Du lịch

Du lịch nông thôn: Làm gì để giữ chân du khách?

QUỐC TUẤN - HÀ SẤU - KHÁNH LINH VĨNH LỘC 10/11/2024 12:26

Chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Quảng Nam vẫn chưa định hình rõ nét, dù được khai phá từ khá sớm. Trong khi tiềm năng phát triển du lịch nông thôn ở các địa phương rất lớn. Làm gì để định vị thương hiệu, tận dụng lợi thế cảnh quan, văn hóa cũng như các ưu đãi về chính sách là điều đặt ra trong bối cảnh du lịch nông thôn là căn cơ thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững...

Làm gì để giữ chân du khách
Làm gì để giữ chân du khách

Chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Quảng Nam vẫn chưa định hình rõ nét, dù được khai phá từ khá sớm. Trong khi tiềm năng phát triển du lịch nông thôn ở các địa phương rất lớn. Làm gì để định vị thương hiệu, tận dụng lợi thế cảnh quan, văn hóa cũng như các ưu đãi về chính sách là điều đặt ra trong bối cảnh du lịch nông thôn là căn cơ thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững...

BỨC TRANH DU LỊCH NÔNG THÔN QUẢNG NAM

Từng có khoảng thời gian phát triển mạnh nhưng hiện tại, du lịch nông thôn Quảng Nam đang chững lại vì thiếu sản phẩm đặc sắc.

Khắc khoải “làn gió mới”.

Du lịch nông thôn có nhiều loại hình, ở Việt Nam có thể xếp vào 3 loại hình cơ bản: du lịch cộng đồng, du lịch canh nông và du lịch sinh thái. Du lịch nông thôn Quảng Nam vươn mình từ khá sớm, một số điểm đến đã hoặc từng lan tỏa thương hiệu ra phạm vi quốc tế. Có thể kể đến làng rau Trà Quế, rừng dừa Cẩm Thanh (TP. Hội An); làng du lịch cộng đồng Triêm Tây (thị xã Điện Bàn); làng nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh (TP. Tam Kỳ); làng du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu (Nam Giang); nông trại lò gạch cũ (Duy Xuyên)…

Một số điểm đến du lịch nông thôn nổi bật như làng cổ Lộc Yên vẫn đang loay hoay trong việc thiết lập tour tuyến hấp dẫn để lôi cuốn khách. Ảnh: Q.T

PGS.TS Phạm Trung Lương - nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch, Phó Chủ tịch Liên chi hội đào tạo du lịch Việt Nam cho hay, Quảng Nam từ rất sớm đã có những sáng kiến, mô hình du lịch nông thôn độc đáo lôi cuốn du khách, nhất là ở Hội An.

“Ngoài giá trị di sản nổi bật toàn cầu, nhiều giá trị làng quê của Quảng Nam tưởng như rất đời thường nhưng lại được các thị trường khách, nhất là khách quốc tế quan tâm. Hội An nói riêng và Quảng Nam nói chung đã từng đi đầu trong việc đưa các giá trị làng quê bình dị vào sản phẩm du lịch rất hiệu quả. Nhưng rồi chúng ta đã không duy trì được vì bão hòa điểm đến” - ông Phạm Trung Lương chia sẻ.

Điểm lại hệ thống tài nguyên du lịch nông thôn của Quảng Nam, ngoài các điểm đến đã trở thành thương hiệu, vẫn còn nhiều khu vực có bản sắc độc đáo, cần khai phá hợp lý để tạo ra “làn gió mới”. Đó là làng cổ Lộc Yên (Tiên Phước), thắng cảnh Hòn Kẽm - Đá Dừng (Hiệp Đức - Nông Sơn), quần thể voọc chà vá chân xám ở điểm du lịch sinh thái Tam Mỹ Tây (Núi Thành), khu săn mây Tắk Pổ (Nam Trà My)… nhưng theo thời gian, các điểm này vẫn loay hoay trong việc thiết lập tour tuyến hấp dẫn để lôi cuốn du khách.

