Giảm nghèo - An sinh

Những mô hình sinh kế hiệu quả

DIỄM LỆ 07/11/2024 09:00

Từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, nhiều mô hình hỗ trợ cây, con giống cho người dân sản xuất, xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm... giúp người dân phát triển kinh tế hiệu quả.

hươu sao 2
Mô hình nuôi hươu sao đang được huyện Đông Giang hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo chăn nuôi. Ảnh: D.L

Nuôi hươu sao ở Đông Giang

Từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), huyện Đông Giang đã lồng ghép vốn trong việc triển khai các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

Từ cuối năm 2023, huyện đã lập danh sách các hộ nghèo, cận nghèo có đủ điều kiện được trợ cấp con giống, vật nuôi để tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc cây trồng. Đầu năm 2024, UBND huyện Đông Giang tổ chức cho một số hộ dân đi thực tế, học hỏi kinh nghiệm nuôi hươu sao ở Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh).

Ông Alăng Ngơi (xã Ba, Đông Giang) được hỗ trợ giống hươu sao cho hay, gia đình ông thuộc diện khó khăn, được Nhà nước xét hỗ trợ 5 con hươu để tạo nguồn sinh kế.

“Trước khi được cấp 5 con hươu sao, tôi và nhiều hộ dân được học hỏi kỹ thuật nuôi, cách làm chuồng trại đảm bảo. Từ số tiền 30 triệu đồng dành dụm, vay mượn thêm, gia đình tôi đã làm chuồng nuôi hươu. Hiện nay, hươu phát triển ổn định, hy vọng đến cuối năm sẽ có đợt nhung đầu tiên” - ông Ngơi phấn khởi nói.

hươu sao 1
Người dân mạnh dạn tham gia vào mô hình chăn nuôi mới vì được hỗ trợ từ đầu vào tới đầu ra cho sản phẩm. Ảnh: D.L

Gia đình ông Nguyễn Văn Thư (50 tuổi, xã Ba) cũng được hỗ trợ hươu để chăn nuôi. Ông chia sẻ, ban đầu nghe nói được hỗ trợ hươu sao, cảm thấy lo lắng vì đây là mô hình mới.

Sau khi được học hỏi kinh nghiệm thực tế về cách nuôi, quy trình, quy cách lấy nhung hươu sao cho đúng, rồi có đơn vị bao mua nhung hươu theo liên kết nên ông mạnh dạn tham gia. Thức ăn của hươu dễ kiếm, lợi nhuận dự kiến khá cao nên gia đình ông Thư tin tưởng sẽ có thu nhập trong vài tháng tới.

Theo ông Phạm Kim Thông - Phó Chủ tịch UBND xã Ba, từ nguồn vốn các chương trình MTQG huyện giao, xã đã triển khai hỗ trợ sinh kế cho người dân. Nhận thấy mô hình nuôi hươu sao lấy nhung có nhiều triển vọng, huyện đã chọn để triển khai.

Ngoài mô hình hỗ trợ hươu sao, huyện Đông Giang cũng bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ heo giống sinh sản, hàng chục ngàn cây giống như cây chè, cây dược liệu, giống cây ăn trái… đã được cấp cho người dân.

Những mô hình này nhằm tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận khoa học - kỹ thuật, mạnh dạn đầu tư hình thành các gia trại chăn nuôi tập trung, mở rộng diện tích cây trồng theo phương thức an toàn sinh học, tạo nguồn giống tại địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Liên kết sản xuất

Huyện Hiệp Đức cũng đã đẩy mạnh triển khai các mô hình sản xuất cho người dân theo hướng tập trung, liên kết chuỗi giá trị. Vào giữa năm 2023, huyện phân bổ hàng chục tỷ đồng cho các xã, thị trấn thực hiện mô hình liên kết sản xuất theo dự án hỗ trợ sinh kế theo chuỗi giá trị cho người dân giai đoạn 2023 - 2025. Đây được xem là chiếc “cần câu” giúp nhiều hộ dân trên địa bàn phát triển kinh tế, sớm thoát nghèo.

cay an quả
Nhiều mô hình trồng cây ăn quả cũng được hỗ trợ phát triển ở các huyện miền núi.

Điển hình như tại xã Phước Trà, từ khi được phân bổ nguồn vốn, xã nhanh chóng triển khai đến hộ nghèo, cận nghèo. Sau khi UBND xã khảo sát, có 66 hộ đủ điều kiện đăng ký giảm nghèo bền vững, được lập danh sách đề nghị hỗ trợ sinh kế với hai mô hình là nuôi bò nái lai sinh sản kết hợp tiêu thụ bò thịt, nuôi heo đen bản địa. Sau khi danh sách được huyện Hiệp Đức phê duyệt, xã Phước Trà có 34 hộ dân đủ điều kiện được cấp bò lai sinh sản theo hai dự án.

Cụ thể, có 24 hộ được hỗ trợ theo Dự án 2 (đa dạng sinh kế - phát triển mô hình giảm nghèo), mỗi hộ được một cặp bò sinh sản; 10 hộ được hỗ trợ với tổng số 20 con bò nái lai sinh sản theo Tiểu dự án 1, Dự án 3 (hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp).

