Cecile Le Pham Nữ doanh nhân làm văn hóa
(VHQN) - Cecile Le Pham là Việt kiều Pháp nhưng định cư Việt Nam. Chị là doanh nhân trong ngành dệt may, người hoạt động thiện nguyện rất tích cực. Cecile cũng rất yêu mỹ thuật và là nhà sưu tầm cổ vật trứ danh.
Tại căn biệt thự của chị ở Xuân Thiều (Liên Chiểu, Đà Nẵng), một bộ sưu tập hiện vật rất đồ sộ, gồm tượng Phật, đồ gỗ, tranh, đồ pháp lang Trung Hoa, đồ gốm… đang trưng bày. Ngoài chỗ này, chị còn một kho cổ vật khác đang lưu trữ ở Cocodo, Huế.
Doanh nhân có trái tim ấm áp
Cecile Le Pham sinh năm 1952 tại Huế, có cha là người Pháp, mẹ là người Việt. Cả quãng đời niên thiếu và thanh xuân cho đến khi rời Việt Nam sang Pháp định cư vào năm 1979, Cecile Le Pham sống ở Việt Nam nhưng học ở trường nội trú của người Pháp. Thành thử, chị ảnh hưởng sâu sắc lối sống và văn hóa Pháp. Chỉ có giọng nói vẫn là của một phụ nữ Nam Bộ, pha trộn âm sắc của một người nói tiếng Pháp lâu năm.
Năm 1990, Cecile quay về Việt Nam thăm mẹ. Đây là thời điểm Việt Nam bắt đầu thời kỳ đổi mới, chính phủ mời gọi doanh nhân ngoại quốc và kiều bào về nước đầu tư.
Cecile Le Pham hưởng ứng chính sách đó và chọn lĩnh vực dệt may để đầu tư. Đến nay, chị là chủ của hai nhà máy sản xuất hàng may mặc là Dacotex ở KCN Hòa Thọ (Đà Nẵng) và Dacotex ở KCN Chu Lai (Quảng Nam). Tại Huế, chị lập Hudatex, là Công ty liên doanh sản xuất hàng may mặc với một doanh nghiệp nhà nước ở Thừa Thiên Huế, đồng thời là người sở hữu khách sạn Le Domaine de Cocodo có tiếng ở cố đô.
Là doanh nhân, nhưng Cecile Le Pham dành nhiều thời gian, công sức và tiền của cho hoạt động thiện nguyện, hướng đến các cộng đồng thiểu số, người kém may mắn, tầng lớp lao động ở tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và TP. Đà Nẵng.
Cecile Le Pham đã hợp tác với Hội LHTN ở các huyện miền núi phía tây tỉnh Quảng Nam trong gần 20 năm qua để tài trợ lắp đặt điện mặt trời cho đồng bào thiểu số, đồng bào nghèo ở các huyện Nam Giang, Đông Giang, Nam Trà My, Bắc Trà My.
Chưa kể, chị hỗ trợ lương thực, thực phẩm, sách vở, đồ dùng học tập cho các trẻ em nghèo ở các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện Hòa Vang (TP. Đà Nẵng), A Lưới, Nam Đông (tỉnh Thừa Thiên Huế)… Chị còn lập hai cô nhi viện, đều đặt tên là Hoa Mai ở Đà Nẵng và Hậu Giang để nuôi trẻ mồ côi trong hơn 30 năm qua.
Lập bảo tàng mỹ thuật để giữ gìn di sản
Là doanh nhân, Cecile Le Pham từng đi nhiều nơi để gặp gỡ đối tác hay đi du lịch. Đó là cơ hội để chị khám phá di sản văn hóa của nhiều dân tộc, nhiều quốc gia trên thế giới. Và chị đã sưu tầm nhiều cổ vật tài sản, văn hóa… ở hơn 40 quốc gia đưa về Pháp, sau đó chuyển về lưu giữ ở Việt Nam.
Khi mời tôi tham quan hai bộ sưu tập đồ sộ của mình ở Đà Nẵng và Huế, Cecile Le Pham cho hay: “Tôi có ý định sẽ thành lập một bảo tàng mỹ thuật để giới thiệu với công chúng những di sản văn hóa của Việt Nam và của nhân loại, lan tỏa những giá trị mỹ thuật, giá trị văn hóa đến cộng đồng và du khách thăm Việt Nam.
