Đôi tay lục tìm quá khứ
(VHQN) - Dường như phụ nữ làm khảo cổ học đã sẵn trong mình sự tỉ mỉ và cẩn thận, tính hợp tác cao lẫn học hỏi không ngừng. Đóng góp của họ trong việc nhận diện các di sản văn hóa không hề nhỏ...
Mỗi ngày tôi thường lướt qua mấy tờ báo quen thuộc. Sáng nay gặp một bài viết về khảo cổ học trên báo Quảng Nam, lướt nhanh xuống tìm tên tác giả, tôi nhận ra một đồng nghiệp trẻ là cán bộ nghiên cứu ở Bảo tàng tỉnh Quảng Nam.
Nghề đào bới
Nhanh thật, mới ngày nào em là cô sinh viên lớp cử nhân tài năng ở trường đại học, là người mẹ trẻ theo học nghiên cứu sinh, giờ là nữ tiến sĩ đang có nhiều đóng góp cho một vùng đất giàu có về di sản khảo cổ học.
Đọc bài viết của em những về di tích, di vật mới phát hiện, những nhận xét đánh giá khoa học nhưng chừng mực, giản dị, thích hợp với bạn đọc... tôi vui mừng vì sự trưởng thành nhanh chóng của em.
Em không là trường hợp cá biệt vì tôi may mắn được gặp gỡ, làm việc với nhiều đồng nghiệp nữ giỏi giang! Có chị là giáo sư - tiến sĩ nổi tiếng trong và ngoài nước, nhiều chị em là tiến sĩ, thạc sĩ ở viện nghiên cứu, trường đại học, các bảo tàng...
Khảo cổ học là một nghề ít phổ biến nhưng luôn hấp dẫn và lý thú. Tôi thường nhận được những câu hỏi muốn tìm hiểu về nghề khảo cổ. Người hỏi thường bắt đầu từ phát hiện khảo cổ mới và kết thúc bằng một câu hỏi đại khái là “nước mình có nhiều phụ nữ làm khảo cổ học không? Vì sao phụ nữ lại đi theo cái nghề… đào bới?”.
Những câu hỏi như thế luôn làm tôi suy nghĩ: Vì sao và từ khi nào chúng ta mặc định rằng, nghề này của nam giới còn nghề kia thì của phụ nữ? Và tại sao, phụ nữ thì không (nên/được) làm nghề khảo cổ?
Từ đầu thế kỷ 21 đến nay, kinh tế phát triển nhanh nên xã hội ưu tiên những ngành kinh tế, dịch vụ, kỹ thuật ứng dụng... Còn ngành xã hội nhân văn thường khó xin việc làm, lương thấp khó sống, khó lập gia đình, khó thăng tiến… nói chung là khó đủ thứ. Thậm chí, bạn trẻ nào muốn học những ngành này cũng… khó ăn khó nói với gia đình, với bạn bè.
Mặc dù có phong trào “hướng nghiệp” nhưng vẫn là hướng các bạn trẻ vào những nghề nghiệp có thu nhập cao. Ít gia đình quan tâm đến sở thích, sở trường cá nhân của con em mình, càng ít hướng con em vào ngành, nghề nghiên cứu cơ bản.
Khảo cổ cũng là một ngành không nhận được nhiều ưu ái của xã hội, do tính chất đặc thù của nghề. Vì làm nghề này không có gì ngoài đồng lương cơ bản và... lòng đam mê!
Tố chất nữ khảo cổ
So với những lĩnh vực nghiên cứu khác, khảo cổ học không chỉ làm việc trong phòng thí nghiệm hay trên máy tính. Thời gian thực sự lao động chân tay ở ngoài hiện trường nhiều hơn.
Nghề nào cũng cần có tố chất phù hợp. Với nghề khảo cổ, là những chuyến khảo sát, khai quật dài ngày, điều kiện làm việc vất vả, ở những nơi khó khăn thiếu thốn... Do đó các chị em luôn phải đối mặt với mọi điều kiện thời tiết mưa nắng nóng lạnh khó lường.
Trong mỗi chuyến đi, ở hiện trường khai quật di tích thì nam hay nữ đều làm việc như nhau. Chúng tôi cũng đào bới, cuốc xúc, chỉnh lý hiện vật phân loại mẫu vật, cũng nghiên cứu viết báo cáo khai quật, dự hội thảo khoa học báo cáo đề tài... Công việc luôn đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn thận, tính hợp tác cao, học hỏi không ngừng từ thầy, từ bạn, từ các đồng nghiệp.
Những chị em theo nghề khảo cổ dường như đã có sẵn trong mình những tố chất này. Trách nhiệm với nghề, trình độ chuyên môn vững vàng, các chị em là thành viên không thế thiếu của mỗi đợt công tác, mỗi công trình nghiên cứu.
Một số chị còn giữ vai trò chủ chốt trong cuộc khai quật, điều hành các đồng nghiệp một cách “cứng rắn” nhưng cũng lo toan chu đáo nơi ăn ngủ sinh hoạt cho mọi người. Các chị đã có những đóng góp quan trọng cho mỗi thành tựu của ngành khảo cổ. Ở Việt Nam, những di sản thế giới, di sản quốc gia có phần công sức lớn của ngành khảo cổ học, trong đó có đóng góp của nhiều đồng nghiệp nữ của tôi.
Yêu thích công việc, say mê những chuyến đi và những phát hiện mới nên chị em đã theo nghề luôn chấp nhận thử thách, khó khăn, vì đã xác định đó là “nghiệp” của mình. Để có thể theo đuổi nghề nghiệp, các chị em làm khảo cổ phải có sức khỏe tốt, dù tính cách quyết đoán trong công việc nhưng luôn vui vẻ với mọi người.
Và họ, vẫn là những phụ nữ làm tốt thiên chức người mẹ, người vợ trong gia đình của mình, vẫn là những phụ nữ tâm hồn lãng mạn và dịu dàng.
Nhà khảo cổ học được xem là một thám tử vì luôn thu thập dữ liệu và chứng cứ rồi đưa ra kết luận. Nữ khảo cổ lại càng “tinh vi” hơn - các đồng nghiệp nam hay nói đùa với chúng tôi như thế.
Trọn đời theo nghề
Nếu bạn nữ nào thích nghề khảo cổ thì cứ theo học đi, đây là một ngành học rất thú vị!
Thú vị vì được đi nhiều nơi, trải nghiệm nhiều. Ông bà ta đã dạy “đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Những nữ khảo cổ thường theo nghề trọn đời, vì càng làm càng có thêm tri thức mới, dày dạn kinh nghiệm để hướng dẫn học trò, đồng nghiệp trẻ.
Khó khăn vất vả là thế nhưng ngành khảo cổ luôn có sinh viên theo học, trong đó có nhiều sinh viên nữ! Các bạn cứ yên tâm, phụ nữ làm khảo cổ không ai lo lắng chuyện “ế”. Hầu như họ đều có gia đình hạnh phúc! Đừng nghĩ khảo cổ là lúc nào cũng bụi bặm xấu xí, các nữ khảo cổ vẫn rất nữ tính và luôn “điệu đàng” đúng nơi đúng lúc.
Nghề khảo cổ không phải là nghề hấp dẫn nhất, cũng không phải là công việc nhàn nhã hay kiếm được nhiều tiền. Mỗi nghề có sự hấp dẫn cũng như thách thức riêng, nếu thích thú thì cứ theo đuổi. Nếu phải chọn lựa để theo nghề khi gặp khó khăn cũng đừng cho rằng mình phải “hy sinh” vì nghề nghiệp.
Khi ta bất chấp những trở ngại để kết hôn với người mình yêu, đâu ai gọi đó là “hy sinh”, phải không? Ngày nay đời sống chung được cải thiện tốt hơn, đời sống của người theo nghề khảo cổ cũng khác trước.
Nghề nào cũng vậy, nếu làm tốt công việc - dù nhỏ, mình cũng đã “được” thêm nhiều thứ: thỏa mãn sự đam mê, có nghề nghiệp độc đáo, hữu ích. Có thêm hiểu biết từ đời sống đa dạng, cuộc sống sẽ phong phú hơn. Quan trọng nhất là được thực hiện mơ ước và trách nhiệm với chính cuộc đời mình.
Các đồng nghiệp khảo cổ nữ của tôi là những người như thế!