Truyện ngắn

Đợi bước chân người

LA THỊ ÁNH HƯỜNG 03/11/2024 10:01

Nghe tiếng đóng sập cánh cửa, Quyên biết Văn vừa rời đi. Cánh cửa sắt có lẽ đã gỉ nên mỗi lần đóng phải kéo hơi mạnh tay mới chịu khép lại.

Có lần Văn bảo, âm thanh đó như một thiết bị thời hiện đại còn gì, báo cho người trong nhà biết có bước chân đi vào hay ra. Quyên gật gù đồng ý.

MH Truyen (3-11)
Minh họa: VĂN TIN

Quyên nằm trong phòng ngủ, nghe tiếng sập cửa, cô ngồi dậy như một phản xạ, rồi nhìn mông lung ra ô cửa sổ nơi có bụi nguyệt quế già thành cổ thụ. Trời mùa này ít mưa, cây lười ra hoa, không biết những bông hoa rải rác trên tán lá có đủ thơm hết đêm nay?

Hoa nguyệt quế rất nhanh tàn. Tuy vậy, hương thơm từ những cánh hoa ấy như thể ủ từ bao đời, chỉ cần bung nở là tỏa hương bát ngát ra không gian, quyến luyến bước chân người.

Quyên vẫn nhớ ngày hai vợ chồng dọn đến căn nhà mới này, trong số đồ đạc ngổn ngang, Văn chỉ ôm trên tay đúng cây hoa nguyệt quế.

Văn giải thích, những món khác có va chạm chút không sao, còn cây này anh vừa vào phân, rễ cám ra nhiều, di chuyển không khéo là ảnh hưởng đến cây, thậm chí chết cây.

“Nhưng đó cũng chỉ là một chậu cây thôi mà” - Quyên thắc mắc. Văn nói rằng, đó là cây của bệnh nhân tặng trước lúc lìa đời. Rồi Văn hỏi Quyên có tin vào sự sống tiếp nối không? Văn thì tin.

Lúc còn sống, bệnh nhân của Văn rất thích cây nguyệt quế này. Cậu ấy từng nói với Văn về chuyện mai táng ở trời Tây. Họ dùng những loại rơm mục ủ vào xác người để có thể hoai mục thành phân bón hữu ích cho cây trồng. Vừa ít tốn kém, lại giúp sự sống tiếp nối từ những mầm xanh. Sự sống từ cỏ cây hay con người cũng vậy, chỉ cần hữu ích cho đời thì nên có sự tiếp nối.

Cậu ấy nói với Văn rằng cậu ấy cũng muốn được mai táng theo cách đó, để cơ thể hòa vào đất, làm chất trồng nuôi lớn những mầm xanh. Nhưng với một nền tảng kiến thức như cậu ấy, không khó để nhận ra điều đó là không thể ở đất nước mình.

Cậu ấy mất giữa mùa nguyệt quế nở hoa. Những cánh hoa xao xác sau cơn mưa như dông tố trong đêm. Tiễn chân Văn, mẹ của chàng trai trẻ đưa cho anh chậu nguyệt quế bảo rằng con trai bà muốn tặng cho bác sĩ để cảm ơn trong suốt quá trình điều trị. Văn thấy sống mũi mình cay sè khi đón lấy chậu cây từ người mẹ.

Văn trồng ở nơi dễ dàng ngắm cây nhất: góc sân nơi có thể phóng tầm nhìn ra từ ô cửa sổ phòng ngủ của hai vợ chồng. Ở đó có đủ mưa nắng, ban đêm gió lộng, hương hoa theo gió bay vào ô cửa sổ. Nguyệt quế từ chậu được trồng ra đất, rễ khoan khoái cắm sâu vào nguồn mạch đất mẹ, hút chất dinh dưỡng nên rất tươi tốt, cho ra những chùm hoa nặng trĩu.

Mỗi lần ra khỏi nhà, Văn hay vòng sang gốc nguyệt quế ngắm nghía một chút rồi mới đi. Lần này anh đi rất vội.

Quyên nhìn ra bụi nguyệt quế đã cao quá đầu người, xương cành vươn ra tạo tán mát rượi, hôm nay hoa chỉ nở lác đác, không dưng cô thấy nó trơ trọi giữa màn đêm.

*
* *

Đúng ra, giờ này hai vợ chồng Quyên đã có mặt ở sân bay. Chuyến đi sau bao nhiêu lần bị trì hoãn liên quan đến công việc đột xuất của Văn.

