Quy hoạch - Đầu tư

TĂNG TỐC... GIẢI NGÂN

MAI NHI - NHÃ PHƯƠNG - H.ĐẠO - V.SỰ - ĐÔNG YÊN03/11/2024 09:02

Lúng túng trong triển khai giải ngân vốn đầu tư công là thực trạng hiện nay ở nhiều địa phương. Những vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân được nhận diện, từ cơ chế chính sách; giải phóng mặt bằng, quy hoạch sử dụng đất và nguồn cung ứng nguyên vật liệu; vướng mắc ở các khâu hoàn thiện thủ tục đầu tư, quy trình giải ngân của các dự án ODA... Quảng Nam phải làm gì để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc này nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân?

a1.jpg

Nguồn vốn lớn, giải ngân thấp

Năm 2024, vốn đầu tư công của Quảng Nam khá lớn, nhất là đối với 3 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, thời gian qua nhiều đơn vị, địa phương có tỷ lệ giải ngân rất thấp, thậm chí là xin… trả vốn.

Mới đây, tại Hội nghị về giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 và các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng cho rằng giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách đối với sự phát triển của tỉnh. Đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp sẽ dẫn đến nền kinh tế của tỉnh bị tụt hậu.

Tỷ lệ giải ngân thấp

Ông Nguyễn Phước Sơn – Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn cho biết, tổng kế hoạch vốn đầu tư công trên địa bàn huyện năm 2024 là hơn 326,7 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn năm 2023 kéo dài sang năm 2024 hơn 56,2 tỷ đồng.

Thời gian qua, nhiều dự án thi công chậm tiến độ khiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư đạt thấp. Ảnh: MAI NHI

Đến nay, đã phân bổ chi tiết cho các dự án với tổng kinh phí hơn 259,8 tỷ đồng, đạt 79,69%. Kế hoạch vốn còn lại chưa phân bổ do các chủ đầu tư chưa hoàn thành thủ tục đầu tư, mở mã số dự án như trụ sở công an các xã, các công trình bia di tích cách mạng, các công trình hỗ trợ xử lý chất thải rắn của thị trấn Đông Phú...

Theo ông Sơn, tính đến giữa tháng 10, Quế Sơn mới giải ngân hơn 78,8 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 31,29%. Trong đó, nguồn ngân sách năm 2023 kéo dài sang năm 2024 giải ngân hơn 26 tỷ đồng trong tổng số hơn 56,2 tỷ đồng, đạt 46,5%.

“Kết quả giải ngân trên địa bàn huyện đến nay đạt thấp. Một số dự án trọng điểm, kế hoạch vốn lớn như tuyến ĐH21, hồ chứa nước Châu Sơn, nhà thi đấu đa năng, hệ thống nước thải tập trung Cụm công nghiệp Đông Phú 1… vẫn chưa có khối lượng để giải ngân” – ông Sơn nói.

Các đơn vị thuộc khối tỉnh giải ngân đạt tỷ lệ rất thấp

Báo cáo của Sở KH&ĐT, năm 2024 tổng nguồn vốn thực hiện 3 chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của các sở, ban ngành, hội đoàn thể, đơn vị thuộc khối tỉnh của Quảng Nam là 206 tỷ đồng (chiếm 5,7% vốn chương trình mục tiêu quốc gia toàn tỉnh), gồm: vốn đầu tư 91,2 tỷ đồng và vốn sự nghiệp 114,7 tỷ đồng. Trong tổng nguồn vốn nêu trên, kế hoạch vốn năm 2022 và 2023 kéo dài là 94,3 tỷ đồng, kế hoạch vốn năm 2024 là 111,3 tỷ đồng.

Đến nay, UBND tỉnh đã phân bổ chi tiết 195/206 tỷ đồng, đạt 95%. Tính đến ngày 22/10/2024, các sở, ban ngành, hội đoàn thể, đơn vị thuộc khối tỉnh mới chỉ giải ngân 37,5 tỷ đồng, đạt 18% (thấp hơn so với mức trung bình của tỉnh hiện nay là 30%).

