Nông dân liên kết để phát triển
(QNO) - Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động là một nhiệm vụ trọng tâm của các cấp Hội Nông dân Quảng Nam nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở hội và đa dạng hóa mô hình thu hút, tập hợp hội viên nông dân tham gia hoạt động Hội. Từ năm 2019, Hội Nông dân tỉnh tập trung xây dựng mô hình hoạt động chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp.
Liên kết theo nguyên tắc “5 tự”, “5 cùng”
Mô hình chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp hoạt động theo nguyên tắc “5 tự”, “5 cùng” - đó là “tự giác, tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm” và “cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng chịu trách nhiệm; cùng hưởng lợi”.
Theo đó, đến nay toàn tỉnh có 69 chi hội, 516 tổ hội nông dân nghề nghiệp với 7.727 hội viên tham gia trên các lĩnh vực gắn với thế mạnh của từng địa phương như chăn nuôi bò 3B tại Điện Bàn, Tiên Phước, Phú Ninh; trồng sen kết hợp nuôi cá, ốc bưu đen tại Duy Xuyên; trồng nấm bào ngư tại Tam Kỳ, Thăng Bình; nuôi cá nước ngọt, gà, vịt tại Thăng Bình, Quế Sơn; phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại tại Tiên Phước, Hiệp Đức, đánh bắt hải sản tại Thăng Bình, Núi Thành.
Các mô hình liên kết thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, hạn chế sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt, bảo quản, chế biến, lạm dụng chất bảo vệ thực vật trong sản xuất…
Ông Nguyễn Út - Phó Chủ tịch HND tỉnh cho biết: Đến nay các chi, tổ hội được thành lập ở các địa phương đã đi vào hoạt động nề nếp và có sức lan tỏa, đáp ứng được nguyện vọng của hội viên nông dân đó là tạo được sự liên kết để cùng nhau phát triển kinh tế. Đây cũng là kênh sinh hoạt mới, tạo sự gắn kết giữa nông dân với nông dân và nông dân với tổ chức hội.
Đồng hành và hỗ trợ
Để hỗ trợ các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp hoạt động có hiệu quả, Hội Nông dân đã tập trung cung ứng các dịch vụ hỗ trợ nông dân, tạo điều kiện cho vay vốn Quỹ hỗ trợ nông dân.
Hiện nay, Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam đang triển khai cho vay 168 dự án với 9.000 lượt hộ nông dân vay; hằng năm mở hơn 100 lớp đào tạo nghề cho hơn 3.200 lao động nông thôn, cung ứng trên 4.500 tấn phân bón cho nông dân theo phương thức trả chậm; phối hợp với Sở Khoa học - Công nghệ tổ chức hơn 20 lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất phân hữu cơ vi sinh chức năng, từ đó hình thành các mô hình kinh tế tập thể làm ăn hiệu quả, giúp người dân ổn định đời sống.
Tại xã Điện Phước (Điện Bàn), từ nguồn vốn vay 500 triệu đồng Quỹ hỗ trợ nông dân của tỉnh 10 thành viên Chi hội chăn nuôi bò 3B nơi đây đã đầu tư chăn nuôi tập trung cho thu nhập cao.
“Trước đây, chúng tôi chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ, mỗi hộ nuôi từ 3 - 5 con bò cỏ, từ khi thành lập chi hội và được hỗ trợ vốn vay từ Quỹ hỗ trợ nông dân chúng tôi chuyển đổi mô hình sang chăn nuôi bò 3B cho hiệu quả cao hơn. Đến nay, mỗi hội viên trong chi hội có đàn bò 3B 20 con mỗi lứa, mỗi năm trừ chi phí cho lãi hơn 200 triệu đồng” - ông Mai Đức Dũng - Chi hội trưởng Chi hội chăn nuôi bò 3B xã Điện Phước (Điện Bàn) tâm sự.
Cũng với số vốn được vay 500 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân, tổ Hội Nông dân đánh bắt hải sản trên biển tại thôn An Tân (Bình Minh, Thăng Bình) đã đầu tư cải hoán tàu thuyền, mua sắm ngư lưới cụ để vươn khơi bám biển.
“Mười hội viên trong chi hội đều làm nghề đánh bắt hải sản, những năm gần đây các loại vật tư tăng cao, cuộc sống của ngư dân gặp không ít khó khăn, từ lúc được vay vốn và thành lập tổ hội nghề nghiệp chúng tôi đã hỗ trợ lẫn nhau nên các thành viên ai cũng kiếm ra tiền, có thu nhập ổn định, kinh tế khá hơn” - ông Hồ Ngọc Sơn (thôn Tân An, xã Bình Minh, Thăng Bình) chia sẻ.
Ông Hứa Đại Dương - Giám đốc HTX Địch Yên vui mừng cho biết: Được Hội Nông dân xã Tiên Phong (Tiên Phước) vận động 6 hội viên nông dân chúng tôi đã liên kết với quyết tâm khôi phục làng nghề bánh tráng Địch Yên.
Đi lên từ việc liên kết trong sản xuất, đến nay đã phát triển thành Hợp tác xã Địch Yên với 32 thành viên được phân công trách nhiệm các thành viên cụ thể, trong đó 15 thành viên trực tiếp sản xuất, 17 thành viên liên kết phân phối đầu ra sản phẩm. Kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm trên 90 tấn sản phẩm, cho doanh thu đạt 3,6 tỷ đồng. Năm 2024 HTX đưa kế hoạch sản xuất đạt mốc 100 tấn sản phẩm, doanh thu khoảng 4 tỷ đồng, trong đó định hướng phát triển thêm 3 sản phẩm mới, tiếp tục phát huy thế mạnh sản phẩm OCOP của HTX, đặc biệt HTX vừa được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam công nhận là hợp tác xã tiêu biểu toàn quốc.
“Hiện toàn tỉnh có 14 chi và 7 tổ Hội Nông dân nghề nghiệp được hưởng cơ chế hỗ trợ theo Nghị quyết số 27/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Quảng Nam quy định nội dung và mức hỗ trợ từ nguồn kinh phí sự nghiệp ngân sách nhà nước để thực hiện một số nhiệm vụ chi thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam với tổng số tiền 925 triệu đồng.
Đây là điều kiện để Hội Nông dân tiếp tục phát triển các mô hình phát triển kinh tế tập thể, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Từ đó tạo động lực đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở các địa phương. Ông Nguyễn Út cho biết thêm.