Đạo diễn Nguyễn Thị Thắm: “Tôi chỉ quan tâm đến con người”
(VHQN) - Bộ phim tài liệu thể thao “Bóng đá nữ Việt Nam, chuyện lần đầu kể” của đạo diễn Nguyễn Thị Thắm vừa phát hành tại các rạp chiếu trên toàn quốc từ NGÀY 18/10.
Bộ phim bắt đầu bấm máy năm 2022. Từ đôi chân trần trên mọi vùng quê Việt Nam, những cô gái của đội tuyển nữ từng bước giành được tấm vé lịch sử bước vào đấu trường danh giá FIFA World Cup.
Những người phụ nữ chơi bóng theo cách của họ
* Chào đạo diễn Nguyễn Thị Thắm, chúc mừng chị với bộ phim mới “Bóng đá nữ Việt Nam, chuyện lần đầu kể”. Hai năm theo đuổi để hoàn thành bộ phim tài liệu này, khi xem lại những cảnh cuối cùng trước khi dòng chữ generic hiện lên màn hình, chị có cảm thấy hài lòng?
Nguyễn Thị Thắm: Trong phim có câu nói của một nhân vật: “Tôi cảm thấy tự hào vì đã có mặt ở đây, hành trình của đội tuyển để đến được World Cup là xứng đáng để tự hào”. Đó cũng là cảm giác của tôi với bộ phim này.
Cũng như đội tuyển bóng đá nữ đã đến được với World Cup, thắng hay thua không còn quan trọng. Với tôi, bộ phim này thắng hay thua, hay hay dở thì đi được đến rạp là một sự tự hào. Bởi trong hành trình làm phim hai năm qua, chưa bao giờ tôi trải qua những chuyện như thế.
Mặc dù đã có nhiều kinh nghiệm trong nghề, nhưng với mỗi chặng đường, tôi đều phải xoay chuyển cách kể chuyện. Hành trình đó khiến tôi rất hài lòng, bởi vì tôi có được những trải nghiệm và những kinh nghiệm giá trị chưa từng có trong công việc sản xuất phim; trong việc hiểu rõ cách vận hành của thị trường phim ảnh hiện tại.
* Một nhà làm phim nữ làm phim về đội bóng nữ, điều gì thu hút chị trong câu chuyện này?
Nguyễn Thị Thắm: Khán giả xem đây là một bộ phim thể thao, nhưng với tôi, thể thao chỉ là cái nền để làm nổi bật những tố chất của người phụ nữ Việt Nam. Dù các nữ cầu thủ chơi một môn thể thao vận động rất mạnh như đàn ông, nhưng cách quay của tôi là làm sao để vẫn thấy được nữ tính của họ, vẫn thấy những người phụ nữ đá bóng, chứ không phải hùng hục như đàn ông.
Lúc chưa được gặp trực tiếp các nhân vật, tất cả khảo sát của tôi đều là qua báo chí, và xem các tư liệu video những cuộc phỏng vấn họ, thì hầu hết tôi thấy báo chí hay so sánh bóng đá nữ với bóng đá nam. Và ngay từ đầu tôi đã triệt tiêu điều đó.
Bản thân tôi cũng đang làm một nghề đặc biệt, và chưa bao giờ tôi so sánh mình với những đồng nghiệp nam khác, bởi vì với tôi tất cả đều đá trên cùng một sân. Nhưng phái yếu thì có cách chơi của phái yếu.
Trong phim này chúng tôi cho thấy những người phụ nữ chơi bóng theo cách của họ. Khi xác định như vậy, đó là câu đầu tiên tôi viết ra trong những ghi chép của mình: “Sẽ không có một chút so sánh nào giữa nam và nữ. Đây là một thứ mà chúng tôi đã chọn và khi đã chọn thì chúng tôi sẽ chơi theo cách của chúng tôi”.
Mọi thứ được xây dựng xung quanh con người
* Từ bộ phim trước “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng”, có lần chị từng nói: “Tôi nhìn con người theo cách phi giới tính”. Có phải cách nhìn đó dẫn dắt chị đến với đề tài này?
Nguyễn Thị Thắm: Tôi nhìn nữ quyền ở khía cạnh không phải kiểu công việc nào dành cho đàn ông, công việc nào dành cho đàn bà, mà là công việc đó mình có làm tốt được hay không, làm tốt ở khía cạnh nào và có hết khả năng hay không.
Đó là cách tôi nhìn cuộc sống này từ khi tôi lớn lên, và nó đi vào trong những bộ phim của tôi. Ví dụ như với “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng”, mọi người cứ nghĩ là về chủ đề đồng tính và chuyển giới - LGBT, nhưng tôi không bao giờ nhìn họ là LGBT cả.
Tôi nhìn họ như những người phụ nữ, mà thật ra tôi cũng không quan tâm họ là nữ hay nam. Tôi chỉ thấy họ đang vận hành cuộc đời mình, cộng đồng mình bằng hết khả năng để tồn tại trong cuộc sống, thì cuộc đời tôi cũng vậy, và với bộ phim này cũng vậy.
