Chủ động phòng chống dịch bệnh động vật
(QNO) - Trước tình trạng nhiều loại dịch bệnh động vật nguy hiểm diễn biến khá phức tạp trên địa bàn Quảng Nam gần đây, UBND tỉnh đã thiết lập cụ thể kế hoạch nhằm chủ động những biện pháp phòng chống để giảm thiểu thiệt hại cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, người dân.
Nhiều loại dịch bệnh gây hại
Theo ngành nông nghiệp tỉnh, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 60 ổ dịch tả lợn châu Phi (tăng 48 ổ dịch so với cùng kỳ năm 2023) ở 49 xã, phường, thị trấn của 14 huyện, thành phố, gồm: Đại Lộc, Thăng Bình, Quế Sơn, Phú Ninh, Núi Thành, Tiên Phước, Hiệp Đức, Bắc Trà My, Nam Giang, Đông Giang, Nam Trà My, Phước Sơn, Tam Kỳ, Hội An. Tổng số heo mắc bệnh chết, phải tiêu hủy bắt buộc là 1.662 con. Đến nay, toàn tỉnh còn 2 ổ dịch tại 2 huyện.
Trong khi đó, hơn 10 tháng qua, tại Quảng Nam cũng phát sinh 14 ổ dịch lở mồm long móng (tăng 5 ổ dịch so với cùng kỳ năm ngoái) ở 14 xã, phường của 6 huyện, thành phố, gồm: Duy Xuyên, Đại Lộc, Nông Sơn, Đông Giang, Bắc Trà My, Hội An. Tổng số trâu, bò bị mắc bệnh là 315 con, trong đó số bò nhiễm bệnh chết, phải tiêu hủy bắt buộc là 2 con.
Cạnh đó, từ đầu năm 2024 đến nay, cả tỉnh xuất hiện 27 ổ dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò ở 26 xã, phường, thị trấn thuộc 6 huyện, thành phố, gồm: Núi Thành, Tiên Phước, Quế Sơn, Nông Sơn, Hiệp Đức, Tam Kỳ. Tổng số trâu, bò bị mắc bệnh là 110 con, trong đó có 8 con chết, phải tiêu hủy bắt buộc.
Đối với bệnh dại động vật, trong 10 tháng đầu năm nay, trên địa bàn Quảng Nam đã xảy ra 12 ổ dịch (tăng 7 ổ dịch so với cùng kỳ năm 2023) ở 11 xã, phường của 5 huyện, thị xã, thành phố, gồm: Quế Sơn, Hiệp Đức, Đông Giang, Điện Bàn, Hội An. Tổng số động vật mắc bệnh, chết, phải tiêu hủy bắt buộc là 35 con, trong đó có 34 con chó và 1 con mèo.
Từ đầu năm 2024 đến nay, bệnh đốm trắng trên tôm thẻ chân trắng xảy ra ở các địa phương Duy Vinh, Duy Thành (Duy Xuyên), Cẩm Thanh, Cẩm Châu (Hội An) với diện tích bị bệnh là 1,6ha. Bệnh vi bào tử trùng trên tôm thẻ chân trắng xảy ra tại Duy Nghĩa (Duy Xuyên), Bình Hải (Thăng Bình) với diện tích bị bệnh là 0,86ha. Ngoài ra, còn xuất hiện bệnh do môi trường trên tôm nuôi tại Tam Hòa (Núi Thành) với diện tích khoảng 0,24ha.
Chủ động phòng chống
Tại các địa phương của tỉnh có nhiều ổ dịch cũ, mầm bệnh lưu hành nhiều ngoài môi trường; tổng đàn gia súc, gia cầm toàn tỉnh lớn, chăn nuôi quy mô nông hộ thiếu an toàn sinh học chiếm đa số; công tác kiểm soát giết mổ tại các địa phương chưa được thực hiện đồng bộ, tỷ lệ tiêm phòng định kỳ chưa đạt theo quy định… Vì vậy, nguy cơ dịch bệnh tiếp tục phát sinh và lây lan trong thời gian đến là rất cao.
Trong kế hoạch phòng chống dịch bệnh động vật năm 2025, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu yêu cầu ngành liên quan và chính quyền các cấp phải chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị cần thiết cho công tác phòng chống dịch bệnh; tổ chức giám sát, phát hiện sớm, chính xác, kịp thời tình hình dịch bệnh, sẵn sàng ứng phó khi dịch bệnh xảy ra.
Thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm bảo đảm đạt tối thiểu 80% tổng đàn đối với từng bệnh. Riêng đối với bệnh dại tiêm đạt trên 70% tổng đàn chó nuôi. Đồng thời, quản lý chặt chẽ các hoạt động vận chuyển, giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm trên địa bàn đảm bảo yêu cầu công tác phòng chống dịch bệnh và an toàn thực phẩm.
Cùng với đó, thực hiện các tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi trên địa bàn toàn tỉnh theo chỉ đạo của trung ương, UBND tỉnh và trong các đợt tiêm phòng. Định kỳ thực hiện tổng vệ sinh cơ giới, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi, cơ sở kinh doanh, mua bán, giết mổ gia súc, gia cầm, động vật thủy sản, sản phẩm động vật, phương tiện vận chuyển, dụng cụ giết mổ và các chợ mua bán gia súc, gia cầm trên địa bàn quản lý.
Ngoài nguồn hóa chất hỗ trợ của nhà nước, vận động người chăn nuôi tự mua vôi, hóa chất để tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi thường xuyên theo hướng dẫn của ngành chuyên môn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu lưu ý, khi đàn gia súc, gia cầm, thủy sản nuôi có biểu hiện nghi ngờ bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân thì cần phải lấy mẫu, gửi chẩn đoán xét nghiệm tìm tác nhân gây bệnh. Khi có dịch xảy ra, phải thực hiện công tác điều tra ổ dịch, xử lý ổ dịch, tổ chức tiêm phòng khẩn cấp đối với các loại dịch bệnh có vắc xin tiêm phòng.
UBND tỉnh cũng yêu cầu phân công nhiệm vụ cho từng thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật cấp tỉnh đến từng địa phương đứng điểm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch bệnh động vật…
Theo kế hoạch của UBND tỉnh, công tác tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi trong năm 2025 được tổ chức 2 đợt chính. Đợt 1 từ tháng 2 đến tháng 3/2025 và đợt 2 từ tháng 8 đến tháng 9/2025. Riêng đối với bệnh dại, tiêm 1 đợt chính vào tháng 5/2025 và tháng 6/2025.