Nghiên cứu các yếu tố đột phá mang tính chiến lược, vì Quảng Nam phát triển nhanh, bền vững
(QNO) - Chiều 31/10, UBND tỉnh tổ chức hội thảo "Đổi mới các nhiệm vụ đột phá chiến lược vì sự phát triển nhanh và bền vững tỉnh Quảng Nam".
Hội thảo do Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Văn Dũng và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Nam Hưng chủ trì, với sự tham dự của các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương và các chuyên gia, nhà khoa học, nhà đầu tư trong nước.
Nhiều dấu ấn trong phát triển
Theo đại diện Sở KH-ĐT, ba nhiệm vụ đột phá chiến lược giai đoạn 2021 - 2025 xác định, gồm: Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển đô thị; Chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm; đề ra và đẩy mạnh, ưu tiên các nguồn lực triển khai thực hiện ba đột phá chiến lược nhiệm kỳ XXII.
Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 72, ngày 17/1/2024. Mục tiêu cụ thể đặt ra: tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt hơn 8%/năm và đến năm 2030 phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước. Đồng thời Quảng Nam phấn đấu trở thành cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng nhấn mạnh, tiếp nối những kết quả đã đạt được về ba nhiệm vụ đột phá của nhiệm kỳ 2015 - 2020, giai đoạn 2020 - 2025 đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội. Nền kinh tế khởi sắc và đạt nhiều kết quả tích cực.
Tốc độ tăng trưởng GRDP (giá so sánh 2010) bình quân 5 năm 2020 - 2025 dự kiến khoảng 3,3%. Quy mô nền kinh tế năm 2025 dự kiến gần 136,4 nghìn tỷ đồng, tăng gần 38 nghìn tỷ đồng so với năm 2020.
“Các nhiệm vụ đột phá chiến lược cũng như các giải pháp trọng tâm trong nhiệm kỳ XXIII cần đáp ứng yêu cầu vừa kế thừa ba đột phá chiến lược do Đại hội lần thứ XXII đã đề ra, gắn với Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; vừa bổ sung, đổi mới, cụ thể hóa hơn, phù hợp với giai đoạn phát triển mới cùng với nhận thức mới về cách tiếp cận và nội dung thực hiện.
Đây là nhân tố quan trọng tạo ra sự chuyển biến, bứt phá mạnh mẽ, góp phần quan trọng thực hiện thành công các mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu đưa Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng nhấn mạnh.
[VIDEO] - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng phát biểu khai mạc hội thảo:
Đổi mới tư duy cho phát triển
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã tập trung phân tích, đề xuất giải pháp trong phát triển cơ sở hạ tầng, đô thị; chuyển đổi số và triển khai chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số; phát huy vai trò nhân tố vùng trong thúc đẩy tăng trưởng và thu hút FDI, đổi mới tư duy để phát triển đột phá và bền vững...
GS-TSKH. Trương Quang Học đề xuất, Quảng Nam cần chú trọng xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển đô thị. Đồng thời chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Song song với đó, phải đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đảm bảo các điều kiện để doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Sự phát triển tuy đã đạt được nhiều thành tựu, song vẫn chưa bền vững, còn nhiều khó khăn, thách thức cần khắc phục.
Chia sẻ về định hướng phát triển cơ sở hạ tầng và đô thị Quảng Nam, TS. Ngô Viết Nam Sơn đề nghị cần có những đột phá ưu tiên phát triển hạ tầng kinh tế đô thị biển trong tương quan liên kết và hợp tác vùng của trục đô thị động lực Miền Trung theo hướng Bắc Nam. Đồng thời khuyến khích hỗ trợ và hợp tác hạ tầng kinh tế đô thị vùng đồi núi theo hướng Đông Tây
Bên cạnh bảo tồn, chỉnh trang, và liên kết phát triển quần thể đô thị du lịch di sản Hội An - Điện Bàn - Mỹ Sơn - Cù Lao Chàm trong chuỗi đô thị du lịch, TS. Ngô Viết Nam Sơn cũng đề nghị tỉnh tăng cường liên kết mạng lưới logistics hạ tầng đa phương tiện, hình thành Khu đô thị đại học Quảng Nam; phát huy lợi thế đặc biệt của vùng đô thị sân bay Chu Lai...
Phát biểu bế mạc hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng nhận định, các ý kiến tại hội thảo đã làm rõ thêm thực tế triển khai nhiệm vụ đột phá của từng ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời đề xuất những yếu tố đột phá mang tính chiến lược, các nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ XXIII gắn với Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhằm tạo động lực mới, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững, góp phần phấn đấu đến năm 2030 đưa Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng đề nghị Văn phòng UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp ý kiến tham luận của các đại biểu, hoàn thiện báo cáo đánh giá kết quả thực hiện 3 nhiệm vụ đột phá trong nhiệm kỳ XXII và đề xuất các nhiệm vụ đột phá trong nhiệm kỳ XXIII; làm cơ sở xây dựng Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXIII.
Sở, ban, ngành và địa phương tiếp tục nghiên cứu, rút kinh nghiệm trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ đột phá chiến lược phù hợp với ngành, địa phương trong thời gian tới.