Theo Sở KH&ĐT, tổng vốn đầu tư công năm 2024 là 8.884,283 tỷ đồng, bao gồm: Kế hoạch vốn năm 2024 là 7.056,868 tỷ đồng; kế hoạch vốn kéo dài năm 2023 sang năm 2024 là 1.827,415 tỷ đồng. Đến nay đã phân bổ chi tiết kế hoạch năm 2024 cho các ngành và các địa phương là 6.614,403 tỷ đồng, đạt 94%; kế hoạch vốn còn lại chưa phân bổ chi tiết 442,465 tỷ đồng. Riêng vốn thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2024 (chưa tính ngân sách huyện đối ứng) là hơn 1.272 tỷ đồng.

Qua 10 tháng, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh mới được 46,8%, thấp hơn mức trung bình của cả nước. Một số địa phương và sở, ban, ngành có tỷ lệ giải ngân thấp như: Hội An; các huyện Quế Sơn, Bắc Trà My, Núi Thành; Sở NN&PTNT, Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng tỉnh...

sua.jpg
Năm 2024, vốn đầu tư công của Quảng Nam gần 9.046 tỷ đồng nhưng tính đến ngày 16/10 mới giải ngân hơn 3.939 tỷ đồng, đạt 43,5%. Ảnh: MAI NHI

Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết, thời gian qua công tác chỉ đạo thực hiện 3 chương trình MTQG của nhiều địa phương còn chậm. Những tháng đầu năm 2024, các địa phương chủ yếu tập trung vào việc thông qua danh mục đầu tư, các chủ đầu tư hoàn chỉnh thủ tục đầu tư để tham mưu phê duyệt và phân bổ vốn; nhiều đơn vị vẫn còn chậm trễ trong hoàn chỉnh thủ tục đầu tư cho các dự án như phê duyệt dự án đầu tư, dự toán, đấu thầu… nên đến nay các huyện miền núi vẫn chưa phân bổ hết kế hoạch vốn được giao.

Không “tiêu” hết vốn

Ông Nguyễn Minh Châu – Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn cho hay, tổng kế hoạch vốn thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2024 của địa phương là gần 20,7 tỷ đồng, trong đó vốn năm 2022 – 2023 chuyển sang hơn 10,6 tỷ đồng và vốn bố trí năm 2024 hơn 10 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thời gian qua Quế Sơn không thể “tiêu” hết nguồn vốn nêu trên và UBND huyện đã có văn bản đề nghị cấp có thẩm quyền của tỉnh xin nộp trả lại hơn 9,5 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương hơn 8,7 tỷ đồng và vốn ngân sách tỉnh hơn 773 triệu đồng.

“Nguyên nhân dẫn đến không sử dụng hết nguồn vốn của chương trình MTQG giảm nghèo bền vững là năm 2023 các địa phương của Quế Sơn đã thực hiện những mô hình giảm nghèo của dự án 2 và tiểu dự án 1 thuộc dự án 3 với số lượng hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo tham gia tương đối nhiều. Vì vậy, số hộ còn lại không có khả năng tham gia mô hình dự án giảm nghèo nữa. Từ đó, nguồn vốn triển khai dự án 2 và tiểu dự án 1 thuộc dự án 3 không có khả năng thực hiện được nên buộc phải trả lại” – ông Châu nói.

Đối với chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, số vốn huyện Hiệp Đức xác định không có khả năng giải ngân đến cuối năm 2024 là hơn 31 tỷ đồng. Ảnh: MAI NHI

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Nam – Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức cho biết, tổng nguồn vốn sự nghiệp thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2024 của địa phương là hơn 8,5 tỷ đồng. Tính đến ngày 15/10/2024, chỉ giải ngân được 624,1 triệu đồng, đạt 7,3%. Qua kiểm tra, rà soát thì ước tính đến cuối năm 2024 giải ngân được gần 7,3/hơn 8,5 tỷ đồng, đạt 85%; số vốn huyện không có khả năng giải ngân đến cuối năm nay hơn 1,277 tỷ đồng.