Chủ yếu vẫn “tự bơi”

Nam Trà My là địa phương sở hữu 32 trong tổng số 128 điểm/khu/làng du lịch nông thôn được công nhận trên địa bàn tỉnh. Thế nhưng, thương hiệu du lịch nông thôn của địa phương này vẫn khá xa lạ trên bản đồ du lịch.

img_20241105_184214.jpg
Làng du lịch cộng đồng Triêm Tây (Điện Bàn) từng rất nổi tiếng và được khách quốc tế yêu thích. Ảnh: Q.T

Lượng khách đến Nam Trà My chỉ tập trung hầu hết vào dịp lễ hội sâm và kết hợp tham quan các điểm đến như vườn sâm giống Tắk Ngo, điểm săn mây Tắk Pổ, vườn quế cổ thụ, vườn tre khổng lồ… còn các khoảng thời gian khác trong năm thì rất thưa thớt.

Ông Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My nói: “Nam Trà My có mọi thứ về tiềm năng du lịch, nếu giao thông thuận lợi thì du lịch nông thôn Nam Trà My chắc chắn sẽ rất phát triển. Đáng tiếc nguồn lực của huyện hạn chế. Ngoài ra, vốn đầu tư hạ tầng khung điểm đến cũng là vấn đề quan trọng. Tỉnh cần xem xét cơ chế hỗ trợ thúc đẩy du lịch nông thôn ở Nam Trà My nói riêng và miền núi nói chung để khuyến khích các cá nhân, tổ chức có thêm động lực dấn thân làm du lịch”.

Trong khi đó, đại diện làng du lịch sinh thái Đại Bình (Nông Sơn) cho biết, thời gian qua điểm đến này hưởng lợi khá nhiều khi UBND huyện có đề án hỗ trợ phát triển du lịch tại làng. Đơn cử như việc mỗi hộ dân khi đăng ký xây dựng homestay sẽ được hỗ trợ 30 triệu đồng (đến nay tại làng đã có 4 homestay đạt chuẩn). Băn khoăn của làng chính là khi sáp nhập huyện (đầu năm 2025), liệu các chính sách hỗ trợ thúc đẩy du lịch nông thôn tại làng có còn duy trì không, trong khi tiến trình phát triển điểm đến vẫn đang dang dở?

20230609_094246.jpg
Hiện nay du lịch nông thôn ở Quảng Nam không còn chính sách hỗ trợ nào từ nghị quyết của HĐND tỉnh nên rất cần sớm có cơ chế hỗ trợ loại hình này. Ảnh: Q.T

Nhìn chung, các điểm du lịch nông thôn hiện nay chủ yếu vẫn “tự bơi” do thiếu nguồn lực đầu tư. Mặc dù được xác định là loại hình du lịch có tiềm năng lớn nhưng hiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho phát triển du lịch cộng đồng còn hạn chế. Ở cấp tỉnh, ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho hay, hiện nay du lịch nông thôn ở Quảng Nam không còn chính sách hỗ trợ nào từ nghị quyết của HĐND tỉnh. Do đó, ngành du lịch sẽ triển khai xây dựng Đề án hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn ngay trong năm 2025 để tiếp sức cho du lịch nông thôn.

Cần tiếp sức cho “mũi nhọn”

Kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Quảng Nam đến năm 2030 vừa ban hành cho thấy, Quảng Nam phấn đấu trở thành điểm đến hàng đầu khu vực về du lịch nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng. Du lịch nông nghiệp, nông thôn được tỉnh đưa vào nhóm sản phẩm du lịch chính cùng du lịch biển.

Làng du lịch sinh thái Đại Bình thời gian qua được hưởng lợi từ đề án hỗ trợ của UBND huyện Nông Sơn. Ảnh: Q.T

Ông Phạm Vũ Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch dịch vụ Hoa Hồng cho rằng, phát triển du lịch nông thôn luôn gắn với hạ tầng, nhất là giao thông - bến bãi. Ngoài ra, du lịch nông thôn, nhất là du lịch nông nghiệp thường chịu ảnh hưởng của yếu tố đất đai, nếu sớm có hành lang pháp lý rõ ràng cho vấn đề này thì chắc chắn du lịch nông thôn Quảng Nam sẽ có nhiều khởi sắc.

