Thế giới

Cơ sở thí nghiệm sản xuất mRNA đầu tiên tại châu Á

QUỐC HƯNG 05/11/2024 18:12

(QNO) - Ngày 4/11, Singapore khai trương phòng thí nghiệm sản xuất mRNA đầu tiên tại châu Á - NATi mRNA BioFoundry, mở đường cho việc chuẩn bị ứng phó với đại dịch và sản xuất liệu pháp axit nucleic (NAT).

singapore.jpg
Phòng thí nghiệm NATi mRNA BioFoundry tại Singapore. Ảnh: S.T

Phòng thí nghiệm sản xuất mRNA tiên tiến NATi mRNA BioFoundry có thể nhanh chóng sản xuất vật liệu cho nghiên cứu tiền lâm sàng hoặc trên động vật để sản xuất vắc xin ứng phó với các đại dịch trong tương lai, hoặc thuốc chống ung thư và các bệnh khác.

NAT là lĩnh vực y học mới nổi sử dụng các axit nucleic như DNA và RNA để điều trị nhiều loại bệnh gồm ung thư và nhiễm trùng do vi rút. Vắc xin COVID-19 dựa trên công nghệ mRNA ra đời trong vòng vài tháng sau đại dịch là một ví dụ về NAT.

"Đây là bước đầu tiên quan trọng hướng tới việc hiện thực hóa các liệu pháp RNA sản xuất ngay tại Singapore, góp phần đưa Singapore trở thành trung tâm hàng đầu về đổi mới y sinh học" - Bộ trưởng thứ hai Bộ Công Thương Singapore Tan See Leng cho biết.

Cơ sở mRNA trang bị hai máy tiên tiến - một để tạo RNA và một để đóng gói RNA, giúp phòng thí nghiệm có thể sản xuất tới 5g RNA tinh khiết, đủ để tạo ra khoảng 100 nghìn liều vắc xin mỗi ngày. Trước đây, phòng thí nghiệm với thiết bị chưa cải tiến phải mất 1,5 tháng để tạo ra lượng vắc xin đó.

Phòng thí nghiệm NATi mRNA BioFoundry bắt đầu nghiên cứu các mẫu RNA tiền lâm sàng để phát triển vắc xin mRNA chống lại các đợt bùng phát cúm gồm chủng cúm gia cầm H5N1.

s.jpg
Tiến sĩ Koh Boon Tong kỳ vọng Singapore phát triển mạnh mẽ lĩnh vực chăm sóc sức khỏe với sự ra đời của phòng thí nghiệm sản xuất mRNA đầu tiên tại châu Á. Ảnh: Mrnamedicines

Các nhà nghiên cứu cũng có thể sử dụng nền tảng công nghệ mRNA tạo ra các vật liệu tiền lâm sàng chất lượng cao để thử nghiệm thuốc mRNA không chỉ đối với bệnh ung thư mà còn các bệnh nhiễm trùng mắt, bệnh tim mạch...

NATi mRNA BioFoundry là một phần của chương trình NATi trị giá 97 triệu USD của Singapore với sự hợp tác giữa NATi, A*Star và Wellcome Leap - tổ chức phi lợi nhuận do Quỹ Wellcome Trust (một trong những nhà tài trợ khoa học phi chính phủ lớn nhất thế giới) có trụ sở tại Vương quốc Anh thành lập nhằm thúc đẩy các sáng kiến ​​có lợi cho sức khỏe toàn cầu.

Tiến sĩ Koh Boon Tong - Giám đốc điều hành BTI và NATi của A*Star cho hay, việc áp dụng các quy trình tự động cho phép mở rộng quy mô sản xuất mRNA nhanh chóng, đảm bảo nguồn cung ổn định cho nghiên cứu tiền lâm sàng và thử nghiệm lâm sàng.

"Cơ sở này cho phép chúng tôi nghĩ đến việc có nguồn cung cấp vắc xin mRNA tại Singapore, thay vì nhập khẩu" - Tiến sĩ Koh Boon Tong nói.

Ngoài ra, Tiến sĩ Koh kỳ vọng việc khai trương phòng thí nghiệm sản xuất mRNA đầu tiên tại châu Á giúp thu hút các cơ hội nghiên cứu mới và thúc đẩy năng lực của Singapore trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, sản xuất sinh học.

QUỐC HƯNG