KỶ NIỆM 120 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ NGUYỄN TRÁC - NGUYÊN BÍ THƯ TỈNH ỦY QUẢNG NAM (4/11/1904 - 4/11/2024)Những dấu ấn không phai
Sinh ra và lớn lên trên quê hương giàu truyền thống đấu tranh yêu nước và cách mạng làng Hà Thanh, nay là xã Điện Hòa, thị xã Điện Bàn, đồng chí Nguyễn Trác đã để lại nhiều dấu ấn sâu sắc trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình.
Kiên trung trong ngục tù
Tháng 10/1930, với vai trò là Bí thư Chi bộ Charner (trực thuộc Thành ủy Sài Gòn), đồng chí Nguyễn Trác đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và giác ngộ cho người lao động.
Đồng chí trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh của công nhân hãng Charner đòi cải thiện đời sống, ngày làm việc 8 giờ vào ngày 21/01/1931.
Nghi ngờ Nguyễn Trác cầm đầu tổ chức việc rải truyền đơn, dán biểu ngữ trong hãng, chủ hãng Charner đã bắt Nguyễn Trác ngay tại nơi làm việc và đưa về Sở Mật thám Catinat. Tại đây bọn mật thám liên tục tra xét nhưng đồng chí nhất mực không khai; chúng đưa đồng chí về giam ở Khám Lớn (Sài Gòn).
Sau hơn 2 năm giam cầm, tra tấn, bọn địch không khuất phục được tinh thần đấu tranh của Nguyễn Trác và đến đầu tháng 5/1933, chúng mở phiên tòa xét xử đặc biệt và kết án 10 năm cấm cố vì tội âm mưu lật đổ chính quyền, đày đi Côn Đảo. Tại Côn Đảo, đồng chí tổ chức nhiều cuộc đấu tranh chống lại chế độ hà khắc của nhà tù và được cử làm Bí thư một chi bộ ở nhà tù Côn Đảo.
Trên cương vị Bí thư chi bộ, đồng chí Nguyễn Trác đã tích cực tập hợp anh em tù chính trị, tuyên truyền, vận động và giúp anh em nhận thức được đấu tranh cách mạng là đúng đắn, là cần thiết.
Mặc dù bị bọn quản lao đàn áp dã man, nhưng các cuộc đấu tranh liên tục diễn ra và đạt kết quả lớn. Với khả năng tập hợp và tư duy chính trị của mình, đồng chí Nguyễn Trác được anh em tín nhiệm cử tham gia bộ phận hoạt động công khai ở nhà tù Côn Đảo. Trên cương vị đó, đồng chí Nguyễn Trác càng có điều kiện hoạt động, tổ chức xây dựng phong trào.
Sâu sát phong trào
Tháng 7/1936, Mặt trận Bình dân lên nắm chính quyền ở Pháp và vận động thực hiện một số cải cách, trong đó có một số chính sách tiến bộ. Trong đó có việc “ân xá tù chính trị”. Nguyễn Trác và nhiều đồng chí khác ở nhà tù Côn Đảo được trao trả tự do.
Về Quảng Nam, đồng chí móc nối hoạt động với các đồng chí Trịnh Quang Xuân và Trần Học Giới thành lập Ủy ban Vận động Đại hội Đông Dương của Quảng Nam.
Sau sự kiện Đại hội Đông Dương diễn ra tại Huế tháng 9/1936, các đại biểu Đảng bộ ở một số tỉnh Trung Kỳ đã họp bí mật ở Huế để bàn về những nhiệm vụ của cách mạng và cử ra Xứ ủy lâm thời Trung Kỳ.
Với tư duy chính trị nhạy bén, nhất là người đã lăn lộn với phong trào công nhân ở Sài Gòn, kiên trung trong nhà tù thực dân, đế quốc, đồng chí Nguyễn Trác được tín nhiệm cử vào Xứ ủy viên và được phân công Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam.
Trên cơ sở đó, cuối năm 1936, tại làng Tân Hạnh, Hòa Vang đồng chí triệu tập hội nghị phổ biến nghị quyết của Trung ương, nghe các đại biểu báo cáo tình hình tổ chức đảng, tổ chức quần chúng ở địa phương mình.
Hội nghị quyết định thành lập Tỉnh ủy lâm thời, đồng chí Nguyễn Trác được bầu giữ chức vụ Bí thư. Sau hội nghị, các đồng chí Tỉnh ủy phụ trách các phủ, huyện để giúp các địa phương phát triển thêm cơ sở đảng, mở rộng các hoạt động biến tướng, thành lập các Phủ ủy, Huyện ủy, chuyển phong trào đi lên.
