Dấu ấn "Dân vận khéo" ở Phú Ninh
Diện mạo của quê hương nông thôn mới Phú Ninh ngày càng khởi sắc qua gần 20 năm thành lập huyện, luôn gắn liền với dấu ấn của công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn.
Tích cực vận động nhân dân
Một ngày cuối tháng 6/2024, người dân thôn Khánh Mỹ (xã Tam Thành, Phú Ninh) hưởng ứng tích cực “Ngày dân vận ở cơ sở” do Ban Dân vận Huyện ủy Phú Ninh phát động.
Theo kế hoạch, công việc chính của người dân là phụ đắp lề cho tuyến đường bê tông của thôn nối về trung tâm xã vừa được đầu tư xây dựng.
Với sự đồng thuận, đóng góp to lớn của người dân, đến nay, toàn thôn Khánh Mỹ có 21/25 tuyến đường được bê tông hóa, 4 tuyến đã vận động nhân dân mở rộng mặt nền đường chờ phân bổ đầu tư để tiếp tục thực hiện.
Theo ông Huỳnh Văn Lý - Bí thư Chi bộ thôn Khánh Mỹ, trong nhiều mô hình “Dân vận khéo” được chi bộ đăng ký thực hiện hiệu quả, nổi bật nhất là mô hình “Vận động nhân dân hiến đất, vật kiến trúc và kinh phí đối ứng để mở rộng mặt nền, làm giao thông nông thôn”.
Trên cơ sở được sự thống nhất chủ trương đầu tư và nguồn vốn bố trí từ cấp trên, chi bộ đã xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho Ban công tác mặt trận thôn, Tổ dân vận thôn và các chi hội đoàn thể triển khai vận động nhân dân giải phóng mặt bằng, đóng góp ngày công để thực hiện.
“Qua công tác vận động, nhân dân đóng góp 440 triệu đồng; hiến hơn 8.500m2 đất; hơn 1.000 ngày công; 15 tường rào, 1 cổng ngõ kiên cố để mở rộng nền đường làm giao thông nông thôn. Từ kết quả thực hiện mô hình “Dân vận khéo” của chi bộ đã tạo được nét đổi mới của làng quê, thôn không còn hộ nghèo” - ông Lý cho hay.
Tổng kết 15 năm thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” (2009 - 2024), bà Trần Thị Hải - Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Đàn Long (xã Tam Đàn, Phú Ninh) là một trong 26 cá nhân điển hình được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen.
Câu chuyện bà Hải đã lấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thế chấp ngân hàng vay 200 triệu đồng trong 4 năm để giúp 20 chị em hội viên Câu lạc bộ Tiểu thương có vốn làm ăn là một trong nhiều việc làm ý nghĩa mang lại hiệu quả thực tế với người dân tại cơ sở.
Hằng tháng, bà Hải còn phối hợp vận động nhân dân tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường trên các tuyến đường làng, thực hiện phân loại rác thải tại nguồn và tham gia mô hình “Ngôi nhà xanh” để thu gom phế liệu gây quỹ giúp phụ nữ nghèo. Mỗi quý giúp đỡ được 20 phụ nữ nghèo với số tiền hơn 10 triệu đồng...
Đảng viên Trần Thị Hải đã thể hiện tinh thần tiên phong, gương mẫu tuyên truyền, tác động đến nhận thức người dân để cùng tham gia thực hiện đạt hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của thôn còn 1% và 0,02% hộ cận nghèo.
“Bản thân sẽ luôn phấn đấu để có thể giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, thực hiện tốt phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”; tích cực vận động nhân dân tham gia và hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu tại địa phương” - bà Hải tâm niệm.
Chú trọng chất lượng, hiệu quả
Qua 15 năm triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, tại Phú Ninh đã có gần 1.200 mô hình “Dân vận khéo” của các ban, ngành, lực lượng vũ trang, Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội huyện triển khai thực hiện trên các lĩnh vực. Trong đó có trên 300 điển hình “Dân vận khéo” thực hiện hiệu quả và có thể nhân rộng.
Ở lĩnh vực văn hóa - xã hội, nhiều mô hình “dân vận khéo” đăng ký thực hiện gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững.
Gắn với đó lồng ghép thực hiện Chỉ thị 13 ngày 13/5/2021 của Ban Thường vụ Huyện ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc triển khai thực hiện phong trào xây dựng cảnh quan môi trường “sáng - xanh - sạch - đẹp”…
Bà Bùi Thị Kim Hoàng - Phó Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Phú Ninh, cho hay: “Từ sự lan tỏa của phong trào “Dân vận khéo” và thực hiện Chỉ thị số 13, Ban Chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua mô hình điển hình “dân vận khéo” huyện phát động thực hiện mô hình theo “đặt hàng” - một cách làm mới trong chỉ đạo thực hiện.
Theo đó toàn huyện đã tập trung xây dựng cảnh quan tại 11 ngã ba, ngã tư trung tâm các xã thị trấn và 51 địa chỉ ở các thôn, khối phố, tạo không gian xanh tại các nút giao thông trên địa bàn toàn huyện” - bà Kim Hoàng chia sẻ.
Ông Lê Văn Ninh - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phú Ninh nói, trong hành trình 20 năm thành lập huyện, công tác dân vận nói chung và phong trào thi đua “Dân vận khéo” nói riêng luôn gắn liền với nhiệm vụ xây dựng quê hương, xây dựng nông thôn mới.
“Với con số gần 1.200 mô hình được xây dựng trên các lĩnh vực, trong đó có hơn 110 mô hình, điển hình được nhân rộng là minh chứng sinh động về hiệu quả của phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn huyện” - ông Ninh khẳng định.