Tác phẩm, tác giả

Đọc "Áo trở màu không"…

PHÙNG TẤN ĐÔNG 03/11/2024 09:18

H.Man (Phạm Văn Mận) đã mấy chục năm dư có mặt trên “trường văn trận bút” ở miền Trung nói riêng, cả nước nói chung. H.Man làm thơ lục bát hết sức “có nghề” và “thủy chung như nhứt” với thể thơ này.

Ảnh bìa thơ mơi (1)
Tập sách "Áo trở màu không" của nhà thơ H.Man.

Dù thi thoảng anh có đổi qua thể ngũ ngôn (5 chữ), lục ngôn (6 chữ) thất ngôn (7 chữ) hay thể tự do, nhưng cuối cùng, dường anh cũng chỉ “trông cậy” vào thơ lục bát…

Trong tập thơ “Áo trở màu không”, chủ thể luôn lấy đối tượng trữ tình là tạo vật, con người, thế giới tinh thần của con người để đối thoại, bày tỏ niềm riêng, chung.

Đó là cuộc “đối/song thoại” với trời đất, núi sông, bốn mùa, hoa cỏ, sự vật, hiện tượng… rồi với em, với bạn, với mình, với đời.

Không gian của thơ anh là không gian của quá vãng, của cái đã qua, xa khuất hoặc đã lụi tàn. Thời gian của thơ anh là “thời gian đã mất”. Và ít nhiều trong thơ anh - thời gian của một hiện hữu cũng hết sức mong manh, quạnh hiu, phai bạc. Có khi đó là thời gian của dự cảm tao phùng, của hoan hỉ, an nhiên dầu rất ít niềm hy vọng trước đổi dời, dâu bể.

Thường có nhiều người yêu dấu mà anh gọi rằng “em” với thời gian đều không chóng thì chầy cũng để “áo trở màu không”. Chỉ riêng câu thơ lấy làm nhan đề “Áo trở màu không” cũng đã nhuốm vị thiền, bởi màu không là màu của “sắc sắc không không” - hư thực nhòe mờ, hẳn là màu của sương khói vô thường, tư nghì bất khả.

Chỉ cần đọc non vài trang thơ cũng đã thấy nét tài hoa của tác giả bằng câu chữ, ý tình trong từng câu lục bát. Nào những “bây giờ áo trở màu không/-mây mùa thu - nắng mùa đông- nhạt nhòa/môi cười nát buổi chia xa/vườn kia để úa một tà trăng suông”; “quán trăm năm gió thổi bời lòng nhau”; “trời xa như thể vào quên lãng rồi”; “lá vàng từ buổi chia xa - đã bay trở lại sân nhà quạnh hiu”; “ở đây ngày chết theo ngày/nước trôi tâm sự/cát bày tịch liêu”…

Chọn cho mình một lối quen nhưng luôn muốn khai mở những “kỳ hoa dị thảo” nên trước mắt anh - nói như một thành ngữ thời nay - “ra ngõ gặp núi”.

Vì phải tuân thủ quy cách về âm luật thể lục bát nên sự lặp lại từ ngữ “đắc địa” luôn làm tha hóa nghĩa của chữ, của câu, của bài thơ. Đơn cử một trường hợp như chữ “nát” - anh lặp lại trong nhiều bài (nát lòng, nát dấu, nát môi cười…); chữ “tà” (tà trăng non,tà trăng suông…).

Đặc biệt, dưới góc nhìn đương đại, anh thường dùng những định ngữ nghệ thuật - những thi ảnh có tính điển phạm của thi pháp văn học trung/cận đại như “mảnh hồn viễn xứ”, “lạc dấu thuyền mơ”, “phố thị hoa vàng”, “đầu non mây trắng”, “xa mã thị thành”, “men khói xây thành”, “cỏ nội sương ngàn”, “khúc viễn mơ”, “ngọc nát châu chìm”…

Sự “liên văn bản” dạng này làm khó “triển hạn” nghĩa của thơ. Và cũng thật tiếc khi có những lúc anh rơi vào tình thế nan giải vì “mộc quá thì thô, khéo quá hóa nhạt”; như câu “vớt ánh trăng khuya/rụng trong đáy cốc bữa lìa lạc nhau/tôi cầm giữ hẹn mùa sau/mà nghe nhàu nhạt mấy màu thời gian”.

Cảm nhận văn chương hiện nay quả là việc khó, bởi nhiều quan niệm mới mẻ về thi pháp chưa được “cộng đồng diễn giải” chấp nhận. Thế nhưng, việc “đọc” một văn bản văn chương là việc cá nhân, đồng thời, nói như các nhà nghiên cứu văn học so sánh, việc đọc luôn hàm nghĩa “so sánh”.

Thơ lục bát H.Man trong tập “Áo trở màu không” là tập thơ đáng đọc - nếu ta còn yêu thể loại lục bát và tin vào sự kế thừa sáng tạo của những người thừa kế…

PHÙNG TẤN ĐÔNG