Ông Nguyễn Thanh Hồng cho hay, Quảng Nam sẽ tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ có liên quan để thúc đẩy phát triển du lịch nông thôn, lồng ghép đầu tư, hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng phát triển du lịch, đào tạo nguồn lao động sản xuất nông nghiệp kết hợp với làm du lịch. Sở cũng sẽ tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn để tránh sự trùng lắp, đơn điệu về sản phẩm hoặc khai thác dựa quá nhiều vào nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có. Đồng thời, Quảng Nam tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế góp phần đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn.

Thống kê của Sở VH-TT&DL, Quảng Nam hiện có 128 điểm/khu/làng du lịch nông thôn. Ước tính, có hơn 30% du khách đến Quảng Nam có trải nghiệm sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn. Các địa phương có nhiều điểm/khu/làng du lịch nông thôn như: Nam Trà My (32), Đông Giang (17), Đại Lộc (10), TP.Hội An (9), Bắc Trà My (9)…

Nguồn lực từ các tổ chức quốc tế những năm gần đây thực sự trợ lực đáng kể cho du lịch nông thôn Quảng Nam thích ứng với xu thế du lịch hậu COVID-19. Có thể kể đến sự hỗ trợ của dự án “Du lịch Thụy Sỹ vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam” (ST4SD) cho làng rau Trà Quế (TP.Hội An); hỗ trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ thông qua UNDP cho Cẩm Thanh, Cẩm Kim (TP.Hội An); hỗ trợ của UN-Habitat cho chiến lược phát triển kinh tế du lịch nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh (TP.Tam Kỳ)...

ĐỂ ĐIỂM ĐẾN NÔNG THÔN HÒA VÀO QUỸ ĐẠO DU LỊCH

Hệ thống tài nguyên tự nhiên, văn hóa ở khu vực nông thôn Quảng Nam được bảo tồn khá tốt nhưng đáng tiếc chưa hòa nhập nhiều vào quỹ đạo phát triển du lịch.

Nốt trầm của làng nghề

Làng nghề là thực thể quan trọng để thúc đẩy du lịch nông thôn. Ước tính của Sở VH-TT&DL, khoảng 15% tổng số lượt du khách đến Quảng Nam có tham quan, trải nghiệm tại các làng nghề. Hiện nay, có khoảng 10/30 làng nghề, làng nghề truyền thống phát triển gắn với du lịch. Phần lớn các làng nghề thu hút được khách tập trung tại vùng phụ cận khu phố cổ Hội An, còn lại những làng nghề cách xa trung tâm du lịch của tỉnh hầu như vắng bóng du khách.

Rừng dừa Bảy Mẫu (xã Cẩm Thanh, TP.Hội An) là điểm du lịch nông thôn thu hút khách tốt nhất hiện nay của Quảng Nam. Ảnh: H.S

Sở VH-TT&DL cũng nhìn nhận, nhiều làng nghề nằm trong định hướng phát triển gắn với phát triển du lịch nhưng quy mô nhỏ, mẫu mã sản phẩm đơn điệu, chưa có sức thu hút khách du lịch như: Làng nghề đúc đồng Phước Kiều (thị xã Điện Bàn), Làng nghề tơ lụa Mã Châu (Duy Xuyên), làng nghề dệt chiếu cói Thạch Tân (TP.Tam Kỳ), làng mộc Văn Hà (Phú Ninh)…

Nhờ vị trí địa lý thuận lợi, số ít làng nghề, nghề truyền thống ở Hội An “sống được” dựa một phần vào du lịch. Doanh thu hoạt động sản xuất kinh doanh tại làng nghề Hội An cũng khá: Trung bình làng gốm Thanh Hà đạt 6 tỷ đồng/năm; nghề tre dừa Cẩm Thanh đạt 12 tỷ đồng/năm; nghề trồng quật Cẩm Hà đạt hơn 30 tỷ đồng/năm...

Một phụ nữ ở làng Đhơ Rôồng (Đông Giang) đang dệt thổ cẩm để giao cho khách hàng. Ảnh: H.S

“Muốn phát triển du lịch tại các làng nghề thì phải có sản phẩm đặc trưng làng nghề, đảm bảo chất lượng, được du khách chấp nhận và ưa chuộng. Thực tế thời gian qua, sản phẩm làng nghề mang nhiều yếu tố đặc trưng, phát huy lợi thế về điều kiện văn hóa, tri thức, bản sắc địa phương là cơ hội lớn để phát triển sản phẩm làng nghề gắn với du lịch”, ông Đinh Hùng - Trưởng phòng Kinh tế TP.Hội An nói.

