Làn hơi phai sương
(VHQN) - Trống chầu từng hồi khoan nhặt. Trên sân khấu, nhịp trống vừa dứt, người đàn bà còn áo xống mũ mão, chân đi hia và tóc búi cài trâm, chắp tay cảm tạ khán giả.
Những trích đoạn kinh điển của nghệ thuật hát bội thi thoảng vang lên ở Nhà biểu diễn nghệ thuật cổ truyền Hội An. Gom lại, tháng chừng mươi bữa Ánh Hoa đi diễn. Diễn vì máu trong người là huyết mạch nghệ sĩ.
Tình nghệ sĩ
Nghệ nhân ưu tú Lê Phú Hải nói một mạch như vậy về Ánh Hoa - người bạn đời của ông. Cặp nghệ nhân tuồng của phố Hội này từng làm xao xuyến bao người yêu nghệ thuật cổ truyền, khi những chiếu tuồng còn bày biện trên góc phố. Đôi lần, bắt gặp họ kẻ mặt cho nhau, chỉnh từng ve áo, chuốt từng câu hát tẩu, khách trận, khách tình... mà cảm phục cái tình nghệ sĩ.
Hồ Thị Ánh Hoa là con gái của nghệ sĩ tuồng nổi tiếng Trung Bộ - nghệ sĩ Ngọc Huệ. Nếu bây giờ bà vẫn ở Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, có khi đã được phong Nghệ sĩ ưu tú. Nhưng tình yêu của người nghệ sĩ lạ lùng lắm, vì hợp nhau ở từng làn hơi đã kết duyên cho họ. Từ đây, những bộn bề đời sống mở ra, không chỉ có mối quan tâm cho riêng hát bội.
Nhưng với bà Hồ Thị Ánh Hoa, tiếng trống tuồng không chỉ rung vang bên tai mà rung ngay trong lòng. Bộ giáp trụ, mũ kim khôi, cây kiếm, đôi hia không phải là thứ để ngắm xem đẹp xấu hay cũ mới ra sao, mà như một khối gắn với da thịt mình. Trên sân khấu, người nghệ sĩ mới thật là mình.
Nghệ thuật biểu diễn, không chỉ riêng tuồng, đứng trên sân khấu thì không phải chỉ biết mỗi vai mình là được. Cả hồi cả lớp tuồng là một nối kết, để cái thần của mỗi vai diễn toát ra từ từng cách sắm vai của tất cả nhân vật. Nên người ta mới nói chuyện của từng lớp tuồng, trước khi kể về từng vai diễn.
Thần thái hay những lần thăng hoa trên sân khấu, đều phải cần bệ đỡ từ những người bạn diễn. Với Hồ Thị Ánh Hoa, chỉ cần nhìn cách Lê Phú Hải dốc lòng quay cuồng theo từng nhịp múa thương, múa kiếm, từng cách nhả hơi của nàng Nguyệt Cô lúc đòi ngọc từ Tiết Giao trong trích Hồ Nguyệt Cô hóa cáo của bà, mới biết cái bệ đỡ của người nghệ sĩ quan trọng thế nào.
Tiếng xưa còn vọng
Hồ Thị Ánh Hoa nói, miễn là còn được hát, được diễn, được sống với nghề. Nên dẫu những sân khấu ở thiệt xa nơi sống, đi đường có vất vả, bà vẫn bà vẫn nhận lời làm. Câu lạc bộ Tuồng Hội An do vợ chồng họ thành lập, vẫn thi thoảng hẹn nhau tập tuồng.
Tiếng đờn rao văng vẳng, trước hiên nhà nắng dọi xiên khoai, giọng đàn bà trong âm điệu kép chính, trầm khàn chắc nịch của nữ tướng theo điển tích tuồng xưa. Những hội hè của đô thị di sản, người ta vẫn cần trên sân khấu vài trích tuồng xưa.
Non nửa tháng cùng những nghệ nhân của Nhà biểu diễn Nghệ thuật cổ truyền Hội An diễn cho du khách vài lớp trích đoạn, đủ để ngọn lửa nghề của Hồ Thị Ánh Hoa vẫn bền bỉ cháy. Ông Lê Phú Hải nói, họ chỉ cần một vai diễn nữ nên ông đành thôi. Người đàn ông từng sắm vai kép chính cạnh cô đào nữ tướng, đôi lúc tự mình sửa sang và xếp cất đạo cụ một góc riêng.
Thi thoảng, cô con gái Lê Hồ Hoàng Yến - sinh viên năm cuối của Trường Đại học Văn hóa TP.Hồ Chí Minh, đang theo chuyên ngành quản lý tuồng, bài chòi và âm nhạc truyền thống, trở về và diễn xướng cùng cha mẹ. Cô con gái cũng là lứa đầu tiên của lớp truyền vai tuồng cổ Hội An, được biết đến với những vai đồng ấu mỗi chiếu tuồng xuống phố thuở nọ, đã thừa hưởng gần như trọn vẹn niềm yêu mê và tài năng nghệ thuật của cha mẹ mình.
Niềm vui của người đàn bà theo nghiệp xướng ca, hình như chính là được nghe giọng điệu sang sảng của lớp người kế cận trong những trích đoạn cổ. Cô con gái cũng là điều quý nhất trong hành trình cuộc đời của người đàn bà chọn cho mình kiếp “con tằm rứt ruột nhả tơ” khóc cười trên sân khấu.
Không riêng gì hát bội, nếu nghệ thuật truyền thống còn đất diễn, là còn đó những trọng vọng với hồn vía dân tộc.