Đáng chú ý, đối với chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, năm 2024 Hiệp Đức được bố trí hơn 43,6 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp. Tuy nhiên, tính đến ngày 15/10/2024 huyện mới chỉ giải ngân được gần 821 triệu đồng, đạt 1,9%. Qua kiểm tra, rà soát thì ước tính đến cuối năm 2024 Hiệp Đức giải ngân được hơn 12,5 tỷ đồng trong tổng số hơn 43,6 tỷ đồng, đạt 28,8%. Hiện nay, số vốn huyện xác định không có khả năng giải ngân đến cuối năm 2024 là hơn 31 tỷ đồng.
Không riêng Quế Sơn và Hiệp Đức, dự lường không thể “tiêu” hết nguồn vốn của 3 chương trình MTQG năm 2024 nên thời gian qua nhiều địa phương và đơn vị thuộc khối tỉnh đã có báo cáo gửi cấp có thẩm quyền xin trả lại vốn với số tiền khá lớn…

Giữa vòng vây khó khăn

Nguồn nhân lực hạn chế, vướng công tác giải phóng mặt bằng, khan hiếm nguyên vật liệu xây dựng, chồng chéo trong triển khai cơ chế hỗ trợ… được xem là nguyên nhân chính khiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là đối với 3 chương trình mục tiêu quốc gia của Quảng Nam đạt thấp.

Từ yếu tố con người…

Sau khi 5 tổ công tác kiểm tra về tiến độ giải ngân được thành lập theo Quyết định số 1904 của UBND tỉnh, những yếu tố chính khiến tỷ lệ giải ngân thấp được nhận diện.

Đất đắp nền khan hiếm khiến nhiều công trình chậm tiến độ. Ảnh: NHÃ PHƯƠNG

Đại diện Sở KH&ĐT cho biết, hơn 2 tháng qua, các tổ công tác của tỉnh đã kiểm tra thực tế tại 17 đơn vị, địa phương. Nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn đạt thấp vẫn do quá trình tổ chức thực hiện.

Nhiều địa phương cấp huyện đã phân công Ủy viên Ban Thường vụ phụ trách đứng điểm một số công trình trọng điểm nhưng công tác chỉ đạo chưa thường xuyên, thiếu quyết liệt, chưa sâu sát. Cùng một mặt bằng pháp lý như nhau nhưng có đơn vị, địa phương tập trung chỉ đạo thì tỷ lệ giải ngân tốt; còn các đơn vị, địa phương chưa tập trung, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo thì tỷ lệ giải ngân thấp.

Nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề đáng quan tâm là năng lực của không ít đơn vị tư vấn không đảm bảo; trình độ chuyên môn của một số chủ đầu tư (nhất là cấp xã) còn hạn chế và thiếu kiểm tra, giám sát chặt chẽ trong quá trình lập, nghiệm thu hồ sơ dự án nên dẫn đến công tác thanh quyết toán cho các dự án ở nhiều địa phương còn rất chậm. Từ đó, đã ảnh hưởng đến kế hoạch giải ngân vốn đầu tư của các tháng đầu năm 2024.

Nhiều dự án vướng mắc trong công tác bồi thường thiệt hại – giải phóng mặt bằng dẫn đến tiến độ thi công chậm. (Ảnh minh họa). Ảnh: NHÃ PHƯƠNG

Ông Nguyễn Văn Hòa – Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn cho biết, địa phương gặp khó ở khâu bồi thường thiệt hại – giải phóng mặt bằng. Từ việc xác nhận nguồn gốc đất, trích đo thửa đất, xác định giá đất cụ thể; vướng về bồi thường đất thổ cư, đất công ích 5%, đất rừng dự án KFW6, rừng phòng hộ; một số hộ dân không đồng thuận và yêu cầu bồi thường thiệt hại với đơn giá quá cao so với quy định nên phải lập thủ tục cưỡng chế mất nhiều thời gian.

“Tại Nông Sơn, cán bộ kỹ thuật thẩm định và quản lý dự án, cán bộ làm công tác bồi thường thiệt hại – giải phóng mặt bằng thiếu nhiều, một số lại có tư tưởng sợ trách nhiệm. Đồng thời, việc sáp nhập huyện ít nhiều cũng ảnh hưởng đến tư tưởng của cán bộ, công chức, viên chức” – ông Hòa nói thêm.

