Phan Huỳnh Điểu – Cánh chim bay về
“Phan Huỳnh Điểu – Nhạc sĩ của những bản tình ca” là tên tác phẩm điêu khắc do họa sĩ, nhà điêu khắc Đinh Gia Thắng sáng tác vào tháng 12/2021. Khắc họa hình ảnh cố nhạc sĩ tài hoa Phan Huỳnh Điểu lên những khối đá là cách ông Thắng tưởng nhớ cha nuôi của mình.
Năm nay, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu (11/11/1924 – 11/11/2024), nhà điêu khắc Đinh Gia Thắng mang bức tượng đến triển lãm “Phan Huỳnh Điểu - Cánh chim bay về”. Đinh Gia Thắng cũng là tác giả của cụm tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng đoạt Giải thưởng Nhà nước năm 2022. Báo Quảng Nam có cuộc trò chuyện về những ảnh hưởng của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu với nghệ sĩ điêu khắc này.
Giá trị người nghệ sĩ chính là tác phẩm
* Ý tưởng tác phẩm Phan Huỳnh Điểu – Nhạc sĩ của những bản tình ca đến với ông thế nào?
Ông Đinh Gia Thắng: Tôi yêu thích nhất ca khúc “Thuyền và biển” của cụ và hát nhiều nhất. Tình cảm thể hiện trong bài hát rất đằm thắm và da diết. Cũng từ cảm hứng bài hát này tôi đã tạc tượng cụ với nụ cười nhân hậu. Cụ ngồi trên con thuyền, lênh đênh ngoài biển cùng đàn hải âu với cây đàn mandolin thân thuộc, có chữ ký của cụ. Bức tượng cụ được tạc bằng đá, được đặt trước nhà tôi và sẽ gắn bó mãi cùng gia đình tôi, không chỉ tôi mà các thế hệ con cháu tôi vẫn luôn nhớ về cụ. Một người cha, người ông, một nghệ sĩ lớn, “con chim vàng của nền âm nhạc Việt Nam”.
* Gần 30 năm làm con nuôi của ba Phan Huỳnh Điểu, ông còn nhớ kỷ niệm đầu tiên khi gặp cố nhạc sĩ của chúng ta?
Ông Đinh Gia Thắng: Trước khi tôi gặp cụ lần đầu tiên vào cuối năm 1985, tôi đã thuộc rất nhiều ca khúc của cụ.
Mỗi khi nghe phảng phất câu hát đó, tôi đã rưng rưng, có lẽ nó cũng như nỗi đau, khi đất nước bị chia cắt thành hai miền Nam - Bắc. Vì vậy, mối nhân duyên được gặp cụ, được cụ nhận làm con nuôi, nó như trời định vậy. Mãi tới giữa năm 1987, tôi và cụ mới nhận cha - con, nhưng tôi như thấy tình cảm ấm áp, yêu thương của cụ đối với tôi đã đến từ lâu lắm rồi.
* Từng bên cạnh cha suốt 20 năm trước khi cha nuôi đi xa vào năm 2005, theo ông, phẩm chất đáng quý của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu là gì?
Ông Đinh Gia Thắng: Điều đáng quý nhất ở cụ, là sự giản dị, khiêm tốn, không thích khoa trương. Cụ luôn động viên, an ủi và vun đắp hạnh phúc không chỉ đối với con đẻ mà cả con nuôi như tôi. Cụ là người ông đáng kính và ấm áp tình cảm đối với các con tôi. Có lần tôi tâm sự với cụ: tiếp xúc với một số nghệ sĩ lớn, con thấy họ có phong cách khác hẳn, chứ không giản dị, dân dã, gần gũi với mọi người như ba, mặc dù ba là một nghệ sĩ lớn và nổi tiếng. Ba trả lời với tôi: giá trị của mỗi người nghệ sĩ chính là ở tác phẩm, giá trị của sự lao động và sáng tạo không biết mệt mỏi, “chứ nó không phải là những hình thức bề ngoài, không phải là cái màu mè khoác lên mình cho nó ra… nghệ sĩ lớn”.
Điều đáng quý ở cụ nữa chính là tinh thần lạc quan, yêu đời dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Cụ lúc nào cũng hiền hòa, nhân hậu, bao dung, hài hước, dí dỏm và sâu sắc. Những đức tính quý báu đó của cụ ảnh hưởng rất nhiều đến tôi.
