Chính quyền - đoàn thể

Mặt trận Hiệp Đức và dấu ấn từ giám sát

TÂM ĐAN - MAI NHI 08/11/2024 09:52

Phát huy vai trò, nhiệm vụ được giao, Mặt trận Hiệp Đức và các tổ chức thành viên ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: PV
Huyện ủy Hiệp Đức vừa tổ chức hội nghị đánh giá kết quả công tác giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Ảnh: PV

Điển hình

Ông Nguyễn Tấn Hải - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hiệp Đức chia sẻ, nổi bật trong công tác giám sát thời gian qua là Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã thành lập 4 đoàn giám sát trực tiếp đối với đảng ủy các xã Quế Lưu, Phước Gia, Quế Thọ, Bình Lâm; đồng thời giám sát qua văn bản đối với đảng ủy 9 xã, thị trấn. Nội dung giám sát về công tác luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ, công chức cấp xã.

Qua giám sát, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện nhận thấy, cấp xã chưa chủ động tổ chức chuyển đổi vị trí công tác và đề xuất chuyển đổi vị trí công tác với huyện. Từ năm 2020 đến nay, tại từng thời điểm giám sát có 17 vị trí đã chuyển đổi. Còn 21 công chức thuộc diện thực hiện quy định chuyển đổi vị trí công tác nhưng đảng ủy cấp xã chưa chỉ đạo thực hiện.

Sau giám sát và kiến nghị bằng văn bản của Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, Phòng Nội vụ đã tham mưu UBND huyện quyết định thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức cấp xã. Trong đó đã chuyển đi địa phương khác trong huyện 15 công chức và chuyển đổi vị trí tại địa phương 6 công chức.

Trong 2 năm qua, MTTQ và tổ chức CT-XH các cấp trên địa bàn huyện đã tổ chức 109 cuộc giám sát với nhiều nội dung liên quan đến các lĩnh vực. Trong đó, cấp huyện tổ chức 22 cuộc giám sát chuyên đề và 10 cuộc giám sát qua văn bản; cấp xã tổ chức 87 cuộc giám sát chuyên đề với các nội dung liên quan đến các lĩnh vực.

Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hiệp Đức cho rằng, việc lựa chọn thành viên mời tham gia đoàn giám sát là một trong những yếu tố quyết định hiệu quả của hoạt động giám sát. Do đó, đối với từng nội dung cụ thể, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội khi tổ chức giám sát cần mời những chuyên gia, người có kinh nghiệm, hiểu biết ở lĩnh vực đó để tham gia đoàn giám sát.

Phát huy

Theo đánh giá của Huyện ủy Hiệp Đức, qua 2 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 18, ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư và Chỉ thị số 37, ngày 18/1/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH), công tác này từ huyện đến cơ sở tại Hiệp Đức đã dần đi vào nền nếp; nội dung, phương thức thực hiện ngày càng chặt chẽ, trọng tâm.

Bà Trần Thị Hằng - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy nhìn nhận, các cấp ủy đảng đã có sự quan tâm định hướng, theo dõi, đôn đốc, đồng thời chỉ đạo chính quyền, các cơ quan, đơn vị liên quan tạo điều kiện, phối hợp để MTTQ, các tổ chức CT-XH cùng cấp hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị quan trọng này. Các nội dung kiến nghị của MTTQ và các tổ chức CT-XH sau giám sát được cấp ủy, chính quyền tiếp thu giải trình, giải quyết, trả lời và chỉ đạo cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan có trách nhiệm giải quyết.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác giám sát của MTTQ và các tổ chức CT-XH ở Hiệp Đức còn những hạn chế như, việc chỉ đạo định hướng, xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát có lúc, có nơi còn chưa chủ động, kịp thời, trùng lắp về nội dung, đối tượng.

Chất lượng giám sát chưa cao, có nơi còn mang tính hình thức. Các kiến nghị, đề xuất sau giám sát chưa sâu, tính thuyết phục chưa cao; việc theo dõi, đôn đốc giải quyết kiến nghị chưa quyết liệt…

Bà Hằng nói, giám sát của MTTQ và các tổ chức CT-XH là nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Thời gian đến, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức CT-XH từ huyện đến cơ sở cần bám sát sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy triển khai công tác giám sát có trọng tâm, trọng điểm.

Trong đó, cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng trong việc phát huy vai trò giám sát của MTTQ Việt Nam và các tổ chức CT-XH; phát huy vai trò chủ động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức CT-XH các cấp...

Sau giám sát, MTTQ và các tổ chức CT-XH phải công khai, minh bạch kết quả; kịp thời kiến nghị đề xuất và theo đuổi đến cùng việc giải quyết các kiến nghị đề xuất. UBND các cấp có trách nhiệm trả lời, giải quyết ý kiến, kiến nghị sau giám sát; có biện pháp xử lý tổ chức, cá nhân không trả lời hoặc chậm trả lời kiến nghị của MTTQ và các tổ chức CT-XH, gây khó khăn, cản trở hoạt động giám sát, phản biện xã hội. Đồng thời chủ động đề xuất các công trình, dự án có tác động, ảnh hưởng đến các mặt đời sống của nhân để MTTQ và các tổ chức CT-XH giám sát, phản biện...

TÂM ĐAN - MAI NHI