Câu hỏi cho thánh Allah
Du học 5 năm ở xứ cờ hoa, có một thứ khiến tôi ngỡ ngàng về sự giàu có của xứ sở quê nhà. Lạ thay, người “mở mắt” cho tôi chính là bạn bè Mỹ. Bạn tôi nói rằng Việt Nam có cộng đồng Hồi giáo. Cộng đồng đó không xa lạ, vì họ chính là người Chăm.
Những ngày xa xứ, thầy cô và bạn bè người Hồi giáo đã dạy cho tôi về tôn giáo này. Thầy tôi thì dạy cả hai trường phái Hồi giáo Sunni và Shia, nhưng tôi được tiếp xúc với Hồi giáo Sunni nhiều hơn. Vì đó là bầu không khí mà nhiều bạn bè tôi được sinh ra và nuôi dưỡng, hoặc cải đạo và học hỏi.
Học để hiểu về một tôn giáo
Bạn bè tôi tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của Hồi giáo. Họ cầu nguyện năm lần mỗi ngày, nhịn ăn và cả nhịn uống từ lúc mặt trời mọc cho đến khi mặt trời lặn trong tháng Ramadan - tháng thứ chín trong lịch Hồi giáo.
Hành hương về Mecca ở Ả Rập Saudi là điều bắt buộc trong khả năng có thể cho những tín đồ Hồi giáo. Và trên hết, bạn tôi luôn cố gắng tạo ra một cộng đồng Hồi giáo nhỏ trong khuôn viên trường để các học sinh Hồi giáo có thể đến giao lưu, học hỏi, thậm chí là ăn iftar - bữa ăn sau khi mặt trời lặn trong tháng Ramadan.
Ngoài ra, việc cưới hỏi, tang lễ và các sự kiện quan trọng trong đời sống, họ đều tuân theo nghi thức Hồi giáo. Tôi có dịp tham dự tiệc nikah - tiệc cưới theo truyền thống và nghi thức Hồi giáo của cô bạn người Somali.
Những tháng ngày ở giảng đường tôi đã học được cách nhịn ăn trong tháng Ramadan. Tôi còn tham gia cầu nguyện mỗi thứ Sáu cùng cộng đồng học sinh Hồi giáo. Và trên hết, tôi được bạn bè đeo cho hijab, dạy đọc kinh Qu’ran cầu nguyện cùng.
Học Hồi giáo để hiểu một tôn giáo, học Hồi giáo để nhìn vào lịch sử thế giới lẫn hiện thực cuộc sống là điều tôi cảm nhận. Tôi hiểu rằng Hồi giáo còn rất nhiều điều tốt đẹp, nhiều hơn những gì người ta có thể nghĩ về Hồi giáo và Hồi giáo cực đoan.
Tôi biết ơn bạn bè, thầy cô tôi đã cho tôi tiếp xúc với một tôn giáo, văn hóa lâu đời trải dài khắp thế giới, để tin tưởng vào Allah - Đấng Duy Nhất trong tiếng Ả Rập.
Người Chăm Bani
Bởi vì tiếp xúc với Hồi giáo như thế, nên khi tham quan Bảo tàng Chăm ̣̣(TP. Đà Nẵng) và học về Chăm Bani, tôi bất ngờ trước cách người Chăm Bani thờ cúng và tuân theo Hồi giáo.
Chăm Bani là một nhánh Hồi giáo bản địa, kết hợp giữa Hồi giáo và các tín ngưỡng dân gian Chăm. Chăm Bani ra đời từ sự tiếp nhận Hồi giáo một cách linh hoạt, trong đó người Chăm Bani không tuân thủ đầy đủ các quy định của Hồi giáo chính thống mà chỉ thực hành một số nghi lễ cơ bản.
Chăm Bani có sự pha trộn rõ nét giữa Hồi giáo và các yếu tố văn hóa bản địa. Một trong số đó là Ấn Độ giáo - tôn giáo chủ đạo của vương quốc Chămpa và Phật giáo. Họ không cầu nguyện hàng ngày mà chỉ tập trung cầu nguyện trong các dịp lễ lớn.
