"Mùa run” ở phố cổ Hội An
Quần thể di tích nhà cổ ở Hội An, qua mỗi mùa mưa lại chứng kiến những câu chuyện... đau lòng. Số nhà cổ hư hỏng thống kê tăng lên, nhiều công trình như người quá tuổi, không phương thuốc nào cứu nổi.
Thống kê mới nhất của Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, thời điểm hiện tại khu vực phố cổ có 35 di tích xuống cấp. Đáng quan tâm nhất là số di tích trong diện không thể trùng tu, sửa sang mà phải hạ giải đã tới con số 10.
Sống bất an
Buổi sáng đầu tháng 10, ngôi nhà của ba chị em gái cụ Ngô Thị Gần (83 tuổi) ở trên đường Trần Phú loang lổ những tấm bạt nhựa được bọc chắn dưới mái ngói. Nhìn từ dưới lên, đâu cũng thấy cảnh vá chằng vá đụp, những thanh gỗ mục ruỗng được kẹp chặt và bó dây thép vào một đoạn gỗ khác để níu giữ mái không sập xuống.
Cụ Gần ngồi gian giữa nhà, nói về ngôi nhà cổ của mình trong nỗi bất lực: “Giờ ba chị em tui cũng đã già hết rồi, ba bà già ở trong cái nhà ni hàng ngày mà lúc mô cũng ngóng lên. Nhà ni đã mấy trăm năm rồi, không chỗ nào còn lành lặn để chống, hay vá nữa”.
Nhà cổ của cụ Gần là một di tích khá đặc biệt nằm trên phố Trần Phú - đoạn đường đắt đỏ bậc nhất tại phố cổ Hội An. Thật khó tưởng tượng rằng dưới dáng vẻ lụp xụp, xuống cấp của nhà cổ này là một khu đất dài thăm thẳm, tổng diện tích tới hơn 400m2.
Nếu theo giá hiện thời, nhà cổ của mấy chị em cụ Gần đang ở thuộc nhóm đắt giá nhất ở Hội An. Nhưng dù sống trong cơ ngơi tiền tỷ tỷ, cả mấy chị em cụ Gần nhiều năm nay chưa một lần ngủ trọn giấc vì lo nhà sập.
Theo cụ Gần, ngôi nhà mình đang ở hiện đứng tên của một người cháu đang sinh sống ở Hà Lan. Người thân đã chuyển tên cho người cháu của bà rồi nhà được giao lại cho cụ cùng hai người chị là cụ Ngô Thị Xin Chị (92 tuổi), Ngô Thị Xin Em (88 tuổi). Nhà là nơi sinh sống qua nhiều thế hệ, cả ba chị em cụ Gần lớn lên đều không lấy chồng mà ở cùng nhau tới nay.
Dẫn chúng tôi vòng ra sau gian nhà cổ, cụ Gần cho biết hầu như mọi vị trí trong gian nhà trăm năm của mình không còn chỗ nào không hư hỏng. Cấu kiện gỗ chịu lực ở phần bao che mái hầu hết đã rữa, mối mọt ăn lủng kèo vỉ, kể cả mấy trụ cột gỗ tốt. Mấy năm nay, thấy nhà hư quá nên cụ Gần có nhờ một người thợ quen tới sửa sang. Nhưng gần đây sau thời gian dài vá víu gian nhà này, người thợ quen cũng đã không còn tới nữa.
“Tui sợ nhà nó sập thì chết cả ba cụ già nên gọi điện thoại hối cậu thợ miết. Nhưng cậu ấy bảo có tới cũng chẳng làm được gì nữa, vì không còn chỗ nào để mà vá, chèn chống nữa. Chỗ nào có thể chen gỗ vào thì cũng đã chen rồi. Giờ chỉ còn nước là dời người ra ngoài rồi làm lại nhà, nhưng tui làm gì có tiền mà làm” - cụ Gần nói.
Mong manh trước bão
Quần thể di sản Hội An có khoảng 1.400 di tích cổ, 70% thuộc về sở hữu tư nhân. Mấy năm gần đây, cơ quan quản lý di sản và chủ sở hữu di tích tốn không ít tiền của để giữ cho nhà cổ ngừng xuống cấp.
Nhưng cũng như một cơ thể, di tích không phải sắt đá nên sự bào mòn của thời gian đã khiến nhiều nhà cổ mong manh như đèn dầu trước gió. Tuổi tác quá cao, hứng chịu thời tiết khắc nghiệt hàng năm khiến nhiều di tích tới nay rệu rã đến mức không gì cứu vãn nối.
