Quảng Nam thu hút nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài
(QNO) - Sáng nay 7/11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn chủ trì hội nghị đánh giá công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2022 - 2024, bàn bạc giải pháp thực hiện nhiệm vụ năm 2025.
Vượt chỉ tiêu xuất khẩu lao động
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn, mặc dù chịu sự tác động của tình hình thế giới và trong nước, công tác đưa người lao động (LĐ) đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2022 - 2024 của tỉnh đạt được những kết quả tích cực. Với sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, công tác đưa người LĐ đi làm việc ở nước ngoài được triển khai rộng rãi, thu hút được sự quan tâm tham gia của đông đảo người LĐ.
Bám sát chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, thực hiện chính sách hỗ trợ người LĐ đi làm việc ở nước ngoài.
Ngày càng có nhiều doanh nghiệp lớn, uy tín trong lĩnh vực đưa người LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lựa chọn Quảng Nam là địa bàn tiềm năng triển khai thực hiện các chương trình, dự án; tổ chức tư vấn, tuyển chọn và đưa người LĐ đi làm việc ở nước ngoài.
Nhiều thị trường mới được các doanh nghiệp tư vấn, giới thiệu và được người LĐ lựa chọn tham gia, tạo niềm tin và sự lan tỏa mạnh mẽ trong nhân dân về hiệu quả của công tác đưa người LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, tính đến ngày 26/10/2024, toàn tỉnh có 4.266 người LĐ đi làm việc ở nước ngoài (1.848 LĐ nữ); trong đó, năm 2024 có 1.416 LĐ đã ra nước ngoài làm việc (đạt tỷ lệ 108,9% kế hoạch năm). Các thị trường LĐ Quảng Nam tham gia đông như Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Đài Loan, Ả rập Xê út, Nga... Một số địa phương trong tỉnh có LĐ tham gia đi làm việc nhiều ở nước ngoài như Thăng Bình, Đại Lộc, Quế Sơn, Tiên Phước, Nam Trà My, Nam Giang.
Hiệu quả bền vững
Ông Nguyễn Quí Quý - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thông tin, giai đoạn 2022 - 2024, có 389 doanh nghiệp đưa người LĐ Quảng Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó, có các doanh nghiệp đưa đi được số lượng lớn người LĐ đi làm việc ở nước ngoài như Công ty TNHH Ê Su Hai, Công ty TNHH MTV Đầu tư thương mại và xây dựng Hải Phong, Công ty CP Thương mại dịch vụ Minh Thanh, Công ty CP Đầu tư Thuận An DMC, Công ty CP Thương mại và Hợp tác nhân lực TQC Quốc tế...
Các thị trường mà các công ty đưa người LĐ đến làm việc đều đáp ứng được các tiêu chí như: thu nhập ổn định, điều kiện làm việc được đảm bảo, đa số người LĐ có tích lũy vốn sau khi đi làm việc ở nước ngoài về nước. Đặc biệt, LĐ các huyện nghèo đã có được "bước đệm" quan trọng để thoát nghèo bền vững, như LĐ của huyện Nam Trà My làm việc thời vụ tại Hàn Quốc theo hình thức hợp tác giữa huyện Nam Trà My với quận Hamyang tỉnh Gyeongsongnam (Hàn Quốc), hay LĐ của huyện Nam Giang học tập tại nhà trường và đi làm việc tại Lào qua Trường Cao đẳng nghề THACO.
Theo ông Châu Văn Ngọ - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, giải quyết việc làm cho người LĐ đồng bào dân tộc thiểu số của huyện qua kênh tuyển sinh, tuyển dụng, đào tạo và đưa LĐ qua làm việc tại Lào của THACO được người LĐ hưởng ứng tích cực.
Ông Ngọ cho biết: "Đối với người trong độ tuổi LĐ hay bộ đội, công an xuất ngũ về chưa có việc làm đã được huyện tuyên truyền đăng ký học nghề kết hợp với đưa LĐ qua Lào làm việc theo chương trình liên kết đào tạo nghề của huyện với Trường Cao đẳng nghề THACO. Trước mỗi đợt tuyển sinh LĐ đi đào tạo nghề kết hợp qua làm việc trong nông trường của THACO ở Lào, UBND huyện tổ chức các điểm tư vấn giới thiệu việc làm, hướng nghiệp theo xã, cụm xã đến người LĐ tại các địa phương. Sau đó là đào tạo, tổ chức lễ xuất quân có sự tham gia của LĐ và gia đình LĐ, động viên để người dân yên tâm, tin tưởng vào chính sách của Nhà nước".
Từ năm 2022 đến nay, tổng số LĐ đã được Trường Cao đẳng nghề THACO tuyển sinh đi đào tạo, đưa sang làm việc tại Lào là 194 người. Tổng kinh phí huyện Nam Giang đã hỗ trợ cho LĐ nhóm này hơn 763 triệu đồng. Ngoài ra, tại Nam Giang có 61 LĐ đã đi làm việc tại Hàn Quốc, 6 LĐ đi làm việc tại Nhật Bản.
Được biết, lương cơ bản của người LĐ dao động từ 9-12 triệu đồng đối với người LĐ phổ thông, từ 12-15 triệu đồng đối với tổ trưởng (chưa tính thời gian làm thêm giờ). Nông trường THACO AGRI cũng tạo điều kiện cho người LĐ làm thêm nếu có nhu cầu tăng thu nhập vào những ngày nghỉ, ngày lễ. Nông trường bố trí chỗ ăn ở phù hợp với người LĐ, tạo sân chơi thể dục thể thao nhằm nâng cao sức khỏe và tinh thần cho người LĐ.
Sau 2 tháng làm việc thì LĐ được nghỉ 8 ngày để về thăm gia đình một là đi bằng phương tiện ô tô xe nông trường đưa đón hoặc đi bằng xe cá nhân từ Lào về Nam Giang.
"Nhờ có việc làm và có chỗ ở ổn định nên nhiều cặp vợ chồng trẻ đã hăng hái đi LĐ chung. Với điều kiện thuận lợi, việc làm phù hợp, mức lương ổn định đã tạo niềm tin cho người LĐ của địa phương, nhờ đó người LĐ đã tuyên truyền vận động bạn bè, người thân tham gia làm việc tại Lào ở một số xã tiêu biểu như Đắc Pre, La Dêê, Chơ Chun" - ông Ngọ thông tin thêm.
[VIDEO] - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị: