Nông nghiệp

Khi nông dân Quảng Nam chủ động chuyển đổi số

PHAN VINH - TẤN CHÂU 05/11/2024 09:40

(QNO) - Thời gian qua, nhiều hộ nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn Quảng Nam đã chủ động nghiên cứu và ứng dụng công nghệ số trong hoạt động sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, tăng tính cạnh tranh cho nông sản trên thị trường.

1(1).jpg
Khi nông dân chủ động ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số vào quy trình sản xuất thu lại nhiều kết quả ấn tượng. Ảnh: VINH CHÂU

Bắt nhịp kinh tế số

Năm 2017, gia đình bà Võ Thị Hằng (thôn Xuân Quê, xã Quế Long, Quế Sơn) đã mạnh dạn vay gần 1 tỷ đồng, cộng với số vốn tích lũy của gia đình đầu tư trồng 2ha cây tiêu xen với các cây ăn quả khác. Tiêu là loài khó trồng và việc tưới nước cho cây phải liên tục, tùy thuộc vào độ ẩm của đất và giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây. Vì vậy, bà Hằng đã đầu tư hệ thống tưới nước tự động có lắp đặt cảm biến IoT, tự động đo độ ẩm, nhiệt độ.

2(1).jpg
Vườn cây ăn quả nhà bà Hằng cho trái quanh năm nhờ hệ thống tưới nước tự động. Ảnh: VINH CHÂU

"Trước đây, khi tưới cho tiêu và các loại cây ăn quả khác phải tưới dầm, tốn kém rất nhiều. Nay lắp đặt hệ thống tưới tự động cảm biến tôi tiết kiệm được chi phí, trong khi đó, năng suất tiêu và cây ăn quả tăng lên rõ rệt, tổng thu nhập từ khu vườn đạt hơn 400 triệu đồng mỗi năm" - bà Hằng nói.

Còn đối với trang trại chăn nuôi gà sinh hoạt của Công ty TNHH Công nghệ cao gà Bình Minh (Duy Xuyên), lâu nay, đơn vị luôn gặp khó khăn về bảo vệ môi trường, thực hiện truy xuất nguồn gốc, xây dựng chuỗi liên kết... Từ thực tế này, năm 2023, Sở NN&PTNT tỉnh đã hỗ trợ cho công ty thực hiện các mô hình liên quan đến chuyển đổi số. Theo đó, ngành thú y tập trung hướng dẫn cho đơn vị này sử dụng và nhập dữ liệu vào phần mềm đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc, thực hiện các bước đánh giá sản phẩm trứng gà, thiết kế tem điện tử...

Toàn cảnh trại gà Bình Minh được đầu tư công nghệ cao
Toàn cảnh trại gà Bình Minh được đầu tư công nghệ cao. Ảnh: VINH CHÂU

Ông Đặng Công Tới - Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ cao gà Bình Minh cho biết, đơn vị đã đầu tư trang thiết bị hiện đại, thực hiện các bước tự động hóa ghi chép, công khai các số liệu từ đầu vào thức ăn chăn nuôi đến đầu ra cho sản phẩm trứng. Số hoá công tác quản lý và vận hành đã mang lại hiệu quả tốt hơn cho doanh nghiệp và người tiêu dùng có cơ hội sử dụng sản phẩm nông nghiệp an toàn.

Trang trại chăn nuôi gà Bình Minh đang nuôi 60.000 con gà đẻ trong nhà lạnh khép kín, nhiệt độ trong trang trại luôn được làm mát phù hợp với đặc điểm sinh lý của vật nuôi. Mỗi ngày trang trại thu khoảng 54.000 quả trứng cung cấp ổn định cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

[VIDEO] - Ông Đặng Công Tới chia sẻ về hiệu quả khi ứng dụng chuyển đổi số vào trang trại:

"Hiệu quả của việc chuyển đổi số là tôi không cần phải ở trang trại vẫn biết được tất cả thông số kỹ thuật về độ ẩm, nhiệt độ, thức ăn, nguồn nước... Đặc biệt, khách hàng chỉ cần quét mã QR trên sản phẩm là có được tất cả thông tin về quá trình sản xuất, vì vậy mà khách hàng sẽ yên tâm hơn, tin tưởng vào chúng tôi nhiều hơn"

Ông Đặng Công Tới - Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ cao gà Bình Minh

Nhiều cơ chế hỗ trợ

Theo ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đặt mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất để tăng năng suất, tạo sản phẩm chất lượng cao, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế. Quảng Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, doanh nghiệp và hộ kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp chuyển dần sang phát triển kinh tế nông nghiệp công nghệ cao.

3.jpg
Việc thiết lập cơ sở dữ liệu về mã vùng trồng có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế số. Ảnh: VINH CHÂU

Từ các gói hỗ trợ vay vốn lãi suất ưu đãi, nhiều nông dân, HTX và doanh nghiệp ở lĩnh vực nông nghiệp đã khôi phục và phát triển các mô hình kinh tế vườn, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất. Từ năm 2021 đến nay, ngành nông nghiệp đã tập trung hỗ trợ các xã xây dựng nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu, hỗ trợ người dân và các HTX thực hiện thí điểm chuyển đổi số trong sản xuất, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ nông sản chủ lực.

Và quan trọng hơn hết, ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp thì người hưởng lợi đầu tiên là nông dân nên họ phải chủ động, các chương trình mục tiêu hay sự hỗ trợ của chính quyền chỉ mang tính thúc đẩy, định hướng để Quảng Nam có một nền nông nghiệp phát triển bền vững hơn mà thôi.

Ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam.

Đồng thời, hỗ trợ kinh phí để phát triển sản phẩm OCOP cho các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất theo hướng xây dựng chuỗi giá trị nông sản chủ lực ứng dụng công nghệ số và thương mại điện tử. Năm 2024, Sở NN&PTNT Quảng Nam triển khai phương án xây dựng mã vùng trồng, cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn dịch bệnh động vật chăn nuôi, thủy sản theo hướng số hóa dữ liệu trên nền tảng số.

4.jpg
Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã có nhiều hỗ trợ cho nông dân trong việc chuyển đổi số. Ảnh: VINH CHÂU

Ngành đưa vào vận hành hiệu quả các cơ dữ liệu, phần mềm phục vụ công tác quản lý. Trong đó, cơ sở dữ liệu chuyên ngành nông nghiệp thực hiện chức năng quản lý, giám sát các lĩnh vực: trồng trọt và bảo vệ thực vật; chăn nuôi và thú y; thủy sản và quản lý tàu cá; quản lý chất lượng nông lâm thủy sản.

[VIDEO] - Ông Trương Xuân Tý chia sẻ về những điểm cần lưu ý khi thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp:

"Hiện nay, bộ tiêu chí mới về chương trình nông thôn mới rất quan tâm đến phát triển kinh tế số. Do đó, các xã xây dựng nông thôn mới nâng cao phải thực hiện ứng dụng chuyển đổi số trong việc truy xuất nguồn gốc của nông sản.

Vì vậy, thời gian qua, Sở NN&PTNT cũng trực tiếp làm việc với từng địa phương, HTX để họ biết được nên thực hiện những nội dung gì. Cụ thể, phải xây dựng vùng nguyên liệu gắn với mã số vùng trồng, tổ chức sản phẩm đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn, cuối cùng phải nâng cao tính liên kết để phát triển chuỗi giá trị từ vùng trồng" - ông Tý nói

PHAN VINH - TẤN CHÂU