Đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Thực hiện Kế hoạch số 473, ngày 23/9/2024 của Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 37, ngày 10/7/2024 của Ban Bí thư về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện.
Kế hoạch hướng đến mục tiêu triển khai quán triệt và thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn tỉnh.
Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, cán bộ, công chức, viên chức, người LĐ và các tầng lớp nhân dân nhằm đổi mới công tác đào tạo nghề cho LĐNT đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh yêu cầu phải tăng cường trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp trong việc quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 37.
Quảng Nam hướng tới đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề cho LĐNT góp phần phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Đào tạo nghề cho LĐNT gắn với phát triển ngành nghề nông thôn nhằm phát huy tiềm năng khu vực nông thôn của tỉnh, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Nhiều giải pháp được UBND yêu cầu bám sát thực hiện, như tăng cường sự quản lý của Nhà nước đối với công tác đào tạo nghề cho LĐNT; thông tin, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện nhằm nâng cao nhận thức về đào tạo nghề cho LĐNT; đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho LĐNT...
Các cơ quan chức năng liên quan có trách nhiệm tà soát, bổ sung, xây dựng và triển khai thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách về đào tạo nghề cho LĐNT; bảo đảm nguồn lực, các điều kiện nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho LĐNT.