Bà Trần Thị Thu Oanh - đại diện Tổ chức Cứu trợ và phát triển quốc tế (FIDR) cho rằng, cần khuyến khích người dân ở các làng nghề tham gia các nhóm sáng kiến bởi thu nhập từ du lịch không phải là chủ đạo. Cần đa dạng hóa sinh kế từ việc phát triển các đặc sản địa phương, mặt hàng lưu niệm… Cần tối đa hóa điểm mạnh của các làng nghề, làng du lịch cộng đồng và khuyến khích sự hỗ trợ giữa cộng đồng với nhau. Đồng thời tạo cho cộng đồng mục tiêu phát triển chung để cùng nhau thực hiện thì mới có thể phát triển du lịch bền vững gắn với thúc đẩy sinh kế cho người dân.

Chờ tiếng nói chung với lữ hành

Là đơn vị đồng hành tích cực để thúc đẩy việc cải thiện sinh kế cho đồng bào miền núi Quảng Nam thông qua hoạt động du lịch, bà Trần Thị Thu Oanh cho biết, đến nay FIDR đã hỗ trợ phát triển được 9 điểm du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh tại các huyện miền núi.

Các điểm du lịch dựa vào đặc trưng của mình sẽ thiết lập các tour có bản sắc như: “Tour du lịch văn hóa Cơ Tu ở Nam Giang”, “Tour du lịch 1 ngày làm nông ở Đông Giang”, “Du lịch văn hóa Ca Dong, văn hóa Mường ở Bắc Trà My”… Qua hỗ trợ của FIDR, cơ chế phát triển du lịch tại các điểm đã được hoàn thiện và các điểm này đã có thể bắt đầu giới thiệu, chào bán sản phẩm với công ty du lịch.

Các đơn vị lữ hành khảo sát, tìm hiểu thông tin về một điểm du lịch nông thôn mới ở xã Cẩm Kim, TP.Hội An. Ảnh: H.S

“Sức sống” của các điểm du lịch nông thôn phụ thuộc rất lớn vào sự kết nối với phía lữ hành. Bà Nguyễn Thị Thu Huyền - điều phối viên quốc gia Chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ môi trường toàn cầu (UNDP) cho hay, nếu chỉ cộng đồng thì không bao giờ đủ điều kiện để làm việc với các bên liên quan trong vấn đề phát triển du lịch nông thôn.

Thông thường, khi sản phẩm du lịch hoàn chỉnh khoảng 80% thì doanh nghiệp du lịch mới quan tâm và vào khai thác. Nhưng để từ số 0 lên được 80% thì rất loay hoay, các bên đều lúng túng, do đó cần sự đồng hành của doanh nghiệp lữ hành ngay thời điểm gây dựng thì khả năng tồn tại của sản phẩm du lịch mới được nâng lên.

Bà Phạm Quế Anh - Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ du lịch Hoi An Express cho biết, nhiều điểm đến du lịch nông thôn muốn đưa sản phẩm vào khai thác kinh tế và có nguồn thu thường xuyên nhưng cần xem lại mình đã thực sự sẵn sàng chưa. Cụ thể, phải có đầu mối đứng ra nhận dịch vụ từ phía lữ hành và có kế hoạch điều phối khi lượng khách tăng lên, đơn cử như mô hình của hợp tác xã ở làng Zara (Nam Giang). Thông thường nếu muốn có khách ngay thì các điểm đến trước hết phải xây dựng sản phẩm cho tour đi về trong ngày trước khi nghĩ xa hơn.

Vẻ đẹp đồng sen Trà Lý (Duy Xuyên). Ảnh: H.S

Với thị trường nội địa, ông Lê Trung Hải Nam - đại diện Vietravel chi nhánh Đà Nẵng nhận định, khách Việt thường có xu hướng thích điểm đến “mì ăn liền” một chút. Do vậy, điều quan trọng ở các điểm du lịch nông thôn Quảng Nam là cần thuận lợi trong tiếp cận điểm đến và điểm đến có điểm nhấn, chạm được vào cảm xúc của du khách.

