Mở cánh cửa thưởng lãm nghệ thuật
Thông tin Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng ra mắt không gian trưng bày “Bộ sưu tập nghệ thuật Lê Bá Đảng” là tin vui với những ai yêu mến hội họa, điêu khắc - nghệ thuật Lê Bá Đảng.
Lê Bá Đảng có nhiều giải thưởng danh giá về nghệ thuật. Từ “Nghệ sĩ có tài năng và tư tưởng nhân đạo” được Mỹ trao tặng năm 1989, được nước Anh bầu chọn là “Người nổi tiếng toàn cầu” năm 1992... ông cũng được Nhà nước Việt Nam trao tặng Huy chương “Kháng chiến chống Mỹ cứu nước” và nhiều giải thưởng, bằng khen khác vào năm 2005.
Trường phái hội họa lebadagraphic
Tại Bảo tàng Nghệ thuật châu Á (Paris, Pháp) mang tên Cernuschi, năm 2015, bà Myshu Nguyễn - phu nhân nghệ sĩ người Pháp gốc Việt Lebadang đã hiến tặng hơn 20 tác phẩm để tưởng nhớ chồng mình.
Ở Pháp, Lê Bá Đảng là người kín tiếng, mặc dù ông đã sống ở đất nước này từ năm 18 tuổi. Nơi tác phẩm của ông được phổ biến rộng rãi hơn là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức và Việt Nam. Mặc dù xa quê, ông vẫn giữ mối liên hệ mật thiết về văn hóa và tình cảm với quê hương, nguồn cội của mình. Quê nhà đã dành riêng cho ông một bảo tàng chuyên khảo ở Huế, được mở từ năm 2006.
Quản đốc Bảo tàng Cernuschi - Anne Fort đã có những nhận định sắc sảo về danh họa Lê Bá Đảng: “Là một nghệ sĩ đam mê thu thập, một nhà thám hiểm không hạn độ về chất liệu và kỹ thuật, Lê Bá Đảng thích tự xem mình như một “nghệ nhân” hơn một nghệ sĩ.
Ông để lại một tài sản nghệ thuật là nơi giao thoa của màu nước, khuôn rập, bản khắc lụa, tranh vẽ, tác phẩm nặn bằng đất, điêu khắc bằng kim loại, thủy tinh, bằng thép không gỉ hoặc bằng gỗ, đồ trang sức, gốm sứ, thảm trang trí.
Ở ranh giới giữa điêu khắc và hội họa, các tác phẩm độc đáo nhất của ông được kiến tạo từ giấy bổi dày, được xé ra và dán ở lớp trong cùng. Các không gian đắp nổi rất cao tạo nên hình ảnh một trái đất tưởng tượng và nên thơ được nhìn từ bầu trời.
Vượt qua mọi thử thách về kỹ thuật, ông chuyển chủ đề đó sang lĩnh vực tranh in bằng khuôn rập và thành công trong việc thiết kế các phức hợp cực kỳ tinh xảo: cắt các hình thể được tập hợp một cách thủ công, dập nổi bằng nhiệt, trổ khắc, màu sắc in thạch bản, đó chính là những công đoạn thực hiện các không gian nói trên. Các tác phẩm được giới thiệu ở Bảo tàng Cernuschi cho phép minh họa những tìm tòi liên tục và những giai đoạn khác nhau về phong cách Lebadang”.
Lê Bá Đảng, vì thế, là một danh họa nổi tiếng thế giới, được tôn vinh là “bậc thầy của hai thế giới đông - tây”. Khởi từ những bức vẽ mèo, mật ngữ nghệ thuật của Lê Bá Đảng từng bước được lần giở qua từng giai đoạn.
Anne Fort cho rằng, năm 1980 đánh dấu bước ngoặt trong tác phẩm Lê Bá Đảng: đó là năm con trai của ông qua đời. “Lần đầu tiên, Lebadang lao động cho chính mình, tự giải thoát khỏi các phong cách thời thượng và những tác phẩm thực hiện theo đơn đặt hàng.
Ở tuổi chín muồi, ông tái hiện khuôn mặt người trong những loạt tranh được ông gọi tên là “Tấn trò đời”, với những nỗi đau, những niềm vui, những phần số của phận người. Ông cũng kiến tạo cho mình một dấu triện bao gồm một hình vuông che chắn cho một gia đình: một đứa bé ở giữa bố mẹ mình”... - Anne Fort nhận xét.
Địa chỉ thưởng lãm văn hóa
Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng là nơi được gia đình ông bà Lê Tất Luyện - Thụy Khuê (hiện sống tại Pháp) - bạn thân của danh họa Lê Bá Đảng lựa chọn trao tặng hiện vật, tác phẩm trong những bộ sưu tập của ông.
Năm 2023, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng tiến hành mở niêm phong bộ sưu tập tranh của họa sĩ Lê Bá Đảng do ông bà Lê Tất Luyện - Thụy Khuê hiến tặng, với 131 tác phẩm nghệ thuật và 16 bản tạo hình trên đá, 19 bản kẽm in, 71 khuôn tạo hình, 16 dụng cụ chế tác của họa sĩ.
Đầu tháng 11 này, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng tổ chức khai trương Không gian nghệ thuật Lê Bá Đảng ngay trong khuôn viên bảo tàng. Các tác phẩm nghệ thuật bao quát nhiều giai đoạn sáng tác trong sự nghiệp của danh họa Lê Bá Đảng.
Ông Hà Thanh Vân - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, cho biết bộ sưu tập với nhiều chất liệu và phong cách thể hiện quá trình sáng tạo nghệ thuật của danh họa Lê Bá Đảng tại Pháp. Những kỳ vọng về một không gian nghệ thuật đặc biệt dành cho người yêu nghệ thuật xứ sở, đã thành hình.
Tròn 10 năm Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng ra đời, cũng từng ấy thời gian địa chỉ này khẳng định sức hút riêng có thông qua những không gian trưng bày và các cuộc triển lãm định danh vị thế bảo tàng.
Cùng với không gian trưng bày bộ sưu tập nghệ thuật Lê Bá Đảng, bộ sưu tập những tác phẩm sơn dầu, sơn mài, điêu khắc, lụa, đồ họa hay các không gian trưng bày tác phẩm của nghệ sĩ tạo hình Lê Công Thành, bộ sưu tập “Houei” của ông Toyokichi Itoh, hiện vật mỹ thuật dân gian truyền thống... đủ triệu về những dấu son của một mỹ thuật Việt Nam, hay gần hơn, một vùng mỹ thuật Trung Bộ.
Ngẫm để thấy những hiện vật của xứ sở giàu văn hóa như Quảng Nam, vẫn chờ những cuộc giới thiệu đặc biệt... từ các bảo tàng ngụ trên đất Quảng.