Vận dụng chính sách bảo hiểm y tế, Quảng Nam chăm lo tốt sức khỏe nhân dân
Trong 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38 ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X về đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh, người dân đã được chăm lo sức khỏe tốt hơn từ chính sách này.
Chăm sóc sức khỏe nhân dân
Gia đình có người bị bệnh nan y, bà Nguyễn Thị Đ. (xã Tiên Lộc, Tiên Phước) nói rằng nếu không có chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) thì người nhà và cả gia đình sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Bà Đ. nói: “Mỗi lần khám và điều trị bệnh cho người thân, may mà có thẻ BHYT nên được chi trả phần lớn, dù chi phí cùng chi trả cũng rất nhiều nhưng đỡ gánh nặng hơn.
Chỉ có một việc là mỗi lần tái khám, điều trị theo đợt lại phải xin giấy giới thiệu từ tuyến huyện lên tỉnh rồi mới tiếp tục chuyển viện lên tuyến trên được nên hơi vất vả. Gần đây tôi nghe nói sẽ có quy định bỏ giấy chuyển tuyến đối với bệnh nhân bị bệnh ung thư, gia đình rất mừng, mong là sớm được thông qua”.
Thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đã đặt chỉ tiêu tỷ lệ dân số tham gia BHYT đến năm 2025 đạt 96% và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp về công tác y tế.
Đến tháng 9/2024, toàn tỉnh có 1.476.319 người tham gia BHYT là (đạt 99,11%). Đây là một con số “biết nói”, khẳng định tầm quan trọng của chính sách BHYT trong đời sống nhân dân. Số cơ sở khám chữa bệnh BHYT cũng tăng trong 15 năm qua: Giai đoạn 2009 - 2014 có 38 cơ sở; giai đoạn 2015 - 2019 tăng lên 41 cơ sở; giai đoạn 2020 - 2024 tăng lên 65 cơ sở.
Chất lượng các dịch vụ y tế được cải thiện, bảo đảm quyền lợi của người dân khi tham gia BHYT. Việc mở rộng phạm vi thanh toán đã mang đến nhiều lợi ích cho người tham gia BHYT, nhất là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em đều được chăm sóc sức khỏe thông qua Quỹ BHYT.
Ông Nguyễn Thanh Danh - Giám đốc BHXH tỉnh, cho biết: “Để có được kết quả tốt trong mở rộng diện bao phủ BHYT trong nhân dân, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp triển khai thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHYT; tuyên truyền Chỉ thị số 38 đảm bảo sâu rộng, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn.
Các đơn vị sử dụng lao động, người lao động nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của BHYT và lộ trình tiến tới BHYT toàn dân, hiểu rõ về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm trong thực hiện chính sách BHYT. Ngành y tế đã thực hiện công tác khám chữa bệnh BHYT cho nhân dân hiệu quả ngày càng cao nên nhân dân yên tâm, tin tưởng vào chính sách”.
Chính sách nhân văn, thiết thực
Quảng Nam có sự quan tâm đặc biệt đối với chính sách BHYT cho nhân dân, thể hiện cụ thể bằng các chính sách hỗ trợ đã ban hành. Có thể nhắc đến như HĐND tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ, khuyến khích người dân tham gia BHYT, nâng tỷ lệ bao phủ BHYT, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Một số nghị quyết chuyên đề, như Nghị quyết về mức hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện, BHYT cho cán bộ không chuyên trách xã, phường, thị trấn; BHYT tự nguyện cho cán bộ thôn, tổ dân phố; hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh; quy định mức giá dịch vụ khám chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc tỉnh; quy định mức trợ cấp ngày công lao động, hỗ trợ tiền ăn cho lực lượng dân quân khi thực hiện nhiệm vụ và chế độ BHYT cho lực lượng dân quân thường trực; quy định chính sách hỗ trợ BHYT đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025…
Chính sách BHYT cho nhân dân đang được bàn thảo tại diễn đàn Quốc hội. Ngành BHXH phối hợp với Bộ Y tế tham gia dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT với nhiều nội dung mở rộng, tăng quyền lợi nhằm đảm bảo tính an sinh bền vững từ chính sách BHYT. Hai bộ, ngành đã đề nghị cần bổ sung đối tượng là người dân các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ được ngân sách Nhà nước đóng BHYT.
Bổ sung đối tượng là người dân tộc thiểu số thoát khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 70% mức đóng BHYT, thời gian hỗ trợ 3 năm.
Đồng thời hai bộ, ngành cũng đề nghị nghiên cứu đưa một số đối tượng tham gia BHYT được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng và giao Chính phủ quy định mức, thời gian hỗ trợ, gồm đối tượng là nạn nhân bom mìn vật nổ sau chiến tranh, người thuộc hộ gia đình thoát nghèo, người cao tuổi từ đủ 65 tuổi trở lên đến dưới 75 tuổi.