“Các làng nghề ở Quảng Nam hầu như chưa xây dựng được trải nghiệm sâu cho du khách mà mới chủ yếu dừng ở việc phục dựng. Ngoài ra, liên kết giữa các điểm đến còn rất rời rạc trong khi với chất liệu của một số điểm đến hoàn toàn có thể xây dựng nên những chuỗi câu chuyện liền mạch rất độc đáo đơn cử như trải nghiệm lộ trình “ngũ hành” Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ thì sẽ rất hấp dẫn”, ông Hải Nam nói.

DU LỊCH GẮN VỚI NÔNG THÔN MỚI

Phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025. Lồng ghép nguồn lực xây dựng nông thôn mới để kích hoạt du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển mạnh mẽ là điều đặt ra.

Lồng ghép nguồn lực xây dựng nông thôn mới

Được triển khai tháng 7/2014, Làng du lịch cộng đồng Triêm Tây (Điện Bàn) trở thành mô hình du lịch nông thôn đầu tiên của tỉnh tận dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư khi “lôi kéo” gần 10 đơn vị, phòng ban của thị xã cùng tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng đường sá, kè chống sạt lở… Hơn nửa kinh phí đầu tư trong đó được huy động, điều chuyển từ các nguồn xây dựng nông thôn mới; đào tạo nghề, phát triển việc làm… Đây được xem là cách làm hay mang tính tiên phong của Điện Bàn trong việc phát triển mô hình du lịch nông thôn mà các địa phương khác có thể tham khảo.

Việc lồng ghép các nguồn lực xây dựng nông thôn mới sẽ giúp hoàn thiện hạ tầng, thay đổi diện mạo làng quê giúp du lịch nông thôn phát triển. Ảnh: K.L

Những năm gần đây, phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới được đánh giá là hướng đi phù hợp và mang tính tương tác cao. Tận dụng các nguồn lực đầu tư về hạ tầng, cải tạo môi trường, cảnh quan mang lại diện mạo mới cho các làng quê. Ngược lại, thông qua việc cung cấp các dịch vụ ăn, ở, sinh hoạt, lao động sản xuất phục vụ khách, du lịch nông thôn góp phần thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo sinh kế và thu nhập cho cộng đồng dân cư, đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng nông thôn hiện đại và bền vững.

Nghị quyết 82 của Chính phủ khẳng định tầm quan trọng của du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới. Tại Quảng Nam, để thực hiện chương trình phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, địa phương đặt mục tiêu đến năm 2025 mỗi huyện, thị xã, thành phố có tiềm năng và thế mạnh về phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn xây dựng ít nhất 1 sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch; đồng thời phấn đấu có ít nhất 50% số sản phẩm này được công nhận đạt chuẩn OCOP từ hạng 3 sao trở lên.

Tạo cú hích cho du lịch nông thôn

Phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, hướng tới nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng bền vững là mục tiêu nhiều địa phương đang hướng đến.

Du lịch nông thôn phát triển giúp các sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề được tiêu thụ dễ dàng. Ảnh: K.L

Ông Dương Đức Lin – Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước nhìn nhận, nếu thực hiện được các mục tiêu phát triển du lịch nông thôn thì hiệu quả mang lại sẽ rất thiết thực, nhất là trong việc tiêu thụ nông sản và các sản phẩm OCOP.

“Tiên Phước có nhiều sản phẩm nông nghiệp, làng nghề, sản phẩm OCOP, nhất là các thương hiệu về tiêu, quế… thông qua việc đầu tư hạ tầng nông thôn mới và phát triển du lịch nông thôn sẽ góp phần đưa sản phẩm địa phương dễ dàng tiếp cận thị trường tốt hơn” – ông Lin chia sẻ. Thực tế cho thấy, rất nhiều sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP địa phương đã được “xuất khẩu tại chỗ” thông qua các hoạt động du lịch nông thôn. Đơn cử, tại làng du lịch Zara (Nam Giang) hầu hết sản phẩm dệt thổ cẩm nơi đây đều bán cho khách thông qua các hoạt động du lịch.