Tháng Ramadan của người Chăm Bani cũng khác biệt, khi họ chỉ thực hiện việc nhịn ăn trong một số ngày nhất định thay vì cả tháng như người Hồi giáo Sunni. Một trong những đặc trưng văn hóa nổi bật của Chăm Bani là việc thờ cúng tổ tiên - phong tục không phổ biến trong Hồi giáo chính thống.
Người Chăm Bani duy trì các nghi lễ cúng tế và tôn thờ linh hồn tổ tiên, kết hợp với các yếu tố Hồi giáo trong nghi lễ của họ. Điều này cho thấy sự kết hợp giữa Hồi giáo và tín ngưỡng dân gian, tạo nên bản sắc riêng cho Chăm Bani.
Những ngày nơi xứ người, tôi được học rằng với Hồi giáo, Allah chính là đấng tối cao duy nhất, và người Hồi giáo không thờ phụng ai khác ngoài Allah. Cụm từ miêu tả đức tin này là Tawhid (توحيد) – Sự duy nhất của Allah, niềm tin vào sự độc thần tuyệt đối. Allah là duy nhất và không có đối tác.
Việc thờ cúng tổ tiên cũng không là ngoại lệ, bởi tổ tiên họ được trao sự sống từ Allah, nên việc thờ cúng tổ tiên chính là điều tối kị với Hồi giáo. Tuy nhiên, điều này là hoàn toàn trái ngược với Chăm Bani.
Sự bình yên khi kết hợp đức tin
Người Chăm Bani thờ thánh Allah, thờ cúng cả ông bà tổ tiên, đọc kinh Qu’ran nhưng không nhịn ăn hết cả tháng Ranuwan mặc dù Ranuwan trùng với lễ Ramadan của người Hồi, và vẫn dùng lịch Hồi giáo.
Điều này đã dấy lên câu hỏi về sự đa nguyên của tôn giáo (religious pluralism) trong tôi. Trong thế kỷ 21, sự đa nguyên tôn giáo không phải là vấn đề mới mẻ. Nhưng tìm thấy lằn ranh giữa một tôn giáo độc thần (monotheistic religion) - Hồi giáo và tôn giáo đa thần (polytheistic religion) - Ấn Độ giáo, thờ cúng tổ tiên và Phật giáo, để cùng lập một bàn thờ và giữ vững đức tin thì chắc chỉ có người Chăm Bani.
Điều đặc biệt hơn cả, sự đa nguyên tôn giáo của người Chăm Bani chính là sự bình yên khi kết hợp đức tin của hai nhánh tôn giáo độc thần và đa thần.
Chúng ta đã không xa lạ với những cuộc xung đột tôn giáo trong cùng một dân tộc, đất nước ở nhiều quốc gia khác nhau. Ở Ấn Độ người Hồi giáo và Ấn Độ giáo không đội trời chung. Sự chồng chéo lịch sử và xâm lược, đồng hóa khi nói về vấn đề tôn giáo là chủ đề nóng bỏng của đất nước tỷ dân.
Ở Việt Nam, người dân Chăm, dù là Chăm Islam hay Chăm Bani, vẫn sống bình yên và tôn trọng lẫn nhau. Kể cả đức tin của Chăm Bani chưa bao giờ là ngọn nguồn của xung đột hay chiến tranh, thánh Allah hay tổ tiên thì vẫn là nơi người Chăm Bani bày tỏ sự tôn kính, trang nghiêm trong đời sống tinh thần và tâm linh của chính mình.
Câu hỏi về sự đa nguyên tôn giáo về tín ngưỡng của Chăm Bani dẫn tôi đến một câu hỏi lớn hơn, đó chính là liệu thánh Allah có chấp nhận họ như một tín đồ Hồi giáo thực thụ?
Tôi không biết, nhưng tôi biết người Chăm Bani đã chứng tỏ cho một học sinh đang tìm hiểu về tôn giáo như tôi rằng, tôn giáo độc thần và đa thần hoàn toàn có thể kết hợp và làm phong phú tín ngưỡng của loài người. Rằng tại sao chúng ta phải chia rẽ, kẻ ranh giới, khi ta có thể chấp nhận và kết hợp những điều khác biệt?