Văn làm bác sĩ ở bệnh viện. Ra trường vài năm, anh được bệnh viện cử theo học chuyên sâu và trở thành bác sĩ phẫu thuật trẻ nhất viện. Với niềm tin của bác sĩ trưởng khoa dành cho mình, Văn tự hứa sẽ thật cố gắng để không phụ lòng mong mỏi của cấp trên.

“Nhưng bác sĩ thì cũng có cuộc sống riêng của mình chứ?” - Quyên gắt lên với Văn khi lúc nào trong đầu Văn cũng chỉ toàn công việc. Vài cái tết trôi qua, năm nào Quyên cũng hứa với bố mẹ hai vợ chồng sẽ cùng về ăn tết, nhưng chưa năm nào thực hiện được.

Lần này, hai vợ chồng chọn đi du lịch nghỉ dưỡng. Hành lý đã chuẩn bị xong, chỉ chờ đến giờ ra sân bay thì điện thoại Văn đổ chuông. Quyên nghĩ rằng Văn sẽ có cách nhưng không, anh chọn hủy chuyến đi để lao vào bệnh viện ngay trong đêm.

Anh chẳng còn nhớ gì đến trận cãi vã chỉ còn công đoạn cuối là chìa ra tờ đơn ly hôn mà Quyên đã chuẩn bị sẵn. Anh quên mất chính mình đã nói với Quyên rằng, cho anh thêm cơ hội…

Lòng Quyên lạnh hẳn, chẳng còn phân định được mức độ khó chịu như mọi lần. Quyên nghĩ mọi thứ đã có thể khép lại.

Cô nhìn va li áo quần đã chuẩn bị sẵn, trong đầu nghĩ ngay đến Lam - cô bạn thân. Quyên chạm vào màn hình điện thoại, gọi cho Lam, rồi bắt chuyến xe cuối ngày lên cao nguyên.

Ở thành phố thật tiện, muốn đi đâu, lúc nào đi cũng được. Chẳng phân biệt đêm hay ngày. Chỉ cần cuộc gọi hoặc vài thao tác trên app điện thoại, sẽ có dịch vụ trung chuyển đến tận nơi đưa ra nhà xe để đến nơi cần đến.

Ở khoảng cách gần, Quyên thích đi xe hơn máy bay. Cảm giác những vòng bánh xe lướt trên đường, đưa mình đi qua bao nhiêu cánh đồng, phố thị, rất thích.

Lần nào cũng vậy, mỗi lần đến thành phố trên cao này, đón Quyên bao giờ cũng là lớp sương mù thật dày. Lam gọi cho Quyên lúc vừa xuống xe, bảo đang có chút việc nên có nhờ chồng ra rước Quyên.

Điện thoại Quyên reo, tín hiệu từ người gọi nghe như ở không gian rất gần. Thắng đứng lẫn vào màn sương khiến Quyên chẳng nhìn ra cho đến khi cả hai chỉ còn cách nhau vài bước chân.

Thắng nói: “Mấy hôm nay mưa nhiều nên sương càng dày, mà sao em đi chơi ngay mùa mưa bão vậy?”. Quyên không nghe Lam nói ở nơi này có bão. Mà Quyên cũng không hỏi. Mưa bão rồi sẽ tạnh. Chỉ có cơn bão lòng âm ỉ chẳng biết khi nào mới tan.

Lam đón Quyên với tô cháo nóng và dĩa gỏi gà với các loại rau thập cẩm trong vườn nhà, tất cả được dọn sẵn ra chiếc bàn trong khu vườn xinh giữa homestay. Vài người khách lưu trú cũng thức sớm, tranh thủ thưởng ngoạn khu vườn trong lúc sương còn giăng mờ mịt.

Lam ái ngại nói với Quyên: “Có bão, vợ chồng chú Út nhập viện nên tụi mình về xem có giúp được gì không. Quyên cứ ở đây chơi đợi mình nha!”. Nhà Lam ở miền Trung, mà nghe cứ như ở thành phố lân cận. Quyên bảo: “Để mình cùng về với Lam”. Mắt Lam sáng lên: “Ừ nhỉ, nếu bão tan, mình ở đó chơi vài ngày xem như đổi không khí”.

Ăn xong, Quyên chỉ kịp thay bộ đồ khác cho thoải mái để sẵn sàng ngồi thêm chặng xe đường dài cùng vợ chồng Lam. Lam nói, lúc sáng ba chồng Lam gọi, tiếng gió mưa át cả giọng nói.

