Chính trị

Chấp hành quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính: Đẩy mạnh phân cấp, quy định rõ trách nhiệm

HÀN GIANG 07/11/2024 09:16

Ghi nhận những kết quả đạt được, Đoàn giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh cũng chỉ ra các tồn tại, hạn chế trong việc chấp hành quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính một số lĩnh vực trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2023. Trên cơ sở đó, đưa ra nhiều kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xử lý vi phạm.

anh tam ky
UBND TP.Tam Kỳ tổ chức cưỡng chế một trường hợp hộ dân xây dựng nhà trái phép tại phường An Phú (tháng 5/2022). Ảnh: N.Đ

Xử lý nhiều trường hợp vi phạm

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, tình hình vi phạm hành chính (VPHC) nói chung và trên 5 lĩnh vực: đất đai; môi trường; xây dựng; an ninh trật tự, an toàn xã hội và phòng, chống tệ nạn xã hội nói riêng trên địa bàn tỉnh gia tăng theo từng năm và diễn biến phức tạp.

Trong 3 năm qua (2021 - 2023), ở 5 lĩnh vực được giám sát, các địa phương, đơn vị đã phát hiện, xử lý nhiều trường hợp vi phạm. Các tổ chức, cá nhân bị xử phạt VPHC cơ bản chấp hành nghiêm quyết định xử phạt của cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là việc nộp tiền phạt.

Trong đó, tại 9 địa phương cấp huyện được giám sát đã thi hành xong 1.185 quyết định xử phạt VPHC của chủ tịch UBND cấp huyện (chiếm tỷ lệ 72%), với số tiền thu được 10,29 tỷ đồng. Tại 3 sở, ngành chuyên môn được giám sát đã thi hành xong 15.854 quyết định xử phạt VPHC (chiếm tỷ lệ 88,4%), với số tiền thu được hơn 7,95 tỷ đồng.

Kết quả xử phạt VPHC đã tác động tích cực, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân công dân; có tác dụng răn đe, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, theo Đoàn giám sát của HĐND tỉnh, công tác tổ chức thi hành quyết định xử phạt VPHC trong thực tiễn còn bất cập. Nhiều quyết định xử phạt VPHC tại Công an tỉnh, Sở TN-MT và 8 huyện, thị xã thành phố sau khi ban hành chưa được thực hiện xong.

Việc theo dõi, đôn đốc thi hành biện pháp khắc phục hậu quả, thi hành quyết định xử phạt VPHC chưa thường xuyên, còn bỏ ngỏ. Từ đó dẫn đến tỷ lệ thi hành quyết định xử phạt VPHC còn thấp, nhất là trong lĩnh vực đất đai.

Trong kỳ báo cáo, UBND TP.Tam Kỳ cho biết, trên lĩnh vực đất đai, Chủ tịch UBND thành phố đã ban hành 96 quyết định xử phạt VPHC, với số tiền phạt hơn 1 tỷ đồng. Mới thực hiện xong 39 quyết định xử phạt VPHC.

Tại thị xã Điện Bàn, trong 85 quyết định xử phạt VPHC trên lĩnh vực đất đai của Chủ tịch UBND thị xã, có 79 quyết định chưa thi hành khắc phục hậu quả.

Theo ông Trần Úc - Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, các quyết định xử phạt VPHC do UBND thị xã ban hành chưa được chấp hành, nhưng việc ban hành quyết định cưỡng chế đối với các trường hợp này đang gặp khó khăn, vướng mắc.

Trong đó, việc áp dụng biện pháp cưỡng chế phải được thực hiện theo thứ tự quy định tại khoản 2 Điều 86 Luật Xử lý VPHC. Chỉ áp dụng các biện pháp tiếp theo khi không thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế đó hoặc đã áp dụng nhưng chưa thu đủ số tiền bị cưỡng chế theo quyết định cưỡng chế.

Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Công Thanh, nhiều cơ quan, đơn vị chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo đảm thi hành quyết định xử phạt VPHC, nhất là biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC.