…đến khó khăn, vướng mắc phát sinh

Đại diện Sở LĐ-TB&XH nhìn nhận, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 đạt tỷ lệ thấp.

Giá nguyên vật liệu tăng cao gây rất nhiều khó khăn cho các đơn vị thi công. Ảnh: NHÃ PHƯƠNG

Theo đó, nguồn vốn các năm 2022 - 2023 kéo dài sang năm 2024 và kế hoạch vốn năm 2024 cộng lại rất lớn. Điều này cũng tạo áp lực cho việc giải quyết các thủ tục giao vốn, phân bổ vốn cũng như thủ tục đầu tư, triển khai và giải ngân vốn của các sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh và các địa phương.

Ông Nguyễn Tấn Văn – Phó Giám đốc Sở KH&ĐT nói, nguồn vốn sự nghiệp hiện nay giải ngân đạt tỷ lệ quá thấp chủ yếu là do các đơn vị, địa phương còn lúng túng trong việc triển khai Luật Đấu thầu năm 2023. Trong đó, đáng chú ý là sử dụng vốn trên 100 triệu đồng phải đấu thầu, việc thuê tư vấn đấu thầu còn nhiều khó khăn, kinh phí tư vấn đấu thầu thấp nên khó tìm được nhà thầu tư vấn đấu thầu...

Nhiều ý kiến cho rằng, việc đấu thầu rộng rãi qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đã góp phần nâng cao hiệu quả của công tác đấu thầu; tạo môi trường cạnh tranh, công bằng, minh bạch và tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm thiểu thủ tục hành chính, tỷ lệ giảm thầu cao, góp phần tiết kiệm ngân sách. Tuy nhiên, một số nhà thầu tham dự thầu nhưng chưa tìm hiểu rõ và đánh giá đúng hiện trạng đặc điểm địa hình, điều kiện tự nhiên, thời tiết, điều kiện vận chuyển… nên khi trúng thầu và triển khai thi công thì gặp nhiều khó khăn do chưa có sự chuẩn bị phù hợp về vật tư, máy móc, thiết bị, nhân lực để tổ chức thực hiện. Từ đó, dẫn đến thi công cầm chừng, không đảm bảo kế hoạch đã cam kết với chủ đầu tư.

Cạnh đó, các văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình giảm nghèo có một số nội dung chưa được quy định, hướng dẫn, hay mức hỗ trợ quy định còn thấp và quá lâu, không còn phù hợp với thực tế. Một số quy định về đấu thầu còn bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn triển khai thực hiện các hoạt động, nhiệm vụ của chương trình.

Đáng chú ý, địa bàn triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo không thuận lợi, nguồn vốn phân bổ tập trung chủ yếu cho các huyện nghèo, miền núi cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số - nơi có quy mô hộ nghèo lớn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Số danh mục công trình, dự án đầu tư nhiều, tổ chức thực hiện hầu hết trên địa bàn rừng núi, vướng quy hoạch, đất rừng... làm ảnh hưởng rất lớn đến quá trình triển khai tại các địa phương.

Việc hỗ trợ giảm nghèo ở các địa phương miền núi gặp nhiều khó khăn. Ảnh: NHÃ PHƯƠNG

Một số dự án thành phần của chương trình giảm nghèo có đối tượng hỗ trợ quá ít, hoặc có nhưng không có nhu cầu để hỗ trợ do đã được doanh nghiệp hỗ trợ khiến kết quả triển khai hạn chế, giải ngân thấp. Các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong 3 chương trình MTQG triển khai đồng thời trên cùng địa bàn (huyện, xã) dẫn đến khan hiếm con giống; vốn phân bổ cho nhiều cơ quan, đơn vị thực hiện dẫn đến thiếu thống nhất trong định mức hỗ trợ con và cây giống, nhất là con giống...

Linh hoạt điều chuyển nguồn

Linh hoạt điều chuyển nguồn, theo dõi sát sao từng dự án để có giải pháp kịp thời và hỗ trợ các địa phương khi cần… là những việc làm cấp bách mà các sở, ban ngành triển khai để việc giải ngân đảm bảo chỉ tiêu Thủ tướng giao.

