Văn hóa - Văn nghệ

Những cô gái tuổi hoa và “thời gian đã mất”

HỨA XUYÊN HUỲNH 06/11/2024 13:38

(VHQN) - Lược sử các ngôi trường nữ miền Trung cũng là dòng chảy ký ức của “những cô gái tuổi hoa” - mượn một tựa truyện của nhà văn Marcel Proust trong bộ “Đi tìm thời gian đã mất”. Thời gian càng lùi xa, trường xưa càng mất dấu thì “kỷ niệm cuộc đời” càng thêm cồn cào…

“Thánh địa của trinh nữ”

2-hxh.jpg
Ký ức, tâm tư về Trường Nữ trung học Quảng Tín gửi gắm nhiều trong những cuốn đặc san “Còn mãi trường xưa”. Ảnh: H.X.H

Gần 200 mẩu hồi ức dồn nén tâm tư trong 3 đặc san “Còn mãi trường xưa” xuất bản cách nhau đúng 5 năm, bắt đầu từ năm 2014. Đây cũng là thời điểm Trường Nữ trung học Quảng Tín chẵn 50 năm thành lập. Chỉ tồn tại trong vòng 11 năm, kéo dài đến năm 1975, nhưng tựa của các cuốn đặc san lại như muốn níu giữ trường xưa đến vô tận…

Thuở ấy, ở Tam Kỳ có trường nữ riêng, nam riêng. Trường Nữ trung học Quảng Tín xây bên đường Nguyễn Du, quy mô cứ lớn dần. Từ năm 1975, Trường Nữ trung học Quảng Tín sáp nhập với Trường Trần Cao Vân, lấy tên Trường cấp 3 Trần Cao Vân, đặt cơ sở ngay tại trường nữ cũ.

Trong hồi ức của bà Nguyễn Thị Hường, cựu hiệu trưởng giai đoạn 1972-1975, nữ sinh ngày ấy thật dễ thương và xinh đẹp. “Những giờ tan học, từng đoàn nữ sinh mặc áo dài trắng tung bay tỏa về các ngả đường xuống chợ Mai, chợ Chiều, ngã ba Nam Ngãi” - bà Hường viết trong đặc san dịp 50 năm. Một cựu nữ sinh khóa 1964-1972 cũng nhớ về ngôi trường con gái qua hình ảnh lãng mạn: Mỗi chiều tan trường, con đường Nguyễn Du từ cổng ra đến phố trắng lóa một màu…

Trong dòng hồi ức của cựu nữ sinh Trường Nữ trung học Quảng Tín, nỗi nhớ thương ngôi trường mất dấu ngày một đầy thêm. Những tâm tư thầm kín của nữ sinh. Tiếc nuối thầy bạn rời xa. Nơi chốn bình yên khuất lấp theo dòng thời gian…

“Học trường nữ thật vui vì chúng tôi sống ở “vương quốc” thiên thần áo trắng, được trang bị kỹ năng làm “nội tướng” trong tương lai (…) Mỗi ngày một ít, các thầy cô đã vẽ dáng hình ngày mai cho chúng tôi vững bước vào đời”, cựu nữ sinh Hồ Thị Nguyệt Thanh (khóa 1968-1972) suy tư về miền ký ức xanh. Cô Nguyệt Thanh sau này cũng theo nghề giáo, và chính là người biên tập cho cả 3 cuốn đặc san “Còn mãi trường xưa”.

Hội An cũng có một “miền nhớ” như thế. Trường Nữ trung học Hội An hình thành năm 1966, giải thể năm 1975 nhưng kịp đọng lại quá nhiều nỗi nhớ.

“Từ ngày phân hiệu Nữ Trung học đệ nhị cấp chuyển cư về số 13 Trần Hưng Đạo, ngôi trường xôn xao, rạng rỡ hẳn lên. Nữ sinh lớp 10, 11, 12 vô tư, nhởn nha, lượn lờ sớm chiều điểm trắng màu trời phố thị đang ì ầm đại bác chiến tranh vọng về.

Mặc kệ các chàng trai si tình, quyến luyến, chực chờ, các nàng cứ lạnh lùng, kiêu hãnh búng yêu một ánh mắt “hãy đợi đấy”, vì đây là thánh địa của trinh nữ”, trích một đoạn hồi ức in trong đặc san “Miền nhớ” của Trường Nữ trung học Hội An.

