Nam Trà My ổn định chỗ ở cho hộ nghèo
Thực hiện Dự án 5 - Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, huyện Nam Trà My đã tích cực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo an cư.
Đảm bảo chỗ ở an toàn
Tại xã Trà Cang, mỗi năm khi được giao nhiệm vụ rà soát số lượng nhà ở cần hỗ trợ của nhân dân, UBND xã Trà Cang đều tổ chức các cuộc họp với ban nhân dân các thôn triển khai một số nội dung liên quan về hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng hộ nghèo và hộ cận nghèo.
UBND xã hướng dẫn cho ban nhân dân thôn lập danh sách đúng các hộ có nhu cầu được hỗ trợ. Sau khi có danh sách, UBND xã đến kiểm tra hiện trạng nhà dựa theo danh sách đã lập, đảm bảo đúng đối tượng.
Trong quá trình triển khai thì thường xuyên theo dõi tiến độ thực hiện, tuyên truyền các hộ dân được hỗ trợ nhà từ giai đoạn đầu đến khi nghiệm thu, phải thực hiện nghiêm túc, không chặt phá rừng, thi công xây mới, sửa chữa phải đảm bảo an toàn tính mạng, đảm bảo nhà ở 3 cứng.
Ông Ngô Tấn Lạc - Chủ tịch UBND xã Trà Cang cho biết, trong năm 2024, huyện giao kinh phí hỗ trợ gần 200 hộ nghèo, cận nghèo của Trà Cang.
Huyện đã rà soát sau khi xã báo cáo danh sách, thống nhất hỗ trợ đến nay được 128 hộ xây nhà mới (không có nhà sửa chữa). Đến thời điểm này, đã có hơn 50% trong số 128 hộ thực hiện và được ứng 70% chi phí hỗ trợ (42/60 triệu đồng).
Xã kết hợp vận động làm nhà gắn với chỉnh trang lại làng để tạo không gian, cảnh quan phù hợp, khắc phục tình trạng chen chúc, không có đường đi lối lại và mất vệ sinh như trước khi chưa thực hiện xóa nhà tạm. Đặc biệt, đối với nhà xây mới thì xã vận động nhân dân đối ứng thêm, tận dụng từ nhiều cách làm để có được nhà vệ sinh đảm bảo điều kiện.
Trà Cang cũng đang thực hiện sắp xếp dân cư đối với khu dân cư 72 - Tăk Nhing gồm 49 hộ, khu dân cư Tăk Pót - Vân Nai với 27 hộ; xã đang trình phương án sắp xếp dân cư đối với khu dân cư Tak Cui có 55 hộ, trong đó có 33 hộ di dời khẩn cấp do nguy cơ sạt lở trong mùa mưa này.
Theo ông Lạc, Trà Cang thiếu mặt bằng để bố trí, sắp xếp lại dân cư vì số hộ cần sắp xếp nhiều, quỹ đất thiếu, có nguy cơ sạt lở khi can thiệp cơ giới vì nền đất yếu.
“Xã cũng đang tiếp tục rà soát lại đối tượng thụ hưởng, vì có văn bản của Bộ Xây dựng về việc không hỗ trợ đối với đối tượng đã được thụ hưởng các chương trình 134, 167 trước đây.
Nhưng việc sàng lọc rất khó vì hộ dân đều thuộc diện nghèo, cận nghèo, khó khăn, nhà được hỗ trợ theo các chương trình cũ đã quá lâu, nhà có nguy cơ sụp đổ, nay không hỗ trợ nữa thì rất khó cho hộ dân này” - ông Lạc nói.
Tập trung nguồn lực
Thực hiện Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo (Dự án 5 - Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025), Nam Trà My đang tập trung nhân lực, vật lực để hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo.
Nguồn kinh phí năm 2023 được Nam Trà My thực hiện hơn 20,7 tỷ đồng, hỗ trợ cho 400 hộ nghèo, cận nghèo xây mới và sửa chữa nhà ở và hoàn thành hơn 90%.
Trong năm 2024, toàn huyện có 533 nhà ở được hỗ trợ sửa chữa và xây mới, tổng nguồn vốn hơn 22,2 tỷ đồng, đang được các xã cùng với người dân thực hiện khẩn trương.
UBND huyện Nam Trà My chỉ đạo UBND các xã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể xã, thôn hưởng ứng tham gia, triển khai công tác thành lập ban chỉ đạo xóa nhà tạm cấp xã, tuyên truyền, vận động đến các thôn, các đối tượng thụ hưởng để tổ chức triển khai thực hiện theo quy định.
Đối với các trường hợp hộ được hỗ trợ nhưng không có khả năng tự xây mới hoặc sửa chữa, thì xã phân công nhân lực, hàng xóm hỗ trợ, cùng với hộ nghèo, hộ khó khăn làm được căn nhà để ổn định cuộc sống.
Ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My thông tin, việc thực hiện Dự án 5 về hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo còn nhiều khó khăn.
Cụ thể như đối tượng thụ hưởng từ đề án là hộ dân tộc thiểu số nghèo nên việc huy động kinh phí thực hiện của hộ gặp khó, nguồn kinh phí hỗ trợ từ chương trình còn thấp so với mặt bằng chung về giá cả thị trường nguyên, vật liệu xây dựng.