Khi tôi làm một bộ phim tôi không quan tâm đến đề tài là gì đâu. Tôi chỉ quan tâm đến con người trong đó, mọi thứ đều được xây dựng quanh con người, quanh nhân vật.
Trong quá trình khảo sát tôi đọc về những nhân vật trải dài bao nhiêu năm của bóng đá Việt Nam, tôi nhìn ánh mắt họ, gương mặt họ và quan sát họ chơi trên sân, tôi cảm thấy bị thu hút. Tôi cảm nhận họ theo cách của mình.
Khi tôi chạy trên sân cùng với đội tuyển lúc chúng tôi quay ở Đức, tôi thấy như ê kíp của tôi là cầu thủ thứ 12 trên sân cỏ. Nó xóa nhòa ranh giới giữa nhà làm phim và nhân vật, muốn chia sẻ với nhau và coi nhau như một khối thống nhất.
* Những người làm phim tài liệu thường coi việc làm phim cũng là quá trình khám phá con người và cuộc sống. Nếu vậy thì chị khám phá được điều gì qua hai năm làm bộ phim này?
Nguyễn Thị Thắm: Tôi cảm thấy mình nhìn cuộc sống dịu dàng hơn. Và đơn giản hơn nữa. Vì khi tôi nhìn các cầu thủ trên sân, tôi thấy sự trong sáng hồn nhiên của họ. Mọi người nhìn thấy họ hy sinh, vất vả với nắng mưa và các chấn thương cũng như sự khắc nghiệt của môn thể thao này, nhưng với họ đó là công việc thường ngày. Tôi học điều đó từ họ.
Tôi đã chọn để kể một bộ phim chạm tới người xem một cách thuần khiết hơn, đó là đi từ những câu chuyện nhỏ của nhân vật để tạo nên tập thể một đội bóng.
* Điều gì là điểm chung nổi bật trong các câu chuyện nhỏ này?
Nguyễn Thị Thắm: Họ chịu thương chịu khó, đó là cái nổi bật. Mà phụ nữ Việt Nam trong bất cứ ngành nghề nào tôi cũng thấy cái tính chịu thương chịu khó này nó thật sự nổi bật. Kiên nhẫn, nhẫn nại, hết mình.
Chủ động nhịp phim theo cách kể của mình
* Chị đã có nhiều cảm xúc khi theo đuổi dự án này. Khán giả cũng đã được dõi theo từng câu chuyện nhỏ của các nữ cầu thủ, khi mỗi người kể về những niềm vui, nỗi buồn họ trải qua. Có cảm giác các nhân vật đã giữ những cảm xúc ấy rất sâu trong lòng trước khi kể ra với chị?
Nguyễn Thị Thắm: Những gì tôi đọc trên báo chí về các cầu thủ thì rất là drama (kịch tính). Hoàn cảnh của mỗi người đều khó khăn và con đường mà các bạn ấy đến với sân cỏ cũng rất gian nan.
Nhưng câu đầu tiên tôi nói với các bạn ấy tôi không phải là người thích nước mắt hay ôn nghèo kể khổ. Mình chọn thì mình phải chịu thôi, và mình sẽ nói chuyện với nhau một cách sòng phẳng như vậy. Các bạn ấy đã đồng ý.
Tôi không muốn khai thác nước mắt bởi vì động vào bất cứ cái gì các bạn ấy cũng rất dễ vỡ òa ra và tôi không thích điều đó. Vậy nên những giọt nước mắt trên phim khi xuất hiện thì cũng không dễ dàng tuôn ra mà là sự kìm nén. Chỉ có Huỳnh Như là tôi không thắng kịp. Tôi bị bất ngờ vì với tôi bạn ấy là một người rất cứng rắn. Nhưng được 10 phút thì bạn đã khóc rồi.
* Nhưng đây là một sản phẩm thương mại, có thể nước mắt cũng là một yếu tố đảm bảo điều đó?
Nguyễn Thị Thắm: Khi tôi đọc về đội tuyển, tôi thấy không còn gì mà báo chí chưa khai thác. Vậy thì mình phải làm bộ phim này như thế nào? Tôi rất tự tin về ngôn ngữ mà mình có trong tay, và tôi nắm rất rõ rằng mỗi hình thức truyền thông có cách thể hiện khác nhau, dù thông tin chỉ là một.
Còn đảm bảo tính thương mại hay không thì tôi không biết. Nhưng tôi đã chủ động trong cách kể của mình để cho nó một tiết tấu dễ xem hơn, đúng nhịp với thể thao, nhanh, nhưng tôi cũng không bỏ quên mình trong cách kể chuyện để dẫn người xem vào những cảm xúc lắng đọng.
* Xin cảm ơn đạo diễn Nguyễn Thị Thắm đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này! Chúc chị tiếp tục thành công trong những dự án phim tiếp theo.