Nghe đâu vợ chú Út cứu một cậu bé đi xe đạp bị nước ngập ngang người. Sức rướn của người đàn bà mang thai tháng cuối chẳng thể trụ với dòng nước xiết, cũng may, chú Út kịp chạy đến, dùng sức trẻ của mình chặn dòng nước để cả vợ và cậu bé kia không trôi đi. Khi mọi người đến nơi, người chú Út đã bầm tím bởi bị nhiều vật va đập mạnh, toàn thân lạnh vì ngâm nước quá lâu.

Xe chở ba người chạy thẳng đến bệnh viện, suốt dọc đường đi, Lam liên tục nhận được những cuộc điện thoại từ gia đình hai bên. Cuộc gọi sau cùng là của mẹ Lam, giọng bà nghẹn đi: “Không kịp rồi con ạ, tội nghiệp, chú ấy còn quá trẻ…”. Lam không dám nói với chồng, để anh ấy vững tay lái.

Bệnh viện hiện ra. Từ ngoài phòng cấp cứu nhìn vào, tiếng bước chân chạy của thân nhân lẫn bác sĩ, tiếng khóc than… Quyên thấy mắt mình mờ đi cùng khung cảnh tang thương.

Chú Út bị tổn thương vùng não, dù đã được các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng không qua khỏi. Vợ chú Út sinh non, cũng may cả hai mẹ con đều ổn, hiện nằm trong diện chăm sóc đặc biệt bởi đội ngũ y bác sĩ từ thành phố khác đến tình nguyện.

Trong số những bóng áo trắng đang tất bật với công việc nơi phòng cấp cứu, Quyên nhận ra dáng cao cao quen thuộc của Văn. Cũng với trang phục bên trong là áo sơ mi sọc trong lúc rời đi, Văn đã tất bật từ đêm qua đến tận bây giờ.

Có lần Quyên bực dọc hỏi anh: “Nếu bận rộn như vậy, anh việc gì phải lấy vợ? Cứ gắn mình với công việc, bệnh viện cho đến hết đời có tốt hơn không?”. Văn trầm ngâm rất lâu rồi bảo: “Chẳng lẽ để trở thành bác sĩ tốt thì không được chọn lựa hạnh phúc gia đình?”.

Quyên không còn nhớ bao nhiêu bữa cơm cô ngồi ăn một mình? Những đêm Văn thoắt ẩn thoắt hiện bởi chỉ cần có cuộc gọi là anh lại lao ra bất kể giờ giấc.

Trong nhiều đêm dài lạnh lòng, cô còn tưởng mình đang sống đời độc thân như trước đây. Mọi thứ chỉ là một mình. Cô tự hỏi mình có vị trí gì trong lòng Văn không? Nếu không có cô, Văn vẫn ổn mà? Vậy thì tại sao phải lấy nhau? Biết bao ý nghĩ đan xen trong đầu Quyên, để đưa đến quyết định là tờ giấy ly hôn đã có sẵn chữ ký của mình, chỉ cần Quyên đưa ra, để trước mặt Văn nữa là cuộc hôn nhân khép lại.

Chắc cũng gọn gàng chứ chẳng ầm ĩ gì, vì trong lòng Văn đã có tình yêu lớn với nghề nghiệp, đủ để anh vững vàng bước tiếp về phía không có Quyên. Rồi Quyên cũng sẽ tìm được hạnh phúc khác cho mình. Quyên đã nghĩ vậy.

Trong lúc này, Quyên thấy mình vô tâm. Chẳng phải cô đã biết rõ mình sẽ lấy người chồng làm bác sĩ? Chẳng phải Quyên cũng hiểu rằng, trong tim anh luôn có tình yêu lớn dành cho nghề mình đã chọn?

“Đi, vô thăm em bé” - Lam đẩy Quyên rời khỏi phòng cấp cứu. Trong lồng kính, em bé còn yếu ớt huơ cánh tay như một lời chào. Quyên chợt nhớ đến lời Văn có lần nói với mình: “Em có tin vào sự sống tiếp nối không?”. Vừa lúc chiếc băng ca chở chú Út trải kín tấm vải trắng lướt qua, những khuôn mặt người ở lại như móp méo đi bởi đau thương quá lớn.

Tiếng Lam thì thầm bên tai Quyên: “Cũng may nhờ có đội ngũ y bác sĩ từ nơi khác đến tích cực cấp cứu nên mới kịp thời cứu sống em bé, chứ không thì…”.

Cơn bão đã đi qua, ánh mặt trời le lói xuất hiện, cái màu vàng óng ánh của nắng đáng mong đợi biết bao nhiêu vào lúc này…

Quyên còn mong sớm được cùng Văn trở về nhà, nơi có bụi nguyệt quế chắc cũng đang đón đợi bước chân người.

LA THỊ ÁNH HƯỜNG