Các xã khi thực hiện phải điều chỉnh, thay đổi kế hoạch hỗ trợ cho đối tượng do đối tượng không đủ điều kiện trong năm thực hiện, thay đổi quy mô thực hiện, từ sửa chữa qua xây dựng mới và ngược lại.
Việc rà soát, thực hiện hỗ trợ đối với các hộ dân thuộc dự án nhưng trước đây đã thụ hưởng các chương trình, dự án hỗ trợ nhà ở khác như 134, 135, 167…, nhưng thời gian thực hiện đã lâu (từ 15 đến 20 năm) nên nhà ở đã xuống cấp, hư hỏng hoặc bị thiên tai, bão lũ khiến nhà ở buộc phải di dời đi nơi khác.
Ông Mẫn kiến nghị: “Huyện đã kiến nghị UBND tỉnh đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ, huy động thêm nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình, dự án khác, các nguồn xã hội hóa ngoài ngân sách nhà nước… nhằm hỗ trợ cho đối tượng thực hiện đảm bảo tiêu chí “3 cứng” và diện tích theo quy định, tính ổn định, bền vững, khả năng chống chịu thiên tai vì hiện tại giá cả thị trường về nguồn nguyên vật liệu xây dựng luôn biến động theo chiều hướng tăng. Các hộ dân đã được hỗ trợ từ các chương trình nhưng quá lâu, nhà xuống cấp nặng cần được xem xét hỗ trợ làm lại vì điều kiện họ quá khó khăn”.
Trà Mai giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đạt 70%
Theo UBND xã Trà Mai (Nam Trà My), địa phương đã tập trung thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) trên địa bàn, trong đó có chương trình giảm nghèo bền vững. Năm 2024, xã Trà Mai có 1.274 hộ với 4.506 nhân khẩu, trong đó có 104 hộ nghèo (tỷ lệ 8,16%), 86 hộ cận nghèo (tỷ lệ 6,75%).
Tổng kế hoạch vốn thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững được phân bổ cho xã Trà Mai năm 2024 hơn 4,9 tỷ đồng, trong đó có nguồn vốn năm 2023 kéo dài gần 800 triệu đồng. Tính đến ngày 30/9, xã Trà Mai đã giải ngân được hơn 3,4 tỷ đồng (đạt 70% kế hoạch).
Công tác giảm nghèo bền vững năm 2024 trên địa bàn xã còn gặp khó khăn, do dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến việc tái đàn; sản xuất của người dân còn manh mún, nhỏ lẻ; hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa mạnh dạn đầu tư quy mô chuồng trại, chăn nuôi quy mô lớn, ảnh hưởng đến thu nhập; một số hộ nghèo có học vấn thấp, khó có cơ hội tìm kiếm việc làm, thu nhập ổn định.
Thời gian tới, xã Trà Mai tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực lao động sản xuất, phát triển chăn nuôi, tự giác vươn lên thoát nghèo bền vững.
Địa phương nhân rộng những cách làm thiết thực, hiệu quả cao; cầm tay chỉ việc nhằm giúp đỡ người dân, hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Từ đó giúp cho xã Trà Mai giữ vững thành quả xây dựng nông thôn mới.
LÊ DIỄM
Nam Trà My giải ngân đạt hơn 56% kế hoạch vốn đầu tư từ các chương trình mục tiêu
UBND huyện Nam Trà My cho biết, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 trên địa bàn huyện đến thời điểm 30/9 là hơn 349 tỷ đồng, giải ngân đạt hơn 198 tỷ đồng (đạt 56,8% kế hoạch vốn).
Trong đó, vốn năm 2023 chuyển sang hơn 81 tỷ đồng, giải ngân hơn 52 tỷ đồng (đạt 64,8%); vốn bổ sung 2024 hơn 267 tỷ đồng, giải ngân hơn 145 tỷ đồng (đạt 54,4%).
Tổng kế hoạch vốn sự nghiệp (nguồn ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh) năm 2024 thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện hơn 126 tỷ đồng; đến thời điểm hiện tại, huyện đã giải ngân hơn 36 tỷ đồng, đạt 28,7% kế hoạch vốn.
Mặc dù tỷ lệ giải ngân so với mặt bằng chung của tỉnh đạt khá, tuy nhiên công tác triển khai các dự án đầu tư hạ tầng gặp nhiều vướng mắc, khó khăn.
Thủ tục hành chính còn vướng mắc, việc thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư gặp khó, công tác lựa chọn nhà thầu còn nhiều bất cập và tốn nhiều thời gian.
Giá cả vật liệu xây dựng những tháng đầu năm biến động mạnh, nhất là sắt thép, xăng dầu… Đặc biệt, nguồn cung ứng cát trên địa bàn huyện miền núi nói chung và Nam Trà My nói riêng vô cùng khan hiếm và báo động.
Huyện Nam Trà My đã dốc toàn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công, tháo gỡ khó khăn thực hiện đạt kết quả đề ra trong năm 2024.
NHẬT LINH