Quyền lợi của người tham gia chính sách BHYT cần được đảm bảo tốt nhất, tạo thuận lợi nhất trong tiếp cận dịch vụ y tế, giảm các thủ tục hành chính, đồng thời tăng cường quản lý sử dụng hiệu quả quỹ khám chữa bệnh BHYT.
Bộ Y tế và ngành BHXH Việt Nam cũng đề nghị bổ sung vào Điều 31 dự thảo luật quy định các trường hợp thiếu thuốc, vật tư y tế do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng và không thể chuyển người bệnh đến cơ sở khám chữa bệnh khác, người bệnh phải tự mua theo chỉ định của thầy thuốc thì cơ sở khám chữa bệnh có trách nhiệm hoàn trả cho người bệnh số tiền đã mua thuốc, vật tư y tế trước khi người bệnh ra viện, tổng hợp thanh toán với cơ quan BHXH và chịu trách nhiệm về hồ sơ đề nghị thanh toán.
Cơ hội được hưởng mức lương hưu cao hơn từ quỹ hưu trí bổ sung
Luật BHXH năm 2024 (hiệu lực ngày 1/7/2025) bổ sung 1 chương quy định về bảo hiểm hưu trí bổ sung, trong đó quy định về đối tượng, nguyên tắc, quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung và chính sách của Nhà nước đối với bảo hiểm hưu trí bổ sung, tạo điều kiện cho người sử dụng lao động (LĐ) và người LĐ có thêm sự lựa chọn tham gia đóng góp để được hưởng mức lương hưu cao hơn.
Quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung là quỹ tài chính độc lập với ngân sách nhà nước; được hạch toán, kế toán, lập báo cáo tài chính, kiểm toán theo quy định của pháp luật về kế toán và pháp luật về kiểm toán. Nguồn hình thành quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung bao gồm đóng góp của người sử dụng LĐ, người LĐ và tiền sinh lời của hoạt động đầu tư của quỹ. Quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung được sử dụng để chi trả chế độ hưu trí bổ sung cho người LĐ, chi phí tổ chức và hoạt động quản lý.
Đối tượng tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung là người sử dụng LĐ và người LĐ. Chính sách của Nhà nước đối với bảo hiểm hưu trí bổ sung được Luật BHXH năm 2024 (Điều 127) quy định cụ thể gồm: Khuyến khích phát triển bảo hiểm hưu trí bổ sung thông qua các chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật về thuế; Hoàn thiện pháp luật và chính sách về bảo hiểm hưu trí bổ sung, tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung chuyên nghiệp, hiện đại, minh bạch; tạo điều kiện cho người sử dụng LĐ và người LĐ có thêm sự lựa chọn tham gia đóng góp để được hưởng mức lương hưu cao hơn.
Các nguyên tắc bảo hiểm hưu trí bổ sung là mức đóng bảo hiểm hưu trí bổ sung do người sử dụng LĐ và người LĐ tự nguyện thỏa thuận. Khoản đóng góp vào quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung được quản lý theo từng tài khoản hưu trí cá nhân. Hoạt động quản lý quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung thực hiện theo nguyên tắc công khai, minh bạch và phải bảo đảm đầu tư theo đúng quy định của pháp luật. Mức chi trả bảo hiểm hưu trí bổ sung được xác định trên cơ sở số dư tài khoản hưu trí cá nhân tại thời điểm chi trả, được tích lũy thông qua hoạt động đầu tư quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung theo nguyên tắc thị trường.(LÊ DIỄM)
Tiên Phước có hơn 34 nghìn lượt người khám chữa bệnh
bảo hiểm y tế
BHXH huyện Tiên Phước vừa phối hợp với Trung tâm Y tế (TTYT) huyện tổ chức đánh giá kết quả thực hiện Hợp đồng khám chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT). Kết quả KCB BHYT từ đầu năm 2024 đến hết tháng 9 trên địa bàn huyện là 34.796 lượt, giảm hơn so với cùng kỳ năm trước 5.616 lượt. Tổng số tiền đề nghị thanh toán của TTYT huyện hơn 9,4 tỷ đồng, tăng hơn 2,8 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Trên tinh thần trao đổi, BHXH và TTYT huyện đã thẳng thắn đánh giá, nhìn nhận những kết quả đã đạt được và phân tích những hạn chế đối với công tác KCB BHYT, chú trọng vào các nhóm vấn đề như đánh giá tình hình thực hiện dự toán, xác định nguyên nhân gia tăng chi phí; phân tích đánh giá các chỉ số tăng cao, bất thường; công tác giám định BHYT cũng như đảm bảo quyền lợi KCB BHYT cho người dân.(NHẬT LINH)