Tác phẩm, tác giả

Họa sĩ Nguyễn Phan: Cuộc lữ hành sáng tạo thơ mộng

TRẦN TRUNG SÁNG 10/11/2024 10:24

Tập sách chân dung mỹ thuật mang tên “Họa sĩ Nguyễn Phan, những năm tháng và sắc màu hoài niệm” sẽ được ra mắt vào cuối tuần này.

img_20241104_091309.jpg
Bài sách “Hoạ sĩ Nguyễn Phan, những năm tháng và sắc màu hoài niệm”

Đây là ấn phẩm do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, ra mắt nhân kỷ niệm 14 năm ngày mất của họa sĩ Nguyễn Phan (11/2010 - 11/2024).

Cuộc đời nhiều dấu ấn

Nguyễn Phan tên thật là Phan Ngọc Nam, sinh năm 1940, tại làng Thần Phù, Hương Thủy (nay là phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế). Ông là một trong những cánh chim đầu đàn xuất thân từ Trường Cao đẳng mỹ thuật Huế. Nguyễn Phan là họa sĩ tên tuổi được nhiều người biết bởi những đóng góp của ông qua các hoạt động mỹ thuật nước nhà trong suốt nhiều thập niên.

Từ năm 1965, ông đã có tranh sơn dầu đoạt huy chương bạc ở Triển lãm quốc tế Roma (Ý). Sau năm 1975, bên cạnh các cuộc triển lãm tranh tại TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế, Hội An và Hàn Quốc, ông còn là tác giả thiết kế quy hoạch xây dựng, điêu khắc các tượng đài Vĩnh Trinh, tượng đài Cây Cốc…

Nhiều công trình kiến trúc tại Quảng Nam - Đà Nẵng cũng do ông thiết kế quy hoạch, từ Công viên 29/3, quy hoạch công viên và nhóm tượng trong khuôn viên Nhà máy dệt 29/3, Nhà lưu niệm Phan Châu Trinh, Nhà khách Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, trang trí nội thất nhà khách Bệnh viện C và tham gia nhiều phương án dự thi các công trình Nhà lưu niệm Chợ Được (Thăng Bình), Khu trung tâm thương mại Chợ Cồn…

Đây là dấu ấn khá khác biệt của họa sĩ Nguyễn Phan so với các họa sĩ, điêu khắc gia cùng thế hệ với ông. Bởi, phần lớn khi thực hiện một tổ hợp công trình tượng đài, các nhà điêu khắc thường cần có kiến trúc sư hỗ trợ công việc quy hoạch tổng mặt bằng. Từ năm 2005, họa sĩ Nguyễn Phan chính thức chuyển về Hội An để sống và vẽ. Tiếc thay, thời gian ấy kéo dài không lâu. Năm 2010, định mệnh đột ngột cắt đứt cuộc lữ hành sáng tạo đầy thơ mộng của ông.

Sắc màu hoài niệm

Tập sách “Họa sĩ Nguyễn Phan, những năm tháng và sắc màu hoài niệm” lần giở hồi ức của những người đã từng làm việc, tiếp xúc họa sĩ.

img_20241105_140940.jpg
Mẹ Việt Nam (tranh sơn dầu của họa sĩ Nguyễn Phan)

Ông Nguyễn Văn Hiến, nguyên Bí thư Huyện ủy huyện Duy Xuyên, kể những ký ức về họa sĩ Nguyễn Phan khi thực hiện Tượng đài Vĩnh Trinh: “...Nhiều ngày dài nằm tại hiện trường cùng họa sĩ Nguyễn Phan, tôi thường kể chuyện, cung cấp tư liệu, thơ ca hò vè về cuộc thảm sát Vĩnh Trinh để ông lấy cảm hứng hình thành tác phẩm.

Chúng tôi cùng bàn bạc để tác phẩm có sự kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn, logic giữa thông điệp lịch sử và thông điệp nghệ thuật, thống nhất giữa hình tượng con người - cuộc sống với nghệ thuật tạo hình đặc trưng, giữa tư duy hình khối phổ thông và hàn lâm.

Và cuối cùng, tượng đài khi hoàn thiện có bố cục tạo hình hiện thực, gần gũi, nhưng toát lên được nét trung dũng kiên cường của đất và người Duy Xuyên. Vì thế khi đến viếng tượng đài này ai cũng có thể cảm nhận được điều mà công trình muốn nói”.

KTS. Phan Trường Sơn, con trai cố họa sĩ Nguyễn Phan khi thăm lại tượng đài này cũng có đoạn viết: “Khi đã là kiến trúc sư với hơn 30 năm làm nghề, đi tham quan công trình, tôi nhận ra sự bố trí sắp xếp, quy hoạch cảnh quan, lối đi lên đồi được thiết kế rất phù hợp, thoải mái”.

Ở mảng hội họa, trong thế giới tranh Nguyễn Phan, bên cạnh những chủ đề về quê hương, tình yêu, thiên nhiên, môi trường, cuộc sống, chủ đề nổi bật của ông là những trăn trở sâu thẳm nội tâm, những nỗi đau nhân thế, phận người. Đó là tác phẩm Phải và trái (Âm và dương, sơn dầu 1994), với hai bàn tay mang hai sắc màu xanh, đỏ đối nghịch, buông thõng, xòe ra hé lộ hai số phận khác biệt muôn đời.

Đó là Trời, Người và Đất (sơn dầu, 1994), với phần trên là trời xanh mây trắng, phần dưới là những sắc màu nhộn nhịp của hoa lá, dòng sông, phố thị… Tác phẩm như chứa đựng buồn vui, nước mắt, nụ cười nơi trần thế.

Một ấn tượng đặc sắc của tranh Nguyễn Phan, đó là những sắc xanh tung hứng đầy thơ mộng trong suốt hành trình sáng tạo nghệ thuật của ông.

Vô thức xanh (sơn dầu, 1992) là một trong những tác phẩm điển hình với “chỉ có hai màu đơn giản: một mảng lớn màu trắng vần vũ bên trên và được nhấn mạnh bởi một nét nhấn dứt khoát và liên tục bên dưới trên một nền màu xanh”.

Thuyền trăng (sơn dầu, 1996) là một không gian tràn ngập màu xanh, mà nhìn kỹ ta sẽ nhận ra một chiếc thuyền đang trôi dạt giữa biển trời mênh mông, ngay cả vầng trăng cũng đồng điệu hòa quyện trong niềm cô đơn ấy.

Rất nhiều sắc màu hoài niệm, như là ký ức còn lưu lại trong tâm tưởng những người yêu thích nghệ thuật của họa sĩ Nguyễn Phan.

“Hoạ sĩ Nguyễn Phan, những năm tháng và sắc màu hoài niệm” dày hơn 150 trang, khổ 25 x 25cm. Tổ chức thực hiện: KTS Phan Trường Sơn (con trai cố họa sĩ Nguyễn Phan). Tổ chức bản thảo: Nhà văn Trần Trung Sáng. Sách có nhiều bài viết tham gia của nhà văn Cung Tích Biền, nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ, nhà nghiên cứu Gérard Chapuis (Pháp), các họa sĩ Đặng Mậu Tựu, Hoàng Đặng, Duy Ninh, Nguyễn Thượng Hỷ, Nguyễn Trung Kỳ, Thân Trọng Dũng...

TRẦN TRUNG SÁNG