Một nhân cách lớn, một cá tính Quảng
Nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Trác, chúng tôi có dịp viếng hương ông tại tư gia ở Hà Nội. Qua những câu chuyện nghe được từ người thân trong gia đình, càng hiểu thêm về ông, một nhân cách lớn, mang đậm cá tính Quảng.
Tại phòng làm việc trên tầng 3 ngôi nhà số 08 Nguyễn Thượng Hiền (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), những kỷ vật, hình ảnh về đồng chí Nguyễn Trác được gia đình cất giữ cẩn thận. Lật giở từng tấm ảnh, từng trang tư liệu về người cha đáng kính, ông Nguyễn Chính (77 tuổi) và những người thân trong gia đình không giấu được sự xúc động, tự hào...
Tượng đài trong ký ức các con
Đồng chí Nguyễn Trác và vợ - bà Lê Thị Truyền có 4 người con được đặt tên theo thứ tự là Chính, Liêm, Kiên, Dũng. Những cái tên gợi lên đức tính, phẩm chất của một người cộng sản kiên trung mà đồng chí Nguyễn Trác luôn theo đuổi vì lý tưởng cách mạng.
Ông Nguyễn Chính cho biết, khi đặt tên cho 2 cô con gái, cha ông quyết định chọn những cái tên thường chỉ dành cho con trai là Kiên, Dũng. Điều này vừa thể hiện khí chất, tư tưởng và trách nhiệm của ông bà, vừa là cơ sở để răn dạy các con, cháu phấn đấu trưởng thành.
Theo ông Nguyễn Chính, mẹ ông sinh ra trong một gia đình nghèo ở xã Phước Ninh, nay là phường Phước Ninh, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng. Cha mẹ ông gặp nhau trong bối cảnh hoạt động, công tác cách mạng, từ đó cảm mến và chính thức đến với nhau vào cuối năm 1946.
“Ông bà đã dệt nên một mối tình rất đẹp của hai người đồng chí, gắn bó không rời. Bà luôn sát cánh bên ông, đồng cam cộng khổ, vượt qua khó khăn ác liệt, cùng ông đi qua hầu khắp nẻo đường của cuộc kháng chiến trường kỳ; từ căn cứ ở Thừa Thiên Huế, ra căn cứ Quảng Trị, đến căn cứ cách mạng Khu 4, Nghệ An - Hà Tĩnh, về vùng tự do Thanh Hóa… Đến đâu, mẹ tôi cũng tích cực tăng gia sản xuất, nuôi dạy con cái, hoạt động phụ nữ ở cơ sở” - ông Chính nói.
Ông Chính và 2 em kế được sinh ra ở vùng tự do Nghệ An, Thanh Hóa, còn cô út Nguyễn Thị Dũng sinh tại Hà Nội sau khi gia đình theo đoàn quân giải phóng từ Việt Bắc tiến về thủ đô. Ngôi nhà số 08 Nguyễn Thượng Hiền hiện nay là nơi ở của gia đình từ năm 1954 đến nay. Nơi đây, anh em ông Chính được học tập, sống trong tình yêu thương, dạy bảo của cha mẹ.
“Chúng tôi luôn nhớ về ông là một người cha hiền từ, nghiêm khắc và đầy trách nhiệm. Nhiều năm sống bên ông, chúng tôi luôn cảm nhận tình thương yêu ông dành cho gia đình. Ông rèn chúng tôi từ dáng ngồi, cách cầm bút, từng nét chữ. Ông nói: Phải luôn chăm học, học tốt mới làm việc tốt, trở thành người có ích cho xã hội” - ông Chính hồi tưởng.
Nếu như hai anh lớn lên đi bộ đội phải xa nhà sớm thì bà Nguyễn Thị Kiên và em gái Nguyễn Thị Dũng có thời gian ở bên cha mẹ nhiều hơn.
“Điều rất thương ở ông là dù kiên quyết, kiên cường trong công tác và hoạt động cách mạng nhưng với gia đình thì cực kỳ yêu quý các con. Sai thì ông nghiêm khắc nhưng sau đó động viên để mình biết và phấn đấu. Ông luôn dạy chúng tôi về tư cách, trách nhiệm công dân với Tổ quốc” - bà Nguyễn Thị Kiên chia sẻ.
Theo lời ông Nguyễn Chính, với nhiều năm làm việc trong lĩnh vực pháp lý cách mạng, đồng chí Nguyễn Trác luôn khắt khe với bản thân. Ông thường khuyên các con phải sống liêm khiết, công tư rõ ràng, làm việc gì cũng không được tơ hào tiền bạc, vật chất không phải của mình.
“Ông luôn phân định đúng sai rõ ràng, sẵn sàng tranh luận hàng giờ để bảo vệ cái đúng, làm rõ cái sai; có lẽ ở ông khó có sự thỏa hiệp, phải chăng “Quảng Nam hay cãi” là như vậy. Ông sống tiết kiệm, giản dị, không ưa hình thức.
Thời bao cấp, nhiều đồ kim khí, điện máy được phân phối theo định kỳ; đến lượt mình, ông thường nhường cho những người cần hơn, khó khăn hơn mình. Ông tự răn mình và nhắc nhở chúng tôi: “Không vì có chút công lao mà đòi hỏi quá đáng với tổ chức, với tập thể” - ông Chính kể.
