Đọng lại trong câu hát...
(VHQN) - Hệ thống tuồng cổ và các bài dân ca Khu 5 thuở xưa mang đến cái nhìn bao quát, phong phú về hình tượng người phụ nữ ở không gian này.
Nếu ở phần tái hiện trong sinh hoạt thường nhật, người phụ nữ hiện ra với nhiều nét đẹp thuần hậu, chân chất về bản thể; thì phần biểu hiện đời sống tinh thần, người phụ nữ thường được miêu tả như là nạn nhân của tư tưởng trọng nam khinh nữ thâm sâu trong xã hội phong kiến, tạo ra những bất bình đẳng về giới.
Tính nữ trong nghệ thuật truyền thống
Trong nghệ thuật tuồng cổ, hình tượng người phụ nữ “trung trinh tiết liệt” được đề cao. Họ vừa anh hùng, dũng khí khi triều đình có biến, vừa đảm đang, ngoan hiền trong cuộc sống đời thường, thể hiện qua các nhân vật Nguyệt Hạo, Đổng Mẫu (vở tuồng Sơn Hậu), Mai Hương, Mai Xuân (vở tuồng Triệu Đình Long), Lan Anh (vở tuồng Hộ Sanh Đàn)…
Những nhân vật nữ trong tuồng cổ có đầy đủ phẩm chất đáng quý ấy và ẩn chứa những đức tính cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Đó là lòng nhân ái, vị tha và đức hy sinh cao cả...
Những tính cách ấy cũng thể hiện khá đa dạng trong các làn điệu dân ca Khu 5, từ khúc hát ru đến câu hò, điệu lý mộc mạc, chân chất. Thường những bài dân ca có lời hát bắt nguồn từ những câu ca dao thể lục bát đơn giản. Đó là hệ quả tất yếu của quá trình giao thoa văn hóa trên khắp miền đất giàu yếu tố văn hóa này.
Những làn điệu dân ca đi theo suốt hành trình đời người. Lời ru với giọng ca dao trữ tình, yên ả của mẹ như nhắn nhủ con trẻ bao điều sâu nặng. “Ầu ơ! ví dầu cầu ván đóng đinh/Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi/Chứ khó đi mẹ dắt con đi/ Con thi trường học, Ầu ơ... con thi trường học. Mẹ thi trường đời”.
Qua những cuộc hát hò khoan đối đáp đặc trưng của vùng Nam Trung Bộ, cũng thấp thoáng bóng dáng nữ nhi. Từ phận má hồng với bao thiệt thòi trong cuộc sống cũng được thể hiện rõ nét trong các câu ca sau: Dang tay bắt bướm đậu hoa/ Bướm bay đâu mất bỏ hoa một mình (Lý bắt bướm).
Trong sinh hoạt thường ngày đậm tình nghĩa vợ chồng êm ấm, bổn phận thê thiếp thường tình còn được khắc họa rõ nét qua những câu hát dung dị giàu hình tượng. Ba lý tang tình mà nghe/ Ta hò ba lý tình tang/Chẻ tre mà đan sịa là hố/ Cho nàng phơi khoai/ Khoan hố khoan là hố hò khoan (Hò ba lý).
Còn có những câu ca nói lên nết chịu thương chịu khó, thực hiện chức phận nữ nhi chốn hậu phương trong thời quê hương binh biến, tảo tần lo việc nuôi quân chống giặc ngoại xâm. “Rủ rủ nhau, rủ nhau đi chợ, ơ đi Hàn Sông Hàn, ơ đi Hàn Sông Hàn/ Hãy cùng đến chợ, mua hàng nuôi quân, là quân nuôi quân/ Ơ hơ chị em ta có ớ tình mà nghe ớ chăng” (Lý đi chợ).
Tiếng nói nữ quyền
Với nhiều cung bậc cảm xúc, hình tượng người phụ nữ thể hiện khá đa dạng trong dân gian. Trên vùng đất này, biết bao cô lái đò ngày ngày chông chênh trên sông lớn, chở khách qua sông, cất giọng hò tha thiết xa xăm, gửi lời than oán thầm trách người thương chốn xa xôi, cách trở qua điệu Hò chèo thuyền.
“Em chèo thuyền trên sông cái. Em ngó lại quê mình/ Chim trên cành còn đủ cặp, huống chi mình muốn lẻ đôi/ Vì đâu mà đây với đó hai nơi, chuyến đò ngang bằng chiếc đũa/ Không một lời nhắn đưa. Cây đa bến cũ con đò xưa/ người thương có nghĩa thì nắng với mưa em vẫn chờ…”.
Điệu Lý vọng phu lại khắc họa thân phận má đào trong thời phong kiến, luôn chịu đựng nỗi đắng cay, cô lẻ, hẩm hiu vì người chồng tệ bạc đã ra đi biền biệt, giờ chỉ biết than thở với con trẻ đang còn thơ dại. “Trên trời chừ có đám đám mây xanh/ Chính giữa là mây trắng mà chung quanh mây vàng/ Ôi là phụ tình phàng chừ là duyên chi bấy/ Chừ cái dạ em trông chàng/Mà không thấy thấy chàng đâu...”.
Hiện thực của cuộc sống biểu hiện qua nghệ thuật với lối diễn đạt mộc mạc, cảm xúc hồn nhiên, chân thật và gần gũi với đời sống của người phụ nữ. Ngoài ra, nghệ thuật dân gian với tư duy ngôn ngữ sâu xa, có khi dí dỏm, trào lộng, có lúc miêu tả đầy đủ cung bậc tình cảm trong đời sống nội tâm cũng như khát vọng sống mãnh liệt của nữ giới trên vùng đất này từ thuở xa xưa.
Giới nữ hiện ra với nhiều nét đẹp thuần hậu, chân chất. Từ những vai diễn tuồng cổ đến những câu ca dân gian trên dải đất Khu 5, phản ánh chiều sâu trong đời sống tinh thần người phụ nữ, cho thấy nhiều bất bình đẳng mà họ phải cam chịu suốt thời phong kiến.
Qua góc nhìn ấy, có thể hình dung đây là cơ sở hết sức thuyết phục cho tiếng nói nữ quyền ra đời - tiếng nói khẳng định bản thể nữ đã khá rõ ràng trong nghệ thuật truyền thống cũng như dân ca người Việt. Và vì thế, nghệ thuật truyền thống chính là nơi lưu giữ những ký ức dân tộc, là điều không thể thiếu trong hành trình của người phụ nữ - bắt đầu từ những cam chịu thuở xa xưa, cho đến khi vai trò nữ giới dần dần bình đẳng hơn...