạnh tay đầu tư vào năng lượng sạch
(QNO) - Quá trình chuyển đổi năng lượng mang đến cho khu vực vùng Vịnh cơ hội giảm thiểu, thích ứng biến đổi khí hậu và đa dạng hóa kinh tế.
Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất
Dù dầu khí chiếm đến 70% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và doanh thu, khối 6 quốc gia vùng Vịnh gồm Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Ả-rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) công bố đầu tư hàng tỷ USD vào năng lượng sạch, góp phần loại bỏ khí thải làm nóng hành tinh.
UAE chú trọng vào năng lượng hạt nhân, nhà máy điện mặt trời và giao thông bền vững. UAE có nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở thế giới Ả-rập và 3 nhà máy điện mặt trời quy mô hàng đầu thế giới: nhà máy Noor Abu Dhabi công suất 1,2GW điện, Mohammed bin Rashid Al Maktoum với 5.000MW vào năm 2030 và Masdar City với công suất 17.500MWh.
UAE kết nối tổ máy số 4 của nhà máy điện hạt nhân Barakah với lưới điện quốc gia vào tháng 3/2024, bổ sung thêm 1.400MW công suất điện sạch. Nhà máy Barakah sẽ tạo ra 40TWh điện mỗi năm đồng thời ngăn chặn việc thải ra 22,4 triệu tấn khí thải các bon.
Tháng 10 năm ngoái, UAE khánh thành chương trình điện gió đầu tiên và xây dựng trang trại điện gió công suất 103,5MW trên 4 đảo gồm Sir Bani Yas, Delma, Al Sila và Al Halah ở Fujairah.
Năm 2022, UAE ký kết hợp tác Mỹ để đầu tư 100 tỷ USD vào các dự án năng lượng sạch nhằm sản xuất 100GW vào năm 2035.
Tổng thể, UAE công bố kế hoạch đầu tư 163 tỷ USD hướng tới mục tiêu đạt 44% năng lượng tái tạo vào năm 2050, một phần trong chiến lược đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Ả-rập Xê-út
Ả-rập Xê-út cam kết phát triển quốc gia bền vững gồm kế hoạch dựa vào năng lượng tái tạo để sản xuất 50% điện năng vào năm 2030.
Trong đó, Công ty mua sắm năng lượng Saudi khởi động công viên năng lượng mặt trời Sudair công suất 1,5GW, trong khi ACWA Power vừa hợp tác với Badeel để xây dựng nhà máy điện mặt trời tại Al Shuaibah với công suất phát điện 2.060MW trong thời gian tới.
Bộ Năng lượng Ả-rập Xê-út cấp các thỏa thuận mua điện từ hai dự án năng lượng mặt trời Al Rass và Saad vào năm 2022 với tổng công suất 1.000MW.
Đặc biệt, tháng 9/2022, Ả-rập Xê-út khởi động 5 dự án mới sản xuất điện bằng năng lượng tái tạo với tổng công suất dự kiến 3.300MW gồm các trang trại gió ở Yanbu, Al-Ghat, Waad Al Shamal, Al Hinakiyah và Tabarjal.
Ả-rập Xê-út - quốc gia xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới cho biết sẽ đầu tư hơn 186 tỷ USD vào nền kinh tế xanh khi đặt mục tiêu đạt mức phát thải các bon ròng bằng 0 vào năm 2060.
Qatar
Là một trong những nước xuất khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng hàng đầu thế giới, Qatar có kế hoạch mở rộng 85% sản lượng khí thiên nhiên hóa lỏng từ 77mtpa hiện tại của North Field lên 142mtpa vào năm 2030, giúp Qatar kiểm soát gần 25% thị trường này toàn cầu vào năm 2030 và hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Majid Jafar - Tổng Giám đốc điều hành của Crescent Petroleum và Giám đốc điều hành Hội đồng quản trị của Dana Gas cho biết: "Thay thế than và nhiên liệu lỏng bằng khí thiên nhiên hóa lỏng để phát điện là cách nhanh nhất để giảm phát thải, được chứng minh bởi các nền kinh tế tiên tiến như Mỹ và Vương quốc Anh".