Vì sao phải chống lãng phí?
Câu chuyện chống tình trạng lãng phí gần đây lại được xới lên trên các diễn đàn, nhất là khi Tổng Bí thư Tô Lâm phát đi thông điệp trong bài “Chống lãng phí”.
Một sự nhận diện thực trạng được Tổng Bí thư chỉ ra là: “Lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển”.
Vậy lãng phí là gì, ở đâu, làm thế nào để phòng chống?
Lật từ điển tiếng Việt thông dụng thấy định nghĩa lãng phí là việc “làm tốn kém, hao tổn một cách vô ích”. Còn từ điển Hán Việt giải thích lãng phí là việc “làm một cách vô ích tiền tài, sức lực, thời gian”.
Người Anh có từ “waste”, với nghĩa lãng phí là việc “sử dụng thời gian, tiền bạc, năng lượng một cách coi thường hoặc vô bổ”. Chung quy lãng phí là làm hao tài tốn của, công sức, thời gian, vật chất… mà không đem lại hiệu quả, bất kể đó là việc công hay việc riêng.
Biểu hiện sự lãng phí có ở hầu hết lĩnh vực quản lý, quản trị nhà nước và xã hội, khắp các địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, và cả người dân. Bài này chỉ đề cập vài khía cạnh chuyện lãng phí trong quản trị công.
Lãng phí trong quản lý tài nguyên là dễ thấy, vì tràn lan. Chẳng hạn, bức xúc nhất là lãng phí trong quy hoạch, sử dụng đất. Mục tiêu quy hoạch đặt ra là toàn bộ dự án phải được khai thác hiệu quả đất đai nhưng nhiều dự án quy hoạch bị bỏ hoang, trong khi nông dân mất đất trồng trọt.
Bức xúc này khiến Tổng Bí thư Tô Lâm phải đặt vấn đề trên diễn đàn Quốc hội: “Dân hỏi đất vàng quý lắm, ra bao nhiêu tiền, nhưng sao để đứng yên như thế? Hàng chục năm vẫn thấy cỏ mọc, ai phải chịu trách nhiệm chứ, nhà nước, doanh nghiệp hay ai được cấp phải có trách nhiệm, tại sao không làm, không làm phải thu lại”.
Tình trạng này ở Quảng Nam có không? Có thể dẫn ngay ví dụ về các quy hoạch khu dân cư, khu đô thị mấy chục năm vẫn để hoang hóa dù đã hoàn thiện hạ tầng nhưng bị nạn “cò đất” đầu cơ; hoặc nhiều công trình, dự án xây dựng ì ạch mãi vẫn chưa xong.
Lãng phí tài sản công cũng thấy ở nhiều nơi. Đơn cử như chúng tôi đã từng có bài viết đề cập nguy cơ lãng phí khi không kịp thời thu hồi, khai thác các công sở bị bỏ không nhiều năm, nhưng xem ra công tác rà soát và xử lý còn khá chậm chạp.
Một sự lãng phí đã nói nhiều nhưng chưa thấy giải pháp khắc phục triệt để như chuyện họp hành và nạn loạn giấy tờ. Vì họp hành liên miên nên không ít thủ trưởng cơ quan, đơn vị chỉ làm “thợ họp” đã ngốn gần hết quỹ thời gian.
Rồi kêu gọi chuyển đổi số, xử lý công việc trên môi trường số, nhưng lượng văn bản giấy tờ báo cáo, công văn… gửi qua đường thư vẫn còn nhiều. Thủ tục giấy tờ, giấy phép con, các loại văn bản giải quyết cấp phép cho dự án đầu tư, hay xử lý đơn thư, kiến nghị của công dân còn khá rắc rối, phức tạp, gây phiền hà, lãng phí thời gian và công sức.
Rất nhiều dạng thức lãng phí, nếu liệt kê sẽ quá dài, khó đủ. Tuy nhiên nhận ra lãng phí ở đâu không quan trọng bằng việc chống lãng phí ở đó thế nào.
Nói về hành lang pháp lý để chống lãng phí có lẽ quá nhiều. Một đại biểu Quốc hội từng chỉ ra rằng hệ thống pháp luật liên quan việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí khá đồ sộ, gồm 179 luật, pháp lệnh, nghị quyết, 5.968 văn bản quy phạm pháp luật. Nhưng việc đưa các quy định pháp luật vào đời sống chưa hiệu quả nên giờ vẫn phải tiếp tục kêu gọi chống lãng phí.
Lãng phí ở đâu cần nhận diện rõ ràng, có địa chỉ cụ thể thì mới có chế tài xử lý. Pháp lý phải hoàn thiện, thông suốt; quản trị phải thông minh; phương án một, biện pháp mười, quyết tâm phải hai mươi, may ra mới đẩy lùi được tình trạng lãng phí.
Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhắc nhở rằng lãng phí là một thứ “giặc ở trong lòng” và: “Tham ô có hại nhưng lãng phí có khi còn hại nhiều hơn: Nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ biến...”.