Ngẫm phương ngữ "tề và tày"
Phương ngữ Quảng Nam có hai từ tề rất thú vị. Một từ có nghĩa “kìa”, như trong cách nói “coi tề” (xem kìa), “đó tề” (đó kìa), “đằng tê tề” (đằng kia kìa). Một từ tề khác là động từ, có nghĩa “chặt, cắt bớt cho ngắn lại hoặc đều nhau”, như trong cách nói “tề bớt cho bó củi bằng lại”.
Trong tiếng Việt, cũng có một số từ, ngữ có yếu tố tề như chỉnh tề, tề tựu, tề gia trị quốc, Tề Thiên Đại Thánh… Vậy, “tề” trong phương ngữ Quảng Nam (thật ra, từ này còn được sử dụng trong nhiều phương ngữ khác) và những chữ tề - tày có mối quan hệ như thế nào?
Xin khẳng định, chúng vốn là một. Nhưng trước hết, hãy đến với câu thành ngữ rất quen thuộc với người Việt là “học thầy không tày học bạn”. Chúng ta đều biết, tày trong câu trên tương đương với bằng và câu thành ngữ này có thể hiểu là “học thầy không bằng học bạn”.
Từ tày hiện nay không còn được sử dụng phổ biến trong tiếng Việt. Nhưng ngày trước, ông bà ta rất chuộng từ này. Bằng chứng là dấu vết của tày vẫn còn lưu trong không ít cách nói được sử dụng đến ngày nay như tày đình (bằng cái đình), tày trời (bằng trời), gương tày liếp (gương (to) bằng tấm liếp), ngày vui ngắn chẳng tày gang (ngày vui ngắn chẳng bằng gang tay)…
Tất nhiên, tày với nghĩa “bằng, ngang với” trong những cách dùng trên là lối nói cường điệu nhằm mục đích nhấn mạnh nội dung mà người nói, viết muốn diễn đạt.
Về từ nguyên, tày là từ Việt gốc Hán và nguyên từ của nó chính là tề ở trên. Không khó để chứng minh điều này. Tề (齊) có nhiều nghĩa, trong đó có các nét nghĩa:
(1) “ngay ngắn, đều nhau, bằng nhau, ngang nhau” (như trong chỉnh tề: trật tự, ngay ngắn; cử án tề mi: nâng án ngang mày; Tề Thiên Đại Thánh: thánh lớn bằng trời);
(2) “sửa trị, xếp đặt cho ngay ngắn; làm cho bằng nhau, ngang nhau” (như tề gia: sửa đặt cho trong nhà được có nền nếp); đây là nét nghĩa của từ tề thứ hai mà ta vừa đề cập ở trên;
(3) “đều, cùng” (như bách hoa tề phóng: trăm hoa cùng nở; tề tựu: cùng tụ về; nhất tề: cùng một lúc). Như vậy, về mặt ý nghĩa, tày và tề là một.
Về mặt ngữ âm, tề và tày có thể chuyển đổi cho nhau dễ dàng vì mối quan hệ giữa giữa hai vần -ê và -ay vốn rất gần gũi. Ngoài tề - tày, ta còn gặp ở các trường hợp: thế - thay; để (底, nghĩa là “đáy” như oản để: đáy bát, triệt để: thấu đến tận đáy, ý nói làm tới cùng) - đáy; con gà trong tiếng Hán là kê trong khi tiếng Tày là cáy, tiếng Lào là cày (kê - cáy, cày)…
Tề vào tiếng Việt vừa giữ nguyên âm đọc Hán Việt, vừa biến âm thành tày. Cả tề và tày đều trở thành từ, hoạt động độc lập với sự phân công về nghĩa: Tày được dùng với nghĩa tính từ (bằng, ngang với) còn tề được dùng với nghĩa động từ (cắt, chặt cho bằng, đều nhau). Cả hai đều được bảo lưu trong phương ngữ Quảng Nam.
Như vậy, từ “tề” trong tiếng Hán có 2 nghĩa chính, là bằng nhau (tính từ) và làm cho bằng nhau (động từ). Khi phiên vào tiếng Việt, tề vừa giữ nguyên nghĩa ở nghĩa động từ, còn nghĩa tính từ thì biến âm thành tày. Riêng tề trong “mô tề”, “xem tề” trong phương ngữ Quảng Nam là do tê biến âm mà thành.