Theo Sở VH-TT&DL, thời gian qua bên cạnh phối với các sở ngành trong tỉnh ban hành các văn bản liên quan đến đầu tư, quy hoạch du lịch nông thôn, sở cũng đã phối hợp Văn phòng Điều phối nông thôn mới bố trí kinh phí đầu tư hạ tầng và hỗ kỹ thuật cho các điểm du lịch nông thôn. Chỉ riêng 2 năm 2023, 2024 Sở VH-TT&DL đã đề xuất hỗ trợ triển khai 14 mô hình du lịch nông nghiệp tại các địa phương, tổng gần 19 tỷ đồng.

“Du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đang dần phát triển theo đúng định hướng và quy hoạch của tỉnh, bước đầu có hiệu quả, giúp tạo ra việc làm, cải thiện sinh kế, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng năng suất lao động ở khu vực nông thôn; góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của khu vực nông thôn” – đại diện Sở VH-TT&DL cho biết.

GIAN NAN KHỞI NGHIỆP DU LỊCH NÔNG THÔN

Khá ít “start-up” lựa chọn khởi nghiệp ở lĩnh vực du lịch nông thôn, dù Quảng Nam sở hữu nhiều tiềm năng về cảnh quan, sinh thái, làng quê...

Trầm lắng

Cuối năm 2019, ông Nguyễn Phong Lợi (xã Điện Phong, Điện Bàn) cùng những người bạn góp vốn thành lập Tổ du lịch cộng đồng Cẩm Phú nhằm phát triển du lịch địa phương. Đến giữa năm 2020, với sự hỗ trợ, hợp tác của một doanh nghiệp lữ hành, Làng du lịch cộng đồng Cẩm Phú ra đời.

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 xuất hiện, khách vắng khiến hiệu quả kinh doanh kém, mô hình du lịch hoạt động cầm chừng. Cuối năm 2023, ông Lợi quyết định rút khỏi dự án.

Hầu hết mô hình khởi nghiệp nông thôn, nhất là ở miền núi chưa ứng dụng công nghệ vào hoạt động quảng bá, kết nối khách hàng. Ảnh: Đ.T

“Khi bắt tay khởi nghiệp du lịch tôi nghĩ sẽ khai thác, tận dụng được những lợi thế, cảnh đẹp địa phương nhưng rồi đại dịch COVID-19 xuất hiện, khách không có, trong khi vẫn phải bỏ chi phí ra chăm sóc cảnh quan, cải tạo, sửa chữa các công trình nhà đón tiếp sau mỗi mùa bão lũ hoặc dịp lễ tết… nên tôi không còn đủ đam mê và khả năng để theo đuổi ước mơ khởi nghiệp du lịch trên quê hương” – ông Lợi chia sẻ.

Sở hữu 2 di sản văn hóa thế giới cùng nhiều cảnh quan, sinh thái làng quê, đặc biệt có vị trí nằm gần trung tâm du lịch Đà Nẵng, Quảng Nam được đánh giá là mảnh đất màu mỡ cho các start-up khởi nghiệp du lịch nông thôn. Nhưng thực tế không hề đơn giản. Ông Nguyễn Phong Lợi cho rằng, lợi thế gần trung tâm du lịch cũng mang lại thách thức cho các mô hình khởi nghiệp từ du lịch nông thôn.

“Ở Hội An hầu như có tất cả loại hình, sản phẩm du lịch khách dễ dàng lựa chọn, nên họ chỉ đến các điểm du lịch nông thôn bên ngoài nếu có thời gian. Cạnh đó, hạ tầng, giao thông chật hẹp, liên kết điểm đến hạn chế dẫn tới khó thu hút khách trải nghiệm các mô hình, dự án du lịch nông thôn” – ông Lợi phân tích thêm.

Hơn 10 năm trước, cùng với sự ra đời các làng du lịch cộng đồng, nhiều dự án, mô hình khởi nghiệp du lịch nông thôn cũng xuất hiện trên địa bàn tỉnh. Một số tổ hợp tác, HTX, các điểm ăn uống, trải nghiệm cảnh quan sinh thái làng quê hình thành từ cộng đồng người dân bản địa, góp phần mở ra những mô hình khởi nghiệp sơ khai.