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sinh ngày 11/11/1924 tại TP.Đà Nẵng, mất ngày 29/6/2015. Ông được mệnh danh là “con chim vàng của nền âm nhạc Việt Nam” với những sáng tác nổi tiếng, như: Cuộc đời vẫn đẹp sao, Hành khúc ngày và đêm, Những ánh sao đêm, Sợi nhớ sợi thương, Ở hai đầu nỗi nhớ, Thuyền và biển... Năm 2000, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
Người truyền cảm hứng
* Am hiểu âm nhạc và chơi thành thạo piano, theo ông, làm thế nào để phân biệt được âm nhạc của Phan Huỳnh Điểu với các nhạc sĩ cùng thời?
Ông Đinh Gia Thắng: Âm nhạc của cụ có phong cách rất riêng, không trộn lẫn với những nhạc sĩ khác. Sự khác biệt đó, thể hiện sự thấm đẫm nét dân ca của 3 miền Bắc - Trung - Nam. Ví dụ, như ca khúc “Nhớ” phảng phất làn điệu dân ca Bắc Trung Bộ, ca khúc “Mưa miền Trung” thấm đượm điệu hò Huế. Ca khúc “Quảng Nam yêu thương” lại đậm nét của hò Quảng…
Những tiết tấu, độ cao thấp trong từng nốt nhạc và những giai điệu trong các ca khúc của cụ làm cho ca từ thật đắt, sâu lắng và da diết, nồng nàn. Âm nhạc của cụ thấm đẫm tình yêu đối với đất nước. Nó xuất phát từ sâu thẳm trái tim của một người nghệ sĩ lớn, tài hoa và làm nên phong cách rất riêng, mang tên Phan Huỳnh Điểu. Những ca khúc của cụ làm người ta dễ nhớ, nhớ lâu và khó có thể cưỡng lại vẻ đẹp của những ca khúc đó.
* Là một nhà điêu khắc với rất nhiều công trình nổi tiếng, điều gì của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu ảnh hưởng đến tư tưởng điêu khắc trong ông?
Ông Đinh Gia Thắng: Cụ thường tâm sự với tôi, cụ sáng tác bài hát có lợi thế là có cả nhạc và lời. Cái này nó bổ trợ cái kia để cùng làm nên vẻ đẹp của một ca khúc. Lĩnh vực điêu khắc của tôi lại nói bằng ngôn ngữ tạo hình, hình khối, thị giác. Nó không có lời để minh họa.
Vì vậy, cụ thấy đây là loại hình nghệ thuật rất khó. Cụ nói: con làm sao xây dựng tác phẩm để khi công chúng thưởng lãm, chỉ cần nhìn thấy hình khối, đường nét và hiệu ứng của thị giác, người ta đã rung động và cảm nhận được nội dung, ý tưởng của tác phẩm mà không cần phải đọc thuyết minh kèm theo.
Hồi tôi được Hội đồng nghệ thuật chọn phác thảo tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng, cụ dặn tôi phải luôn giữ được ngọn lửa cảm xúc cho đến khi hoàn thành tác phẩm. Những lời tâm sự của cụ không chỉ truyền cảm hứng cho tôi mà còn tiếp thêm cho tôi nhiều nghị lực, ý chí và quyết tâm để tôi hoàn thành tác phẩm quan trọng nhất đời mình.
* Điều trăn trở của “con chim vàng” - nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu lúc “bay đi” là gì, thưa ông?
Ông Đinh Gia Thắng: Lúc sức khỏe đã yếu, cụ có trăn trở rằng “còn nợ với Đà Nẵng một ca khúc”. Trước đó cụ có viết nhưng vẫn thấy không đạt. Tôi cũng tâm sự với cụ rằng: bài Quảng Nam yêu thương đã rất thành công do ông sử dụng làn điệu dân ca Quảng Nam. Khi Đà Nẵng tách ra, cụ gặp khó trong việc sử dụng chất liệu để đưa vào ca khúc. Cụ nói, chính vì thiếu chất liệu dân ca truyền thống nên khi viết ca khúc cho Đà Nẵng chưa thành công. Thế rồi mấy tháng sau cụ ra đi...
* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Chuỗi sự kiện tôn vinh nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu
Cuối tuần này, Hội Âm nhạc Việt Nam phối hợp UBND TP.Đà Nẵng tổ chức loạt sự kiện nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Cụ thể, tọa đàm về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu (ngày 8/11); triển lãm Phan Huỳnh Điểu - Cánh chim bay về (từ ngày 8 - 18/11). Điểm nhấn là chương trình nghệ thuật “Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu - cùng tình yêu ở lại” sẽ tái hiện hành trình âm nhạc của người nhạc sĩ đã đem đến những sắc màu riêng biệt cho dòng nhạc cách mạng và trữ tình Việt Nam về tinh thần lạc quan, yêu đời, văn minh (diễn ra vào tối 9/11 tại Cung thể thao Tiên Sơn).