Đơn vị sự nghiệp tăng tốc

Theo Sở LĐ-TB&XH, sở này đã làm việc với UBND các huyện Tiên Phước, Nam Trà My, Bắc Trà My, Nam Giang và Đông Giang để rà soát, xác định nhu cầu và đề xuất phân bổ, điều chuyển đối với nguồn vốn khó khả thi để thực hiện giải ngân đảm bảo tiến độ đề ra. Hiện nguồn vốn sự nghiệp thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững còn chưa phân bổ trong dự toán ngân sách tỉnh là hơn 1 tỷ đồng.

Cần linh hoạt điều chuyển nguồn để tăng tỷ lệ giải ngân. Ảnh: Đ.S

Đến nay sở đã nhận được các văn bản đề xuất điều chỉnh, bổ sung thêm vốn của các địa phương trên và văn bản đề xuất điều chỉnh giảm dự toán của Sở Thông tin - Truyền thông.

“Trên cơ sở báo cáo, đề xuất của các đơn vị và địa phương, Sở LĐ-TB&XH tổng hợp số liệu điều chỉnh dự toán nguồn kinh phí và gửi Sở Tài chính phối hợp, rà soát tổng thể tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét phương án điều chỉnh lần 3 tại Kỳ họp thứ 27 theo chỉ đạo của UBND tỉnh” – Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Trương Thị Lộc cho biết.

Cụ thể, đối với Sở Thông tin - Truyền thông, tổng dự toán nguồn vốn sự nghiệp ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh sử dụng trong năm 2024 là 4,1 tỷ đồng, gồm ngân sách trung ương 3,7 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hơn 406 triệu đồng. Sở Thông tin - Truyền thông đề xuất giảm hơn 3,5 tỷ đồng thực hiện Tiểu dự án 1 - Dự án 6. Còn Sở LĐ-TB&XH đề xuất giảm 2,9 tỷ đồng thực hiện Tiểu dự án 1, Tiểu dự án 3 - Dự án 4, Tiểu dự án 2 - Dự án 6 và Dự án 7. Điều chỉnh, điều chuyển tăng dự toán nguồn vốn sự nghiệp ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh thực hiện Dự án 2 với gần 1,4 tỷ đồng…

Ông Nguyễn Tấn Văn - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT cho rằng, các đơn vị cần khẩn trương hoàn chỉnh thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đảm bảo kế hoạch đề ra, phấn đấu đến cuối năm 2024 giải ngân 100% vốn được giao. Các đơn vị được giao chủ trì các dự án, tiểu dự án thuộc các chương trình MTQG phải nghiên cứu kỹ văn bản của bộ, cơ quan liên quan hướng dẫn, trả lời kiến nghị của địa phương trong thực hiện chương trình. Từ đó có giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn, không để xảy ra thất thoát, lãng phí trong quá trình triển khai thực hiện.

Sát sao từng dự án

Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Quang Thử cho rằng, để giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng giao, lãnh đạo cấp ủy đảng, chính quyền các đơn vị, địa phương cần trực tiếp phụ trách đứng điểm và định kỳ 2 tuần đánh giá tỷ lệ giải ngân các dự án trọng điểm, có kế hoạch vốn lớn để kịp thời xử lý và tháo gỡ khó khăn vướng mắc phát sinh của từng dự án cụ thể.

Ngoài ra, do hụt thu nguồn sử dụng đất nên đối với các dự án đã được phân bổ kế hoạch vốn năm 2024 từ nguồn thu sử dụng đất mà tỷ lệ giải ngân thấp dưới 40% thực hiện thu hồi số vốn còn lại chưa giải ngân để cân đối nguồn bị hụt. Đối với trường hợp các dự án vướng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn tồn đọng kéo dài, Giám đốc Sở KH&ĐT đề nghị các chủ đầu tư tích cực đề xuất giải pháp tháo gỡ. Nếu không thể tiếp tục triển khai, thì đề xuất dừng dự án hoặc thu hẹp quy mô dự án để quyết toán phần dự án hoàn thành.