Hầu hết mô hình đều ở quy mô nhỏ lẻ, năng lực điều hành yếu, sản phẩm ít hàm lượng sáng tạo hoặc không tạo ra giá trị khác biệt. Chưa kể, những mô hình khai thác tài nguyên có sẵn như ẩm thực, cảnh quan, sản phẩm làng nghề, không có sự gia công nâng tầm giá trị dịch vụ, dẫn đến hiệu quả khai phá tiềm năng về du lịch nông thôn thấp, vắng khách. Kết quả nhiều mô hình phá sản, bỏ cuộc dẫn đến phong trào khởi nghiệp du lịch nông thôn cũng trở nên trầm lắng.

“Rào cản” từ công nghệ số

Khảo sát một số mô hình khởi nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh cho thấy, bên cạnh nguồn vốn đầu tư, tìm kiếm thị trường khách thì việc ứng dụng công nghệ số vào công tác quảng bá, kết nối thị trường, đối tác rất quan trọng. Tuy nhiên, đây cũng chính là “rào cản” khiến các mô hình khởi nghiệp gặp khó khăn, không bền vững.

Tại điểm du lịch văn hóa Âu Lạc, khách nước ngoài được hào hứng với sản phẩm của chạm trổ. Ảnh: LÊ TRỌNG KHANG

Theo bà Đinh Thị Thìn - điều hành Cơtu CBT Tours (xã Sông Kôn, huyện Đông Giang), vấn đề luôn được các start-up quan tâm nhất chính là nguồn vốn. Đầu năm 2023, bà Thìn đầu tư 500 triệu đồng xây mới một homestay đón khách du lịch, phần lớn số tiền này vay mượn từ người thân, vì ngân hàng chỉ cho vay tối đa 100 triệu đồng.

“Khởi nghiệp du lịch nông thôn vô cùng khó khăn, nhất là tại miền núi. Ngoài nguồn vốn, sự hợp tác của người dân, sự đồng hành của chính quyền địa phương thì chúng tôi cũng cần sự quan tâm hỗ trợ của ngành du lịch trong việc định hướng thị trường… Chưa kể, việc ứng dụng công nghệ vào quảng bá kết nối khách, khách hàng tại vùng núi cũng không hề đơn giản mà bản thân start-up khó thể một mình làm được” - bà Thìn dẫn giải.

Hiện tại, việc quảng bá, kết nối thị trường của các start-up chủ yếu thực hiện trên một số nền tảng mạng xã hội. Ông Trần Thu – Giám đốc Công ty TNHH Gỗ Nghệ thuật Âu Lạc (đơn vị quản lý điểm du lịch văn hóa Âu Lạc) nhìn nhận, yếu tố công nghệ cực kỳ quan trọng đối với các mô hình khởi nghiệp du lịch. Tại điểm du lịch văn hóa Âu Lạc, đa số giao dịch, kết nối khách hàng đều được đơn vị thực hiện qua các nền tảng công nghệ số như website, fanpage, Youtube… và liên kết với một số trang du lịch nhằm thu hút du khách quốc tế.

“Điểm du lịch văn hóa Âu Lạc có thuận lợi vì sở hữu những nền tảng về không gian, cảnh quan, hạ tầng cơ sở nghề, đặc biệt sở hữu nút vàng youtube… nên việc triển khai mô hình dự án tương đối thuận lợi, lượng khách không ngừng gia tăng. Tôi nghĩ, để mô hình khởi nghiệp du lịch nông thôn phát triển bền vững thì ngoài yếu tố về nguồn vốn, không gian, cảnh quan, kỹ năng ngoại ngữ… thì không thể thiếu yếu tố công nghệ, đặc biệt là giá trị cốt lõi của sản phẩm” – ông Thu phân tích.

Nội dung: QUỐC TUẤN - HÀ SẤU - KHÁNH LINH VĨNH LỘC

Trình bày: MINH TẠO

QUỐC TUẤN - HÀ SẤU - KHÁNH LINH VĨNH LỘC