Xã hội

Người khuyết tật ở Quảng Nam vươn lên từ "bệ đỡ" cộng đồng

BÍCH LIÊN 07/11/2024 07:24

Đối với người khuyết tật, việc tham gia lao động, sản xuất không chỉ tạo nguồn thu nuôi sống bản thân, giảm gánh nặng cho gia đình, xã hội mà còn là cơ hội hòa nhập cộng đồng.

NKT 5
Gian hàng hoa giấy sinh kế của phụ nữ khuyết tật huyện Duy Xuyên. Ảnh: BÍCH LIÊN

Hỗ trợ sinh kế

Quảng Nam hiện có 66.000 người khuyết tật (NKT), trong đó tỷ lệ NKT nặng chiếm phần lớn. Những năm qua, thông qua sự hỗ trợ của Trung ương, ngân sách địa phương, các tổ chức quốc tế, phi chính phủ, các nhà từ thiện và cộng đồng, NKT trên địa bàn tỉnh đã được hưởng trợ cấp kinh phí hằng tháng, hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm, nâng cao kiến thức, năng lực cho NKT.

Chị Phan Thị Thúy - Chủ nhiệm CLB Phụ nữ khuyết tật huyện Thăng Bình cho biết, CLB ra đời vào năm 2023, dưới sự quản lý, điều hành của Hội NKT huyện.

Khi chưa gia nhập CLB, nhiều phụ nữ khuyết tật vẫn còn mặc cảm nhưng đến nay đã có sự kết nối, sẻ chia. CLB còn tạo quỹ thăm hỏi đối với hội viên, trao phương tiện sinh kế.

Nhiều hội viên CLB được dạy nghề làm hoa giấy, làm kẹp tóc…, giúp chị em cải thiện thu nhập. “Các chị được dạy nghề làm dây cột tóc, nơ cột tóc, kẹp, hoa giấy, bước đầu sản phẩm rất đẹp, song việc tìm kiếm thị trường, đầu ra của sản phẩm còn khó khăn nên nguồn thu nhập chưa nhiều” - chị Thúy nói.

NKT 4
Gian hàng kẹp tóc, nơ cài tóc, dây cột tóc của phụ nữ khuyết tật huyện Thăng Bình. Ảnh: BÍCH LIÊN

Ông Trương Ngọc Bích - Chủ tịch Hội NKT huyện Thăng Bình chia sẻ, qua hơn 1 năm hoạt động, từ 27 hội viên ban đầu, CLB hiện có 45 hội viên… CLB vận động xây dựng mô hình nuôi heo đất, giúp hội viên khó khăn được mượn số tiền này để làm vốn buôn bán, chăn nuôi.

Ngoài chế độ hỗ trợ của Nhà nước là 360 nghìn đồng/hội viên/tháng, NKT huyện Thăng Bình còn được Hội LHPN huyện Thăng Bình, Tổ chức phi chính phủ CRS (Cứu trợ nhân đạo), ACDC (Hành động vì sự phát triển cộng đồng) hỗ trợ sinh kế nhưng nguồn lực hỗ trợ chưa nhiều, chưa đảm bảo để NKT có thể thoát nghèo.

Tổ làm hoa nghệ thuật và dây cột tóc do Tổ chức ACDC hỗ trợ dạy nghề có 7 phụ nữ khuyết tật tham gia. Tổ làm hương của Hội NKT xã Bình Giang được duy trì thường xuyên, có 8 lao động NKT tham gia, thu nhập bình quân hằng tháng từ 2 - 2,5 triệu đồng/lao động.

Năm 2023, từ nguồn hỗ trợ sinh kế 150 triệu đồng của Cục Bảo trợ, có 22 hộ NKT trên địa bàn huyện được nhận hỗ trợ sinh kế. Giai đoạn 2023 - 2024, Hội LHPN huyện cũng hỗ trợ sinh kế 14 phụ nữ khuyết tật với mức hỗ trợ 5 triệu đồng/người.

“Hội NKT huyện tiếp tục phối hợp thực hiện Dự án “Hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam” (Dự án Hòa nhập 1) của Tổ chức ACDC tài trợ tại 10 xã, góp phần vào công tác hỗ trợ sinh kế cho NKT…” - ông Bích nói.

NKT 3
NKT cần được hỗ trợ sinh kế để ổn định đời sống, phát triển bền vững. Ảnh: BÍCH LIÊN

Mở cơ hội hòa nhập

Theo ông Hứa Quốc Dũng - Chủ tịch Hội NKT Quảng Nam, thời gian qua, các tổ chức phi chính phủ đã có sự đồng hành rất lớn trong việc hỗ trợ sinh kế cho NKT.

Ví như, Tổ chức CRS đã xây dựng mô hình đào tạo nghề làm chổi đót cho NKT ở Đại Lộc; mô hình dạy nghề làm nhang, đèn cầy, làm hoa giấy cho NKT Thăng Bình…

Hay như, Tổ chức phi chính phủ VNAH (Trợ giúp NKT) cũng đã hỗ trợ bàn máy may, máy khâu, xe nước mía, quán cà phê nhỏ, mô hình xe lăn xe lắc hỗ trợ NKT bán vé số…

Ông Dũng cho biết, dù đã có sự hỗ trợ từ Nhà nước, các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng, song NKT Quảng Nam vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Số lượng lớn NKT chưa có nghề phù hợp để tạo thu nhập ổn định, một bộ phận nhỏ NKT còn mặc cảm, chưa hòa nhập với cộng đồng. Văn bản hỗ trợ đào tạo nghề cho NKT đã được Nhà nước ban hành, song để NKT tiếp cận cơ chế hỗ trợ vẫn còn khó...

NKT 6
Gian hàng sinh kế của NKT TP.Hội An với đa dạng sản phẩm như quần áo, khẩu trang, mũ, túi xách bằng vải. Ảnh: BÍCH LIÊN

“Dường như chúng ta đang bị động trong khâu hỗ trợ NKT học nghề cũng như tìm ra mô hình, cách thức tiếp cận để NKT được hỗ trợ sinh kế bền vững. Ngay cả việc đào tạo nguồn nhân lực hỗ trợ, dạy nghề cho NKT cũng chưa được tính đến” - ông Dũng nói.

Việc kết nối, giúp NKT tiêu thụ sản phẩm do chính tay mình làm ra cũng hết sức thiết thực. Ông Hứa Quốc Dũng dẫn chứng, với mô hình làm hoa giấy của CLB Phụ nữ khuyết tật huyện Duy Xuyên, rất cần sự chung tay hỗ trợ của cộng đồng trong việc tiêu thụ sản phẩm do NKT làm ra.

Đơn cử, mỗi lớp học mỗi năm chỉ cần tiêu thụ 1 bình hoa giấy, 1 cây chổi của NKT với giá vài chục nghìn đồng/sản phẩm, thì tương lai sẽ có nhiều NKT có nguồn sống ổn định để vươn lên trong xã hội.

Tin vui là Hội LHPN huyện Duy Xuyên đang kết nối, phối hợp với Phòng GD-ĐT huyện và CLB Phụ nữ khuyết tật huyện nhằm giúp NKT tiêu thụ hoa giấy, chổi đót. Hy vọng, từ sự kết nối này, cơ hội mở ra cho NKT...

BÍCH LIÊN