Cộng đồng chuyển động theo... thời tiết
Những tính toán lẫn giải pháp của chính quyền trong câu chuyện chống ngập cho đô thị, đã cho thấy không mấy hiệu quả qua “phép thử” là những cơn mưa lớn đầu mùa.
Vượt xa dự báo
Tam Kỳ, trong đợt mưa lớn thứ hai do ảnh hưởng của bão số 6, lại tái diễn tình trạng ngập lụt đô thị. Xe chết máy, người dân bì bõm trong những đợt sóng tràn lên mỗi khi có phương tiện lướt qua.
Cư dân đô thị dường như buộc phải quen với hệ lụy từ ngập lụt. Điều đáng lo ngại, lượng mưa ghi nhận được trong những ngày qua chưa đến mức “kỷ lục” đã từng được ghi nhận trong năm 2018, 2020.
PGS-TS. Nguyễn Chí Công (Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, chủ nhiệm cả 2 đề tài cấp tỉnh và thành phố về chống ngập đô thị Tam Kỳ) cho hay, việc sớm cắt lũ, phân lũ ngoại lai từ hướng Phú Ninh và Thăng Bình không cho đổ vào thành phố đóng vai trò quan trọng, quyết định đến việc giảm ngập cho đô thị tỉnh lỵ.
HĐND TP.Tam Kỳ cũng từng thông qua chủ trương đầu tư, quyết định bổ sung hai danh mục dự án giảm ngập, thoát nước đô thị với tổng vốn đầu tư 370 tỷ đồng, bao gồm tuyến cống ngầm đường Trưng Nữ Vương 250 tỷ đồng và tuyến kênh cắt lũ ngoại lai phía tây đường Nguyễn Hoàng qua cống Ông Dung 120 tỷ đồng.
Những nỗ lực ít nhiều ghi nhận được kết quả, khi tình trạng ngập đô thị không kéo dài nhiều ngày như trước. Nhưng việc tái diễn ngập lụt ở một số tuyến chính cho thấy “ngưỡng” đang được thiết lập dường như chưa bắt kịp với những diễn biến cực đoan của thời tiết.
Ông Trương Tuyến - Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam thông tin, dự báo mùa mưa bão năm 2024, Quảng Nam sẽ đối diện từ 5 - 8 đợt mưa lớn diện rộng, tập trung vào tháng 10 - 12. Tháng 11, 12, lượng mưa sẽ cao hơn trung bình năm ngoái từ 10 - 30%, có nơi cao hơn từ 30 - 50%.
Những diễn biến cực đoan của thời tiết được ngành khí tượng thủy văn cảnh báo trong suốt thời gian qua. Và thực tế, những gì đang diễn ra ở Quảng Bình, Quảng Trị vài ngày gần đây cho thấy ngập lụt có thể diễn ra “ngoài sức tưởng tượng” của các địa phương, nếu so chiếu với kinh nghiệm ứng phó của chính quyền và cộng đồng trong nhiều năm về trước.
Ngập lụt, không chỉ là nỗi lo ở đô thị, mà đã mở rộng ra nhiều địa phương, với mức độ ảnh hưởng rộng lớn hơn nhiều so với những lo ngại trước đó.
Tăng ngưỡng thích nghi
TS. Nguyễn Ngọc Huy (Huy Nguyễn, chuyên gia dự báo thời tiết và biến đổi khí hậu, vốn được biết đến nhiều với vai trò một “KOLs” trên mạng xã hội chuyên về dự báo thời tiết) cho biết, những gì diễn ra sau khi bão Yagi đổ bộ vào miền Bắc đã cho thấy rằng “ngưỡng” đang thiết lập hôm nay cần nâng lên một mức nữa.
“Đây là yêu cầu cần thiết để đảm bảo sự an toàn, chắc chắn hơn. Khi có bão lũ, chúng ta không cần phải sơ tán, di dân nhiều như trước, vì mỗi lần sơ tán, di dân thì kinh phí và tổ chức đều rất khó khăn” - TS. Huy Nguyễn đặt vấn đề.
Năm 2023, TS. Huy Nguyễn trở thành đại sứ du lịch thích ứng thời tiết, với vai trò quảng bá loại hình du lịch thích ứng thời tiết tại vùng rốn lũ Tân Hóa (Quảng Bình).
Tân Hóa là nơi nước lụt có thể dâng đến 10m trong khu dân cư, và thực tế nơi này mới chỉ ghi nhận lụt lớn xảy ra từ sau năm 2010. Lụt lớn nhất xảy ra ở ngôi làng này, người dân đã phải sơ tán lên núi, trong khi tài sản bị mất hết sau cơn lụt.
Những chiếc nhà phao (nhà nổi) đầu tiên được làm từ năm 2011 tại Tân Hóa, với mục đích giúp người và tài sản tránh lũ an toàn, từ sự tham gia cùng chính quyền địa phương và một số tổ chức, nhà hảo tâm.
Nhà nổi trở thành mô hình thích ứng với thiên tai rất hiệu quả. Năm 2019 và 2020 lụt lớn lặp lại, nhà phao trở thành “cứu tinh” đối với người dân Tân Hóa.
Từ đó đến nay, người dân Tân Hóa không còn sợ lụt. Họ có thể sống trên nhà phao cả tuần nếu có mưa lớn cực đoan. Mọi hoạt động diễn ra bình thường vì nơi đây là vùng nước khá tĩnh, không có dòng chảy. Quan trọng là thông tin dự báo sớm để người dân sơ tán trâu bò lên núi và chuẩn bị nhu yếu phẩm.
Thiên nhiên thách thức Tân Hóa với mưa lụt nhưng cũng ban tặng cho nơi đây cảnh đẹp hùng vĩ. Cùng với sự gắn kết của cộng đồng, một cách sử dụng tài nguyên thiên nhiên khá bền vững là khai thác giá trị du lịch ngay trong mùa lũ.
Hội An từ lâu đã xuất hiện các tour du lịch trải nghiệm mùa lụt, du khách hào hứng với việc đi đò qua các con phố ngập nước, cho thấy một sự chuyển động trong cộng đồng với thiên tai. Một quá trình chuyển từ phòng tránh sang thích ứng. Việc này cần được nghiên cứu nhân rộng ở nơi phù hợp.
“Chúng tôi sẽ làm việc với các cơ quan chính quyền và các địa phương để thiết lập một ngưỡng để xây dựng căn nhà chống lũ. Cách tiếp cận là cộng đồng cùng chung tay với các tổ chức và chính quyền địa phương.
Chúng tôi mong muốn cộng đồng cùng chuyển động trong ứng phó. Chúng ta đang cùng một mục đích là làm nhà an toàn, không phải di dân, và trên hết những nỗ lực đó cần sự chung sức, cần động lực từ nhiều chương trình của cả Nhà nước và cộng đồng để hiện thực hóa mục tiêu đó” - TS. Huy Nguyễn đề cập.