Nhưng tôi chỉ là một doanh nhân yêu thích văn hóa và muốn làm văn hóa, nên rất cần sự giám định của những người có chuyên môn và sự ủng hộ của chính quyền địa phương, để bảo tàng mà chị ấp ủ bấy lâu nay sớm hình thành”.
Sau cùng, mong muốn của Cecile Le Pham cũng trở thành hiện thực. Hơn 3 năm lập đề án mở bảo tàng mỹ thuật tư nhân ở Huế, qua nhiều lần giám định của các chuyên gia bảo tàng, nhiều vòng thẩm định của ngành văn hóa, Bảo tàng Mỹ thuật Cecile Le Pham đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trao quyết định thành lập và cấp phép hoạt động.
Ngày 24/4/2023, Bảo tàng Mỹ thuật Cecile Le Pham chính thức khai trương ở Huế. Đây là bảo tàng tư nhân thứ 5 ở Huế, tọa lạc trong khuôn viên của khách sạn Le Domaine de Cocodo (53 Hàm Nghi, Huế).
Cecile đã dồn tâm huyết của mình để gầy dựng một bộ sưu tập này, với hơn 1.000 hiện vật, có nguồn gốc từ nhiều quốc gia cũng như phong phú về loại hình, đa dạng về chất liệu, đặc sắc về tạo hình, giá trị về thẩm mỹ và văn hóa.
Bảo tàng Mỹ thuật Cecile Le Pham có các cổ vật và sản phẩm mỹ nghệ của Việt Nam và Trung Hoa, với niên đại chủ yếu từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 20. Cecile Le Pham có niềm đam mê đặc biệt đối với pháp lang Trung Hoa. Tại bảo tàng, chị cho trưng bày bộ sưu tập pháp lang Trung Hoa gồm tự khí, đồ trang trí nội thất, những bộ bàn ghế kích thước lớn…
Chủ đề “Mỹ thuật Phật giáo Á Đông - những tiếp cận đa chiều” là điểm nhấn ấn tượng tại bảo tàng. Với hơn 50 tượng Phật, kinh sách, pháp khí, tự khí, mỹ thuật phẩm… của Phật giáo các nước châu Á, trong đó có những tượng Phật xuất xứ từ Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Việt Nam… rất đặc sắc.
Những hiện vật trưng bày ở đây thể hiện sự đa dạng của hai dòng mỹ thuật Phật giáo: Tiểu thừa (chủ yếu ở các nước Nam Á - Đông Nam Á) và Đại thừa (chủ yếu ở các nước Đông Bắc Á và Việt Nam); đồng thời thể hiện sự giao thoa văn hóa và mỹ thuật trong diễn trình lịch sử giữa các quốc gia chịu ảnh hưởng của Phật giáo.
Địa chỉ để lan tỏa giá trị văn hóa
Di sản không chỉ để giữ gìn mà còn để lan tỏa giá trị. Đó là tâm nguyện của Cecile Le Pham. “Tôi muốn thành lập bảo tàng tại Huế vì đây là thành phố có nền văn hóa cổ xưa, tiêu biểu nhất là di sản triều Nguyễn. Mong muốn của tôi là những người trẻ, học sinh, sinh viên được chiêm ngưỡng những hiện vật sưu tầm từ khắp nơi trên thế giới, từ đó, nuôi dưỡng niềm đam mê trong các em với di sản văn hóa”.
Bảo tàng Mỹ thuật Cecile Le Pham trở thành một điểm đến mới, có sức hút đối với du khách và giới trẻ ở địa phương từ ngày khai trương đến nay. Đây cũng là nơi thường xuyên tổ chức những sinh hoạt nghệ thuật cho học sinh các cấp học ở Huế: tham quan bảo tàng, kể chuyện di sản, thi vẽ tranh…
Những hoạt động này đã khuyến khích giới trẻ quan tâm đến văn hóa và nghệ thuật, là nguồn dưỡng chất cần thiết cho những người trẻ trên hành trình trưởng thành và hoàn thiện tâm - trí - đức của mình. Đây là điều mà doanh nhân - nhà hoạt động thiện nguyện - người lan tỏa tình yêu văn hóa nghệ thuật Cecile Le Pham luôn mong muốn và thực hành trong mấy chục năm qua.