Từ sự quan tâm chăm sóc và tấm gương sáng của cha, cả 4 anh em ông Chính đều tiến bộ và trưởng thành, cùng với 2 con dâu, 2 con rể là những cán bộ phục vụ trong quân đội, công an, các cơ quan nhà nước, đều là đảng viên.
Luôn nhớ và tự hào về đất Quảng
Ngày còn nhỏ, anh em bà Nguyễn Thị Kiên nhiều lần được cha dẫn đi dự hoạt động gặp mặt của Ban liên lạc đồng hương Quảng Nam tại Câu lạc bộ Thống nhất.
Thời kỳ đất nước bị chia cắt, đồng chí Nguyễn Trác hoạt động rất tích cực trong Ban liên lạc đồng hương Quảng Nam tại Hà Nội. Hồi đó, đồng chí Trần Đình Tri là Trưởng ban liên lạc, còn đồng chí Nguyễn Trác là Phó ban. Ban liên lạc tổ chức gặp mặt đồng hương theo định kỳ với nhiều hình thức phong phú, thiết thực.
Dù sinh ra và lớn lên gắn liền với những địa danh nổi tiếng Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội, nhưng chúng tôi rất hãnh diện khi được ông dặn dò: Ba là người Quảng Nam, mẹ là người Đà Nẵng, các con là con của xứ Quảng và không được quên họ mình là họ Nguyễn của đất Hà Thanh - Điện Hòa - Điện Bàn… Ông gieo vào tâm trí chúng tôi những tình cảm đầu tiên về quê hương xứ sở”.
Ông Nguyễn Chính
“Hồi đó đi dự gặp mặt đồng hương tôi còn bám lấy ống quần và nép sau lưng ông. Trong ký ức, tôi nhớ có nhiều hình thức sinh hoạt phong phú lắm, nhất là các hoạt động văn hóa, thể thao. Đặc biệt ở đó, chúng tôi được nghe hát bài chòi, hát bội, hát tuồng… Nhờ vậy, những ấn tượng về văn hóa của quê cha xứ Quảng in đậm trong anh em tôi từ đó” - bà Kiên chia sẻ.
Chưa hết, trong một số buổi sinh hoạt đồng hương Quảng Nam, anh em bà Kiên còn được gặp Bác Hồ. Bác động viên cán bộ, chiến sĩ có niềm tin vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước; rồi Bác còn bắt nhịp để mọi người hát bài ca Kết đoàn trước khi ra về. Ngoài ra, thời điểm đó, bà Kiên còn được gặp, nghe cha mình nói chuyện với những cán bộ, chiến sĩ từ miền Nam, từ Quảng Nam ra Bắc công tác, điều trị, an dưỡng…
Ông Nguyễn Chính nói, ba mình là người con đất Quảng thứ thiệt. Dù sống và hoạt động ở nhiều địa phương, ở đâu ông cũng tự hào và giành những tình cảm đặc biệt với vùng đất và người nơi ông sinh thành.
Thỉnh thoảng, trong câu chuyện với vợ con, đồng chí Nguyễn Trác lại nhắc về Quảng Nam. Ông tự hào quê hương có khoai lang Trà Đóa ngon nhất nước, rồi kể về những bãi dâu xanh mướt bên dòng Thu Bồn, rồi nước mắm nức tiếng Nam Ô… Tình cảm của đồng chí Nguyễn Trác về quê hương còn thể hiện ở sự quan tâm, động viên của ông với bà con đồng hương đi tập kết, làm kinh tế mới.
“Tôi còn nhớ những dịp được theo ông đến các nông trường Đồng Giao, Sao Vàng, Cửu Long … Ông vào từng nhà, hỏi thăm về tình hình lao động và sản xuất của bà con quê hương. Ông tích cực hoạt động xây dựng mối quan hệ kết nghĩa keo sơn giữa quân dân Quảng Nam và Thanh Hóa anh hùng.
Năm 1968, cháu ruột ông là thương binh được đưa ra Bắc điều trị, mỗi lần gặp gỡ, ông thường hỏi thăm về tình hình sức khỏe, tình hình quê nhà, ông hỏi cặn kẽ về bà con họ hàng, ai còn, ai mất… Ông có trí nhớ kỳ lạ, hầu như không quên một ai.
Sau ngày thống nhất, ông đưa cả nhà về thăm quê cha đất tổ, thăm bà con họ hàng, thắp hương tổ tiên nội ngoại, những mảnh đất và con người ông luôn thương nhớ…” - ông Nguyễn Chính kể.
Giữ gìn cẩn thận những kỷ vật của cha
Trong căn phòng làm việc trước đây của đồng chí Nguyễn Trác, gia đình ông Nguyễn Chính giữ nguyên hiện trạng việc bài trí, đồng thời cất giữ và bảo vệ cẩn thận những hiện vật, hình ảnh quý về ông. Gia đình mong muốn tỉnh và thị xã Điện Bàn quan tâm hỗ trợ xây dựng nhà tưởng niệm về đồng chí Nguyễn Trác, hướng tới là di tích lịch sử cách mạng ở quê nhà. Gia đình sẵn sàng cung cấp tài liệu, hiện vật và phối hợp để làm rõ hơn cuộc đời và sự nghiệp hoạt động của ông.