Ông Nguyễn Văn Đông - Chủ tịch UBND xã Phước Trà, cho hay các mô hình này đã góp phần tạo sự đa dạng trong việc phát triển kinh tế của người dân, đồng thời tạo nên chuỗi sản xuất liên kết, ổn định đầu ra.

“Vì mô hình chăn nuôi mới triển khai chưa thể thấy lợi nhuận, nhưng về lâu dài sẽ giúp người dân cải thiện thu nhập, ổn định hơn trong cuộc sống. Thông qua dự án liên kết này, người dân được tiếp cận với loại con giống mới, kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến, từ đó làm thay đổi cơ cấu giống con vật nuôi theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả” - ông Đông nói.

Các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực hỗ trợ thực hiện các dự án sinh kế, giảm nghèo, tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ; dạy nghề, hướng nghiệp, tạo việc làm… cho người dân.

Đặc biệt từ sự hỗ trợ của huyện, tỉnh giúp người dân liên kết phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề mới gắn với tiêu thụ sản phẩm, sự liên kết sản xuất của hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cộng đồng dân cư với hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ chức. Qua đó giúp người dân mạnh dạn thực hiện mô hình mới đạt hiệu quả kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Quảng Nam đề nghị Bộ Xây dựng bổ sung nguồn vốn ngân sách trung ương còn thiếu để thực hiện xóa nhà tạm

UBND tỉnh vừa có báo cáo gửi Bộ Xây dựng đề nghị xem xét, bổ sung nguồn vốn ngân sách trung ương thực hiện hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo về nhà ở trên địa bàn 6 huyện nghèo của tỉnh. UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn 6 huyện nghèo trên địa bàn tỉnh tại Quyết định số 1245/QĐ-UBND ngày 15/6/2023 (Đề án 1245).

Theo đề án, 6 huyện nghèo gồm Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang có tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo cần được hỗ trợ nhà ở là 8.179 hộ. Thời gian thực hiện từ năm 2023 - 2025 (năm 2023 hỗ trợ 1.348 hộ; năm 2024 hỗ trợ 3.871 hộ; năm 2025 hỗ trợ 2.960 hộ).

Tổng số vốn cần để thực hiện Đề án 1245 hơn 423 tỷ đồng (ngân sách trung ương hơn 282 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 42 tỷ đồng, vốn huy động là 98,8 tỷ đồng). Thực tế sau khi nguồn vốn trung ương được phân bổ trong 2 năm (2023, 2024) và dự kiến năm 2025, cùng với nguồn vốn điều chuyển theo Nghị quyết 111/2024/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, thì nguồn vốn trung ương phân bổ cho Quảng Nam còn thiếu hơn 36,3 tỷ đồng để thực hiện mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh.(D.LỆ)

Chăm lo đời sống đối tượng bảo trợ xã hội

HĐND tỉnh vừa thông Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 43 ngày 8/12/2021 Quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội (BTXH) và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh. Dự kiến tổng kinh phí thực hiện Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 43 là hơn 94,4 tỷ đồng/năm.

Kinh phí thực hiện Nghị quyết 43 trong 9 tháng đầu năm 2024 tính theo mức chuẩn trợ cấp xã hội 360 nghìn đồng/tháng và các chế độ tăng thêm cho đối tượng nuôi dưỡng, chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp xã hội là hơn 51,5 tỷ đồng. Kinh phí đã phân bổ thực hiện chính sách tại cộng đồng cho các đối tượng BTXH theo quy định; thực hiện nuôi dưỡng, chăm sóc 534 đối tượng tại các cơ sở trợ giúp xã hội trực thuộc Sở LĐ-TB&XH.

Sau gần 3 năm tổ chức thực hiện, Nghị quyết số 43 đã đáp ứng yêu cầu bức xúc của xã hội, cải thiện đáng kể đời sống vật chất, tinh thần cho một bộ phận nhân dân có hoàn cảnh khó khăn chưa được Chính phủ quy định để hưởng chính sách trợ giúp xã hội, đảm bảo nguyên tắc công bằng trong thực hiện chính sách xã hội.

Mặt khác, Nghị quyết số 43 quy định một số mức trợ giúp xã hội đối với các đối tượng BTXH được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các cơ sở trợ giúp xã hội cao hơn mức chuẩn Chính phủ quy định đã góp phần rất lớn trong việc thực hiện hiệu quả chính sách xã hội và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh thời gian qua, nhất là sau hậu quả nặng nề của đại dịch COVID-19.

Việc mở rộng một số đối tượng có hoàn cảnh khó khăn khác để hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng đã góp phần giải quyết một số khó khăn trong thực hiện các chính sách trợ giúp xã hội. Đồng thời góp phần hỗ trợ các đối tượng có thêm điều kiện khắc phục khó khăn, điều trị bệnh hiểm nghèo và tạo điểm tựa tinh thần quan trọng cho các đối tượng trong cuộc sống.(S.LINH)

DIỄM LỆ