Chuyện đầu tuần

Để không bị bỏ lại phía sau

PHAN HOÀNG 04/11/2024 07:29

Những ngày qua, theo dõi báo chí và mạng xã hội thấy người dân rất quan tâm đến vấn đề liên quan tổ chức bộ máy chính quyền.

Trong các phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại tổ (Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đang diễn ra), báo chí tường thuật phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Không tinh gọn bộ máy không phát triển được”. “Vì hiện ngân sách chi khoảng gần 70% để trả lương, chi thường xuyên, phục vụ cho hoạt động. Nếu điều hành ngân sách như vậy sẽ không còn tiền chi cho đầu tư phát triển. Đất nước muốn phát triển được, muốn dự án này, dự án kia thì tiền ở đâu? Còn lại 30% thì tiền đâu để chi cho quốc phòng, an ninh, giảm nghèo, an sinh xã hội”.

Tất nhiên, không phải bây giờ mới rõ điều này. “Xây dựng tổ chức bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” nhiều năm qua, vừa như khẩu hiệu vừa như mệnh lệnh. Nhưng mọi thứ đang vận hành rất chậm.

Thử soi vào Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Sau gần 7 năm triển khai, kết quả cho thấy cách làm vẫn còn túc tắc.

Điều này được Ban Tổ chức Trung ương nhìn nhận do một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa thật sự quyết liệt hoặc cầu toàn, thiếu chủ động, tích cực trong thực hiện.

Việc sắp xếp tổ chức ở một số địa bàn, lĩnh vực còn mang tính cơ học, đầu mối trực thuộc ở một số nơi chưa thực sự tinh gọn. Tinh giản biên chế ở một số nơi còn mang tính bình quân, chưa thực sự gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Còn chưa đầy 2 tháng nữa, sau khi sáp nhập Nông Sơn, huyện Quế Sơn (mới) có 18 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 15 xã và 3 thị trấn. Mọi thứ thuộc về tổ chức bộ máy đang được gấp rút thực hiện. Vậy là từ ngày 1/1/2025, Quảng Nam có 17 huyện, thị, thành phố với 190 xã, 29 phường, 14 thị trấn (so với khi chưa sắp xếp tương ứng là 18-197-30-14).

“Trung ương mà gọn được thì tỉnh sẽ gọn. Hiện nay mới làm từ dưới lên như xã, huyện sáp nhập còn tỉnh chưa làm tới. Hay mới thực hiện sắp xếp ở một số vụ, cục, tổng cục của bộ ngành còn Trung ương chưa làm” (Tổng Bí thư Tô Lâm).

Từ điểm nhìn Quảng Nam và các tỉnh thành khác đã và đang sắp xếp đơn vị hành chính, dân đang chờ hành động sau câu nói đó của Tổng bí thư. Nước ta hiện có 63 tỉnh, thành phố. Cơ cấu tổ chức của chính phủ hiện nay có 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ. Con số này so với nhiều nước trong khu vực thì bộ máy đang quá cồng kềnh.

Sau 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ (từ khóa XII đến khóa XV), đã đến lúc tổng kết để trên cơ sở đó nghiên cứu, xây dựng Đề án cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XVI gọn hơn.

Tổ chức và hoạt động của chính phủ, chính quyền địa phương cũng phải theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; giảm số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.

Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045.

Theo TS.Võ Trí Thành (nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương), nếu không nâng cao được năng suất lao động để phù hợp với mức lương cao và sản xuất ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn thì có thể sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

“Để vượt qua bẫy thu nhập trung bình và đạt được các mục tiêu phát triển đó, phải có các hành động chính sách quan trọng bao gồm tăng cường năng lực công, cải thiện khung pháp lý, đẩy nhanh tái cơ cấu, nâng cao phát triển nguồn nhân lực và củng cố Hệ thống Đổi mới Quốc gia” - TS. Võ Trí Thành nói.

Nhìn thẳng sự thật và khách quan chỉ ra hạn chế, từ đó đưa mệnh lệnh “ĐỔI MỚI”. Đổi mới hay bị bỏ lại phía sau? - là tín hiệu sáng sủa để người dân hy vọng.

PHAN HOÀNG