Hiện nay trong danh sách nhà cổ, nhà ngang tại trung tâm phố đi bộ Hội An có 10 căn thuộc diện “vô phương cứu chữa”. Những ngày mưa gió bão bùng ập vào miền Trung, chủ nhân những nhà cổ càng thêm lo lắng. Cơ quan quản lý di sản đã nỗ lực kiểm kê, khảo sát và đành phải lắc đầu để đưa 10 di tích vào diện buộc phải di dời dân ra ngoài, tiến hành hạ giải trong thời điểm thích hợp.
Mới đây, để giữ các nhà cổ đứng vững trước bão Trà Mi, UBND TP.Hội An đã chỉ đạo Trung tâm Quản lý Bảo tồn di sản văn hóa Hội An kiểm tra, rà soát và chống đỡ khẩn cấp các gian nhà cổ trong diện không thể tiếp tục tồn tại. Ngay trước bão Trà Mi, lực lượng địa phương và đơn vị bảo tồn di sản đã phối hợp gia cố thêm 10 căn nhà cổ, di dời các hộ gia đình sống trong nhà có nguy cơ đổ sụp ra bên ngoài.
“Về lâu dài chúng tôi đang đốc thúc các giải pháp, đề xuất hạ giải những ngôi nhà không thể chống đỡ. Những ngôi nhà này gần như đã bị mối mọt ăn rỗng cấu kiện, người dân sinh sống trong nhà rất nguy hiểm. Cái khó nhất là thủ tục liên quan đến trùng tu, hạ giải di tích rất phức tạp mà thành phố không tự quyết được” - ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An nói.
Căn nhà cổ ở số 41 Nguyễn Thái Học có tuổi đời trên 150 năm, chủ sở hữu ban đầu là một thương nhân người Hoa. Trải qua nhiều chủ sở hữu khác nhau, ngôi nhà hiện do bà Nguyễn Thị Linh - một người sống ở Hội An làm chủ. Bà Linh cho biết nhà cổ của mình xuống cấp rất nặng, đặc biệt mối ùn lên từng đụn trong các cấu kiện gỗ khiến ngôi nhà ngày một mong manh.
Chủ nhân số nhà 35 Lê Lợi - ông Đỗ Đăng Xin (70 tuổi) nhiều năm nay cũng tốn không ít tiền bạc, công sức để gia cố chống đỡ nhà cổ đứng qua mỗi mùa mưa bão. Ngôi nhà được cha mẹ để lại cho ông và người em gái. Mấy chục năm nay khi người em gái xuất cảnh qua Mỹ, một mình ông ở lại. Thấy nhà rộng, lại nằm ở vị trí đắc địa trong phố đi bộ nên ông dành ra một phần để cho thuê. Gian phía sau ông kê dọn làm nơi sinh sống.
“Ngó bên ngoài thì cột gỗ có vẻ láng bóng cứng cáp vậy chứ gõ nhẹ tay là nghe tiếng lộp bộp. Mối nó ăn rỗng ruột phía trong rồi, tui phải đi lấy bê tông trộn với cát nhét các khe hở đã bị ăn rỗng. Giờ chỉ còn cách hạ giải nhà thôi” - ông Xin nói trong buồn bã.
Có lẽ nghiêm trọng nhất trong cảnh xuống cấp của công trình trong phố đi bộ là ở số nhà 76/18. Khu đất thuộc một dòng tộc được chia nhiều vị trí để làm chỗ ở cho các thành viên.
Nhà của vợ chồng bà Lương Thị Huyền Trang đâu cũng thấy những thanh gỗ chống đỡ, kẹp buộc dày đặc. Bà Trang cho biết phần mái nhà đã võng oặt xuống, nhiều lần người của Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An xuống xử lý mối mọt, chống đỡ để gia đình bà ở tạm nhưng tới nay nhà gần như không thể đứng vững thêm nữa.
“Mỗi lần mưa xuống là tui phải rải thau nhựa dày đặc trên nền để hứng nước mưa. Vừa hứng vừa ngồi canh để chậu nào đầy thì thế chậu khác vô, ở trong nhà mà y chang cảnh trong khu nhà tạm vậy đó. Hai vợ chồng làm thợ thủ công nên thu nhập không có khoản dư dả để tu sửa nhà” - bà Trang nói.
Người Hội An gọi những ngày mưa gió này, là “mùa run” ở phố cổ.
Tính phương án dời dân tới nơi an toàn
Hội An đã xây dựng phương án cụ thể với từng di tích. Với công trình còn có thể chống đỡ thì thành phố bố trí cho Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An mua gỗ để chèn chống, gia cố. Với di tích không thể chống đỡ thì sẵn sàng mọi phương án dời dân, lập kế hoạch hạ giải để đảm bảo an toàn. Ông Sơn cũng cho biết việc bảo quản, trùng tu là công việc quan trọng căn bản nhất để giữ cho di tích trường tồn. Mỗi năm kinh phí dành cho các công việc này không hề nhỏ, nhờ vậy mà quần thể di tích ở phố cổ được bảo vệ tương đối tốt cho tới nay.