Những ân tình trao đi
Các họa sĩ, nhà sưu tập, nhà văn… vừa chung tay “người có tranh góp tranh, người có sách góp sách” để tổ chức phiên đấu giá hỗ trợ nhà văn Lê Hoài Lương chữa bệnh. Như cách nhà nghiên cứu nghệ thuật Lý Đợi chia sẻ, những ân tình trao đi, sự sống sẽ ở lại…
Đọng lại chữ tình
Theo nhà nghiên cứu nghệ thuật Lý Đợi, đầu tháng 11/2022, nhà văn Lê Hoài Lương chuyển từ Bình Định vào TP.Hồ Chí Minh để phẫu thuật đặt stent động mạch chậu, nhưng rồi phát hiện hoại tử phải cưa bỏ chân trái và lại phát hiện thêm u phổi di căn lên não. Nhưng nhờ vào phương pháp hóa trị mới mà anh đã thoát khỏi cửa tử một cách ngoạn mục.
“Hiện anh vừa hóa trị vừa tiếp tục những công việc văn chương còn dang dở, trong đó có hai bản thảo tiểu thuyết về chiến tranh Việt Nam và hậu chiến, viết gần xong. Với gia tài là 8 đầu sách đã xuất bản, trong đó có 4 tập truyện ngắn, 4 tập là tiểu luận phê bình, nghiên cứu và tản văn, Lê Hoài Lương được đánh giá là một trong những cây viết văn xuôi tiêu biểu của văn học Việt Nam hiện thời. Anh đã được trao nhiều giải thưởng văn chương…; xin mượn mấy chữ trong nhận xét của nhà văn Dạ Ngân: “viết ngắn, nén và ẩn dụ” - nhà nghiên cứu nghệ thuật Lý Đợi cho hay.
Để có thêm kinh phí hỗ trợ nhà văn Lê Hoài Lương chữa bệnh, nhà nghiên cứu Lý Đợi cùng cộng sự đã phát động chương trình đấu giá tranh, sách. Theo đó, có 10 bức tranh của các họa sĩ, nhà sưu tập cùng một bản sách in đặc biệt của một nhà văn được ủng hộ cho phiên đấu giá.
“Lúc này Sài Gòn đang rất khó khăn, nên việc đấu giá và ủng hộ rất khiêm tốn, nhưng cái tình thì vẫn dạt dào. Thường những việc này văn nghệ và cộng đồng ở Sài Gòn rất hào phóng chia sẻ, dù không phải ai cũng khá giả. Có người chạy xe ôm, ở phòng trọ, đã góp một triệu đồng, nhận mà rơi nước mắt” - nhà nghiên cứu Lý Đợi chia sẻ thêm.
Anh L.V.Đ cũng góp tranh trong đợt đấu giá này chia sẻ, trước đây, anh được một số họa sĩ thân tình tặng tranh. Nay trước bệnh tình của nhà văn Lê Văn Lương, qua trao đổi với các họa sĩ, anh xin phép tặng lại món quà cho người cần. Bởi anh quan niệm: "Tôi gắn bó với nghề viết lách nên sẻ chia trong khả năng của một người làm văn nghệ. Giá trị món quà tôi nhận được trước đây càng nhân lên khi được sẻ chia".
Đa dạng dòng tranh đấu giá
Trong đợt này, có 10 bức tranh được ủng hộ cho phiên đấu giá bao gồm: tranh phong cảnh của Bùi Tiến Tuấn, chất liệu acrylic trên giấy dó bồi canvas, khởi điểm 15 triệu đồng. “Biển chiều” của Lê Hào, sơn dầu trên canvas, khởi điểm 20 triệu đồng.
“Không đề 6” của Bùi Chát, sơn dầu trên canvas, khởi điểm 20 triệu đồng. Ký họa khỏa thân của Lưu Công Nhân, mực trên giấy, khởi điểm 5 triệu đồng.
“Thiếu nữ bên cây đàn” của mẫu tranh Duy Liêm (thực hiện bởi nghệ nhân làng nghề Tương Bình Hiệp), sơn mài trên vóc, khởi điểm 10 triệu đồng. Ký họa phong cảnh của Hồ Hưng, màu nước trên giấy, khởi điểm 5 triệu đồng.
Tranh trừu tượng của Mạc Hoàng Thượng, khởi điểm 5 triệu đồng. Tác phẩm “The invisible cage” của Hồng Ngọc, sơn dầu trên canvas, khởi điểm 5 triệu đồng.
Tác phẩm “Chó và mèo” của Nguyễn Quang Sơn, sơn mài trên vóc, khởi điểm 5 triệu đồng. Phạm Áo Diễm với “BLUE SABBATH”, sơn dầu trên canvas, khởi điểm 15 triệu đồng.
Ngoài ra, trong đợt đấu giá này, nhà văn Nguyễn Một ủng hộ tiểu thuyết “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” bản đặc biệt, in giới hạn, có chữ ký và triện của tác giả, khởi điểm một triệu đồng.
Theo ban tổ chức chương trình, từ nguồn kinh phí thu được 80% sẽ hỗ trợ nhà văn Lê Hoài Lương điều trị; 20% dành cho hậu cầu, chuyển phát tranh, bảo hiểm và các hoạt động của quỹ. Kết thúc phiên đấu giá đã bán 6 lô, dự kiến thu về 84 triệu đồng.
Theo đó sẽ trích 67,2 triệu đồng chuyển đến gia đình nhà văn Lê Hoài Lương. Bên cạnh đấu giá, ban tổ chức còn nhận được sự ủng hộ trực tiếp 17 triệu đồng, toàn bộ phần này sẽ chuyển cho gia đình anh Lê Hoài Lương.
Trước những ân tình dành cho nhà văn Lê Hoài Lương, nhà văn Nguyễn Một chia sẻ trên trang thông tin đấu giá, rằng chương trình này rất ý nghĩa, đồng thời ủng hộ thêm 5 triệu đồng cho nhà văn Lê Hoài Lương.
Thời gian qua, có rất nhiều hoạt động của các văn nghệ sĩ, góp phần lan tỏa điều tích cực đến cộng đồng. Trước đó, để ủng hộ trường hợp sinh viên nghèo viết tiếp ước mơ giảng đường, nhóm bạn văn gồm Tống Phước Bảo, Hồ Loan, Nguyễn Thị Như Hiền… cũng đã góp sách gây quỹ.
Như chia sẻ của các nhà văn này, công việc gắn với nghề viết nên gia tài chỉ có sách; vì vậy việc ủng hộ cũng thông qua bán sách. Điều mọi người cảm thấy hạnh phúc khi những giá trị trao đi không chỉ gói gọn giữa cho và nhận, mà xa hơn cảm thấy ý nghĩa khi những con chữ viết ra có thể mang đến yêu thương, sẻ chia trong cuộc sống.