Buôn nguồn xứ Quảng xưa
Buôn bán và chợ là chuyện muôn thuở của đời sống, khi con người cần trao đổi những thứ họ làm ra và mua về những thứ họ không có. Ở đâu có dân, ở đó có buôn bán và chợ.
Ngõ nguồn xứ Quảng xưa
Xứ Quảng xưa đã hình thành hình thức chợ là buôn nguồn. Đúc kết từ các tuyến buôn bán xưa, với địa hình miền xuôi, miền ngược liền kề và thuận lợi của các dòng sông, sự phát triển dân cư, từ đầu thế kỷ 20, trong Bài ca địa chí Quảng Nam đã nêu: “...Ngõ nguồn có sáu phải thông tên gì?/ Hữu Bang sát núi Trà My/ Chiên Đàn nguồn ấy ở về phía trong/ Thu Bồn một dải quanh vòng/ Ô Gia thì ở trên dòng sông Con/ Lỗ Đông sát núi Cao Sơn/ Cu Đê thì ở gần hòn Hải Vân..”.
Sản vật miền núi Quảng Nam theo chân buôn nguồn xuôi về chợ Vạn (Tam Kỳ) và theo sông Trường Giang ra Đại Chiêm Hải Khẩu, một thời thịnh phát “Dòng sông rợp những cánh buồm/ Sớm mai nam lại, chiều nồm nổi lên”.
Ngõ nguồn phía bắc Quảng Nam, một thời ngã ba sông Thanh đổ vào sông Nước Mỹ, đã hình thành Bến Giằng phía thượng nguồn; Bến Hiên nơi ngã ba sông Trăng chảy vào sông Con... Bến Trầu (còn gọi là Bãi Trầu) bên sông Bung - là nơi người Cơ Tu gùi trầu nguồn từ trong núi ra để đổi hàng của thương lái từ dưới xuôi lên - “Trầu nguồn ở tận sông Bung/ Chờ cau Đại Mỹ để cùng về xuôi”…
Vị thế và sự thuận lợi của dòng sông Thu Bồn, nên từ xa xưa, nơi này được mệnh danh là con đường giao thương bậc nhất thời hưng thịnh cảng thị Hội An - là con đường buôn nguồn nổi tiếng của xứ Quảng và cả miền Trung.
Các chợ dọc sông Thu Bồn sầm uất, tấp nập trên bến dưới thuyền, như Bến Dầu, Bến Đường, Chợ Củi, Trà Nhiêu… Rồi các nơi buôn bán tại huyện Đại Lộc, chính giữa miền xuôi – miền ngược, như Hà Nha, Quảng Huế.
Thời phát triển rực rỡ thương cảng Hội An xưa, có vai trò quan trọng của ngõ nguồn xứ Quảng, nơi cung ứng hàng hóa đặc sản và luôn được phương Tây, các nước trong khu vực ưa chuộng.
Theo ghi chép Lê Quý Đôn, đất Thuận Hóa (Thừa Thiên Huế) không có nhiều của cải, mọi thứ đều lấy ở Quảng Nam: “Phàm hóa vật sản xuất ở các phủ Thăng Hoa, Điện Bàn, Quảng Ngãi…, đều hội tập ở phố Hội An”.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Hội An đánh giá: “Sự phong phú về sản vật miền núi cùng với huyết mạch giao thông thủy Thu Bồn, Trường Giang… đã góp phần tạo nên sự tấp nập, thịnh vượng của cảng thị Hội An một thời, trong đó hình thức buôn nguồn là hiện tượng kinh doanh khá độc đáo, kết nối giao thương xuôi - ngược mạnh mẽ”
Kết duyên Kinh – Thượng
Trong văn hóa người Việt, chợ không chỉ là nơi buôn bán. Đó là không gian gặp gỡ, giao lưu hàng ngày của cư dân.
Buôn nguồn xứ Quảng xưa, ngoài những chuyến đò dọc, còn là những chuyến quang gánh vượt đèo cao, suối sâu… đến với người Thượng. Chuyến đi buôn có khi kéo dài vài ngày, buôn bán dọc đường, chớ không nhất thiết là đợi đến nơi tập trung.
Chị Lê Thị Ngọc Tầm, thương hiệu Nước mắm Ngọc Lan (Tam Thanh, Tam Kỳ) hồi nhớ: Ngày xưa, gia đình nội làm mắm và gánh lên vùng cao để buôn bán. Đi, về mấy ngày trời.
Câu ca nổi tiếng xứ Quảng “Mít non gởi xuống cá chuồn gởi lên” hẳn không đơn thuần là món ăn ngon. Đó như lời giao duyên, nỗi lòng thổn thức, khắc khoải nhớ mong… Rồi trong muôn nẻo đường “Chồng em là lái buôn tiêu”, để giữa nước biếc non ngàn và khu rừng đầy tiếng chim, liệu có người say… sơn nữ, để rồi người ở nhà thổn thức “Nhón chưn kêu bớ họ nguồn/ Chồng tôi ai giữ, đi buôn không về”, người ở núi thì đợi mong “Nhắn ai cho tới tai chàng/ Dù răng dù rứa băng ngàn tới chơi”.
Thời chiến tranh, theo tiếng gọi cách mạng, người Kinh “nhảy núi” và sống chan hòa cùng người Thượng, hóa thân thành người đồng bào, có người ở hẳn. Thời đi học, tôi hay nghe mấy cụ cao tuổi kể chuyện “cách mạng buôn nguồn”. Với hình thức truyền thống ấy, nhiều mặt hàng đã đến với cơ sở cách mạng. Dần dần, địch phát hiện, đã có nhiều chuyện cảm động về sự hy sinh anh dũng, song vẫn không ngăn được lòng dân với Đảng.
Thời kỳ hòa bình, từng lớp cán bộ và nhân dân đã lên miền núi làm việc, an cư lạc nghiệp. Cũng đã vài thế hệ, với biết bao mối tình kết duyên Kinh – Thượng. Thế hệ mới ra đời, trưởng thành, đang tiếp bước cha anh, làm phong phú và đậm nét thêm truyền thống xưa.
Bây giờ, giao thông thuận lợi, kết nối giao thương xuôi – ngược phát triển mạnh mẽ. Phương tiện buôn nguồn cũng phát triển đa dạng. Sản phẩm hàng hóa phong phú, đa dạng, gần như cần là có.
Song, người miền xuôi vẫn cung cấp những mặt hàng có tính truyền thống cho miền núi. Và, người miền núi biết dựa vào tài nguyên bản địa của mình để đa dạng hóa sản phẩm đặc trưng, không đơn thuần là cung cấp thô nữa mà đã tổ chức thương mại rộng rãi trên cả nước.
Theo đà phát triển và liên kết vùng, giao thương, giao lưu văn hóa…giữa đồng bằng và miền núi chặt chẽ, sôi động, song dấu chân ngõ nguồn xưa vẫn còn đó – định hình nên truyền thống giao thương nổi tiếng, gọi nhớ một thời rực rỡ trong hành trình phát triển xứ Quảng.