Các chủ đầu tư phải theo dõi sát sao từng tiểu dự án, dự án để có giải pháp kịp thời. Ảnh: Đ.S

“Các chủ đầu tư cần chủ động kiểm tra, rà soát đánh giá khả năng giải ngân của từng dự án cụ thể có tỷ lệ giải ngân thấp để đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch vốn sang các dự án đảm bảo khối lượng. Có thể giải ngân ngay khi tiếp nhận nguồn vốn bổ sung trong nội bộ của từng đơn vị hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh giảm kế hoạch vốn năm để điều chuyển cho các đơn vị, địa phương có nhu cầu bổ sung vốn trong kỳ họp HĐND tỉnh sắp đến” – ông Nguyễn Quang Thử nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn - Trưởng ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu Sở Tài chính trên cơ sở đề nghị của của các sở, ban ngành khẩn trương hoàn chỉnh các hồ sơ thủ tục liên quan để tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh điều chỉnh kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh, theo quy định tại Nghị quyết số 111 trong kỳ họp sắp tới.

“Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo chấn chỉnh, yêu cầu các đơn vị, địa phương khi thực hiện nộp trả lại ngân sách tỉnh phải theo đúng trình tự, thủ tục quy định. Không thu nhận nguồn kinh phí về ngân sách tỉnh đối với các đơn vị, địa phương không tuân thủ đúng quy trình thủ tục thực hiện. Sở KH&ĐT khẩn trương kiểm tra, tham mưu UBND tỉnh phân bổ nguồn dự phòng vốn đầu tư ngân sách trung ương năm 2024 trong Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới còn lại chưa phân bổ. Đối với các nguồn vốn đã giao cho các địa phương nhưng không có khả năng thực hiện hoàn thành hồ sơ giải ngân thì tham mưu cấp thẩm quyền điều chuyển nguồn…” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn nêu rõ.

Bám từng dự án, gỡ từng vướng mắc

Bám sát từng dự án, hỗ trợ các chủ đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, góp phần nâng cao tỷ lệ giải ngân đang được nhiều địa phương nỗ lực.

Bám sát từng dự án

Ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, so với kết quả giải ngân thời điểm ngày 14/8, thì 1 tháng sau, tổng giải ngân các nguồn vốn thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) trên địa bàn huyện Nam Trà My đã tăng hơn 9,5 tỷ đồng, tương ứng 3,37%. Trong đó, vốn đầu tư công giải ngân tăng hơn 6,5 tỷ đồng và vốn sự nghiệp giải ngân tăng gần 3 tỷ đồng.
Địa phương này đã bám sát, hỗ trợ các đơn vị khắc phục khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.

Các địa phương đang thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo giải ngân đúng kế hoạch. Ảnh: ĐÔNG YÊN

“Dựa trên phân bổ chi tiết nguồn kinh phí sự nghiệp thực hiện 3 Chương trình MTQG sau điều chỉnh dự toán của HĐND tỉnh, UBND huyện tiến hành rà soát, phân bổ 100% kế hoạch vốn đã được điều chỉnh và yêu cầu các chủ đầu tư khắc phục vướng mắc, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ. Đồng thời đẩy nhanh công tác thẩm định, phê duyệt và triển khai thực hiện. Chúng tôi cam kết đảm bảo tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn theo kế hoạch và chỉ đạo của UBND tỉnh” – ông Trần Văn Mẫn nói.

Tại Phước Sơn, huyện này nhận định khó khăn như công tác chuẩn bị đầu tư của một số chủ đầu tư còn chậm, một số dự án nay vẫn chưa phân bổ vốn, vướng mắc và thời gian thực hiện giải phóng mặt bằng kéo dài, tình trạng thiếu nguồn cung vật liệu xây dựng, giá cả vật liệu nhiều biến động. Ngoài ra, một số dự án không lường hết các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai lập dự án, thiết kế nên phải điều chỉnh, bổ sung.

Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn Lê Quang Trung cho biết, địa phương đã tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện thủ tục, hồ sơ trình phê duyệt và phân bổ dứt điểm nguồn vốn kế hoạch năm 2024. Đến ngày 30/9/2024, Phước Sơn đã phân bổ đạt 100% kế hoạch vốn.