Đơn cử, tại Núi Thành không có trường hợp áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành quyết định cưỡng chế xử phạt VPHC. TP.Tam Kỳ có áp dụng biện pháp bảo đảm nhưng tỷ lệ còn thấp, như ở lĩnh vực đất đai đã ban hành 7 quyết định cưỡng chế, lĩnh vực xây dựng 4 quyết định cưỡng chế và chỉ tổ chức thành công 2 quyết định. Đối với Điện Bàn, đã ban hành 15 quyết định cưỡng chế lĩnh vực đất đai nhưng chưa tổ chức cưỡng chế trường hợp nào.

Tăng cường phối hợp, khắc phục hạn chế

Tại cuộc làm việc với Đoàn giám sát HĐND tỉnh, đại diện Sở TN-MT cho biết, trong kỳ đã ban hành và tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành 26 quyết định xử phạt VPHC. Tính đến thời điểm báo cáo, 23 tổ chức đã thi hành xong quyết định xử phạt VPHC, với tổng số tiền thu được gần 2 tỷ đồng.

Đoàn giám sát của HĐND tỉnh làm việc với các ngành.

Đối với các trường hợp chưa xử lý dứt điểm, theo bà Trịnh Thị Minh Hải - Phó Giám đốc Sở TN-MT, đang trong quá trình thực hiện các thủ tục để cưỡng chế, nhưng dự báo sẽ rất khó khăn. Cá nhân bị xử phạt không có khả năng tài chính để chấp hành nộp phạt, tổ chức bị xử phạt bị phá sản, giải thể gây khó khăn cho công tác cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC.

Như trường hợp của các ông T.V.M., T.C.T. bị Chủ tịch UBND tỉnh xử phạt VPHC năm 2021 đến nay vẫn chưa chấp hành nộp phạt. Trường hợp chủ thể bị xử phạt VPHC là cơ quan quản lý nhà nước rất khó thu hồi số tiền phạt vì cùng là nguồn ngân sách nhà nước và các cơ quan quản lý nhà nước cũng không có nguồn tiền để thực hiện việc nộp phạt. Cụ thể, trường hợp của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thị xã Điện Bàn bị Chủ tịch UBND tỉnh xử phạt năm 2023 đến nay chưa chấp hành nộp phạt…

Trong các kiến nghị đưa ra qua giám sát, đối với UBND tỉnh, Đoàn giám sát HĐND tỉnh đề nghị chỉ đạo các sở, ngành, UBND cấp huyện tổ chức rà soát phân loại, có giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thi hành các quyết định xử phạt VPHC đang còn thời hạn thi hành.

Tập trung các quyết định có số tiền phạt cao và hậu quả khó khắc phục, hạn chế đến mức thấp nhất các quyết định hết thời hiệu thi hành; báo cáo HĐND tỉnh kết quả tổ chức thi hành 45 quyết định mới thi hành một phần, 410 quyết định chưa thi hành tại kỳ họp thường lệ giữa năm 2025.

Đồng thời, đánh giá vai trò, trách nhiệm của người có thẩm quyền trong tổ chức thi hành quyết định xử phạt VPHC. Thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở đối tượng vi phạm thực hiện các quyết định xử phạt, chú trọng thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả.

Công khai danh sách cá nhân, đơn vị, địa phương chậm trễ thực hiện các quyết định cấp có thẩm quyền hoặc tái phạm nhiều lần trên cổng thông tin điện tử của sở, ngành, địa phương và Cổng dịch vụ công của tỉnh.

Thời gian tới, theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Xuân Vinh - Trưởng Đoàn giám sát, UBND tỉnh cần đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền trong quản lý nhà nước và giải quyết xử phạt VPHC.

Tăng cường công tác phối hợp; quy định rõ trách nhiệm, thực hiện tốt công tác phối hợp trong quy trình giải quyết hồ sơ xử phạt VPHC liên quan nhiều ngành, nhiều cấp trên địa bàn tỉnh; giữa các cơ quan chuyên môn cấp huyện với các xã, phường, thị trấn để khắc phục hạn chế trong công tác xử phạt VPHC.

HÀN GIANG