1-hxh.jpg
Nữ sinh ngang qua trường cổng trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng). Khối nhà màu xanh góc phải ảnh là trụ sở Đại học Đà Nẵng, dựng trên khuôn viên Trường Nữ trung học Hồng Đức ngày xưa. Ảnh: H.X.H

Hồi ức cặp kè

“11/12/1967. Thành lập trường Nữ Trung học. Trường trung học dành cho nữ sinh đầu tiên tại Đà Nẵng”. Nhà nghiên cứu Lê Minh Quốc có đoạn rất ngắn như thế trong cuốn “Người Quảng Nam” khi liệt kê niên biểu đến năm 2010. Tại một công trình nghiên cứu khác về giáo dục phổ thông ở Đà Nẵng giai đoạn 1954-1975, cột ghi chú hiện trạng ngôi trường cũng chỉ vỏn vẹn 2 chữ: “không còn”.

Ngôi trường nữ ấy, Trường Nữ trung học Hồng Đức, chọn niên hiệu vua Lê Thánh Tông để đặt tên, từng tọa lạc ở góc đường Thống Nhất cũ (nay là Lê Duẩn) và Lê Lợi. Trường khai giảng khóa đầu tiên năm 1963 với những học sinh nữ chuyển từ Trường THPT Phan Châu Trinh sang.

Năm 1975, trường giải thể, nữ sinh trường Hồng Đức lại chuyển về trường Phan Châu Trinh. Trên khu đất cũ của trường nữ Hồng Đức, nay đặt trụ sở Đại học Đà Nẵng, và ngăn cách với Trường THPT Phan Châu Trinh bây giờ bởi một con đường: đường Lê Duẩn. Chỉ chừng đó thôi, cũng đủ để những con đường “cây dài bóng mát” như Quang Trung, Thống Nhất (đường Lê Duẩn ngày nay) trở thành con đường tình yêu của học trò Đà Nẵng thuở trước...

Trường nữ ở Việt Nam được nhắc đến từ năm 1917, khi Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut ký nghị định ban hành quy chế chung về ngành giáo dục ở Đông Dương, dẫn theo “Việt Nam những sự kiện lịch sử (1858-1918)” của Viện Sử học.

Quy chế nêu rõ, tại mỗi xã có thể mở ít nhất một trường công bậc tiểu học Pháp - Việt, tại mỗi tỉnh lỵ có thể mở ít nhất một trường công bậc tiểu học cho con gái. Nếu chưa mở riêng trường con trai và con gái thì có thể dạy chung tại một trường, nhưng phải tổ chức cho học riêng.

Năm 1917 ghi dấu mốc của trường Đồng Khánh, ngôi trường nữ đầu tiên dành cho nữ sinh Trung Kỳ bấy giờ. Trong chương 2 cuốn “Tuấn, chàng trai nước Việt”, nhà văn Nguyễn Vỹ viết: “Cũng năm 1917 mở thêm trường Cao đẳng Tiểu học Đồng Khánh, riêng cho con gái”.

Thực ra, đối chiếu kỹ, tháng 7/1917 mới đặt viên đá đầu tiên, phải gần 2 năm sau ngôi trường mới khánh thành… Thế rồi, theo thời gian, ngôi trường nữ danh tiếng này nhiều lần “thay tên đổi họ”, đổi cả mô hình từ sau năm 1975, hiện mang tên Trường THPT Hai Bà Trưng.

Hai trường nam, trường nữ ở cố đô Huế cũng được xếp cạnh nhau, chỉ cách nhau một con đường khiến nhà văn Nguyễn Vỹ dùng chữ “cặp kè”. “Trường Collège Quốc học Huế, và đứng cặp kè ngay một bên, nhưng yêu kiều duyên dáng hơn, là trường Nữ Trung học Collège Đồng Khánh, là hai lò hun đúc các lớp thanh niên nam nữ học sinh hăng hái nhất ở Trung kỳ - có thể nói là khắp ba kỳ. Học sinh ở đó hầu hết là quê quán ở Thanh, Nghệ, Tĩnh, và Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi” (Nguyễn Vỹ, sđd).

“…Cô đi về đâu sau buổi học rồi/ Tôi mơ một bóng khi về đơn côi/ Áo dài dáng đẹp tóc còn buông lơi/ Ghi một kỷ niệm cuộc đời trong tôi”. Nhạc sĩ Thu Hồ từng nói hộ nỗi lòng những chàng trai mỗi khi nhớ về hình dáng cô nữ sinh Đồng Khánh.

Ấy cũng là “kỷ niệm cuộc đời” của nhiều thế hệ học trò trường nữ ở miền Trung, trên hành trình đi tìm thời gian đã mất...

HỨA XUYÊN HUỲNH