“Chúng tôi kiểm tra, rà soát công tác giải ngân từng dự án cụ thể có tỷ lệ giải ngân thấp, không có khả năng thực hiện giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2024 được giao, để điều chuyển kế hoạch vốn sang các dự án đảm bảo khối lượng, có khả năng giải ngân ngay khi tiếp nhận nguồn vốn” – ông Lê Quang Trung nhấn mạnh.

Phước Sơn cũng chủ động rà soát các danh mục công trình phù hợp với mục tiêu của từng chương trình và điều chỉnh nguồn vốn. “Chúng tôi đang khẩn trương rà soát và quyết toán dứt điểm các công trình dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng chưa quyết toán, nhất là các dự án chậm quyết toán trên 24 tháng. Đối với các chủ đầu tư thì UBND huyện yêu cầu thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo định kỳ cho các cơ quan chức năng để có chỉ đạo kịp thời, sát với thực tế, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện” – Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn Lê Quang Trung nói.

Giải quyết các vướng mắc về chính sách

Là địa phương miền núi có tiến độ giải ngân tốt nhất tỉnh, Nam Giang vẫn gặp nhiều khó khăn. Việc một số chính sách thay đổi nhanh khiến cán bộ công chức ở cơ sở năng lực còn hạn chế, chưa nắm bắt kịp thời. Ngoài ra, đặc thù về dân sinh, do vậy công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư chưa thể như mong muốn.

Đặc biệt, tuyến quốc lộ 14D từ Bến Giằng đi các xã vùng cao hư hỏng nặng dẫn đến công tác phân luồng giao thông, lưu thông và vận chuyển vật liệu phục vụ thi công công trình chưa được thông suốt, mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình trên địa bàn huyện…

Các huyện yêu cầu các chủ đầu tư liên tục báo cáo tiến độ các dự án để kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn. Ảnh: ĐÔNG YÊN

Ông A Viết Sơn – Chủ tịch UBND huyện Nam Giang chia sẻ, địa phương này sẽ hoàn thành kế hoạch giải ngân đúng hạn. Theo đó đến hết quý III/2024 giải ngân hơn 70% kế hoạch vốn đầu tư, vốn sự nghiệp và dự kiến đến hết tháng 1/2025 sẽ giải ngân 100% kế hoạch vốn. Để đạt được tiến độ này, Nam Giang sẽ phải giải quyết một số vướng mắc ở các tiểu dự án của 3 chương trình MTQG.

Đối với Tiểu dự án 1, Dự án 5 Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thực hiện xóa mù chữ, địa phương này kiến nghị được hướng dẫn chi tiết việc lập hồ sơ thanh toán một số nội dung như chế độ cho người dạy, thủ tục cấp phát tài liệu, chi bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên, người tham gia thực hiện công tác xóa mù chữ... để thực hiện lưu trữ, hồ sơ, chứng từ thanh toán được thống nhất.

“Chúng tôi mong UBND tỉnh, sở ngành cấp tỉnh quy định cụ thể chế độ hỗ trợ người dân tham gia học xóa mù chữ để khuyến khích động viên người học tích cực tham gia học tập nhằm thực hiện công tác xóa mù chữ đạt kết quả tốt hơn. Xem xét mở rộng nhiệm vụ đối với cấp huyện để tổ chức thực hiện hiệu quả Tiểu dự án 2 Dự án 10 Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi về ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Và sớm ban hành quy định, hướng dẫn địa phương tổ chức thực hiện thanh toán các chi phí công tác quản lý, bảo vệ rừng thuộc Dự án 3 - Tiểu dự án 1 theo quy định của Nghị định 58/2024/NĐ-CP ngày 24/5/2024 của Chính phủ. Điều này sẽ giúp Nam Giang làm tốt nhất nhiệm vụ giải ngân” – ông Sơn kiến nghị.

Nội dung: MAI NHI - NHÃ PHƯƠNG - H.ĐẠO - V.SỰ - ĐÔNG YÊN

Trình bày: MINH TẠO

MAI NHI - NHÃ PHƯƠNG - H.ĐẠO - V.SỰ - ĐÔNG YÊN