Với vai trò Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Trác đã xuống tận cơ sở xây dựng phong trào cách mạng, phát triển đảng viên và thành lập tổ chức đảng.
Cùng với việc phát triển tổ chức đảng và đảng viên, đồng chí đã chỉ đạo thành lập nhiều tổ chức nghiệp đoàn, hội ái hữu ở Đà Nẵng, Hội An và một số địa phương khác lần lượt ra đời tập hợp anh chị em tham gia các phong trào đấu tranh công khai, dân chủ dưới sự lãnh đạo của Đảng, như Hội Ái hữu thợ may Đà Nẵng, Hội Ái hữu công nhân khuân vác các hãng buôn Đà Nẵng...
Thi hành chủ trương tiếp tục chống thuế của Xứ ủy lâm thời Trung Kỳ, Tháng 10/1938, đồng chí Nguyễn Trác chủ trì hội nghị Tỉnh ủy thống nhất hình thức làm đơn, lấy chữ ký rộng rãi ở các phủ, huyện gửi lên Viện Dân biểu Trung Kỳ để can thiệp.
Tại Điện Bàn, đồng chí Nguyễn Trác đã tham dự các cuộc mít tinh của quần chúng lên án dự án tăng thuế, nhưng cũng trong một cuộc họp, một số hào lý khi gặp Công sứ, Tổng đốc thì sợ sệt không dám lên tiếng đòi giảm thuế.
Thấy vậy, đồng chí đã đứng ra chất vấn tên Công sứ bằng tiếng Pháp, lên án việc tăng thuế làm hắn mất mặt. Sau sự kiện này, đồng chí Nguyễn Trác bị địch bắt giam ở nhà lao Hội An, rồi bị đày đi các nhà lao Quy Nhơn, Buôn Ma Thuột.
Giám đốc chính trị báo Dân
Sau khi thành lập lại, Xứ ủy Trung Kỳ khẩn trương cử người của mình và bí mật vận động một số dân biểu tiến bộ “trong nhóm xã hội” Viện Dân biểu Trung Kỳ đứng tên xin phép xuất bản tờ báo mới lấy tên là Dân.
Để giữ thế hợp pháp, báo Dân dùng danh nghĩa các nghị viên tiến bộ và những người hoạt động “trong nhóm xã hội” có tầm ảnh hưởng đến Viện Dân biểu Trung Kỳ. Dưới vỏ bọc “nhà báo” tự do ở Huế, đồng chí Nguyễn Trác được cử làm Giám đốc chính trị của báo Dân. Chủ nhiệm là Nguyễn Đan Quế; Thư ký, Quản lý kiêm Trị sự tòa soạn là Nguyễn Xuân Các.
Trên măng sét của báo chạy dòng chữ: Dân - “Cơ quan liên hiệp tất cả các lực lượng cấp tiến trong xứ”. Từ số 1 đến số 17 trên măng sét báo Dân ghi: Giám đốc chính trị (Directeur politique): Nguyễn Trác.
Theo nhà báo Dương Phước Thu - nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thừa Thiên Huế: “Báo Dân ra số đầu tiên vào ngày 6/7/1938, số lượng phát hành ban đầu là 5.000 tờ, có lúc lên tới 8.000 tờ một kỳ, phát hành trên cả nước, song nhiều nhất vẫn là xứ Trung Kỳ và ở Kinh đô Huế.
Nội dung các số báo vừa mang đậm tính chất đấu tranh cách mạng, truyền bá quan điểm và tư tưởng cộng sản, vừa gắn với thị trường, đáp ứng các nhu cầu đa dạng của bạn đọc. Lo sợ trước ảnh hưởng rộng lớn của báo Dân, thực dân Pháp và Nam triều tìm cách đối phó. Ngày 7/10/1938, chính quyền Nam triều và Bảo hộ lấy lý do áp đặt “đăng tin không thiệt” cấm xuất bản, đóng cửa tòa soạn, khi báo ra đến số 17. Nguyễn Đan Quế, Nguyễn Xuân Các bị bắt, còn Nguyễn Trác bị bắt tại quê nhà, hai tháng sau đó.
Với hơn 60 năm tận tụy cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, đồng chí Nguyễn Trác đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng các danh hiệu cao quý: Huy hiệu 50, 40 năm tuổi đảng; Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất và nhiều phần thưởng khác. Đặc biệt, với những đóng góp vô cùng to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, đồng chí Nguyễn Trác vinh dự là một trong 3 người con quê hương Quảng Nam - cùng với quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng và Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công - được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Sao Vàng, phần thưởng cao quý nhất của Nhà nước (truy tặng năm 2013).