Cơ hội phát triển hợp tác xã
Một loạt chính sách được áp dụng từ đầu tháng 11/2024, hy vọng sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển, trong đó có Nghị định số 113/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã (HTX).
Câu chuyện HTX gặp nhiều khó khăn đã từng được nhận diện và phân tích ở các diễn đàn.
Ở tầm quốc tế, tháng 9 năm ngoái đã có hội thảo quốc tế về “Luật HTX năm 2023 và những định hướng chính sách hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế, HTX”, do Bộ Kế hoạch và đầu tư cùng Liên đoàn HTX Raiffeisen – DGRV(Cộng hòa Liên bang Đức) tổ chức.
Tại hội thảo này, nhiều ý kiến cho thấy kinh tế tập thể nói chung, loại hình HTX nói riêng, gặp những khó khăn nội tại như cơ sở hạ tầng, vật chất, kỹ thuật nghèo nàn; các chính sách của Nhà nước về cơ bản chưa hỗ trợ được nhiều cho các HTX; các HTX gặp khó khăn trong tiếp cận các chính sách về vốn, đất đai, về khoa học công nghệ, thị trường,... Đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư bùng nổ, tác động xấu thời hậu COVID, thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, biến đổi khí hậu phức tạp, thì các HTX càng gặp thách thức.
Ở tầm quốc gia, Liên minh HTX đã tổ chức Diễn đàn HTX quốc gia, với chủ đề “Phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm” được tổ chức vào tháng 4/2024. Trong diễn đàn này, đại diện chính phủ đã đưa ra nhận định khu vực kinh tế tập thể, HTX còn nhiều yếu kém như năng lực sản xuất kinh doanh còn yếu, khoa học - công nghệ hạn chế, giá trị sản phẩm trên thị trường chưa cao, liên kết giữa HTX với doanh nghiệp còn lỏng lẻo; chất lượng nguồn nhân lực khu vực HTX còn hạn chế, khó khăn tiếp cận nguồn vốn vay do không có tài sản thế chấp, hoạt động sản xuất kinh doanh thiếu bền vững; chính sách hỗ trợ liên kết chuỗi giá trị ở một số địa phương chưa được cụ thể hóa.
Đặc biệt, điều kiện quy định thụ hưởng chính sách liên kết còn nhiều điểm chưa rõ ràng, nên phát triển liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản còn hạn chế; hạ tầng phục vụ sản xuất và kinh doanh còn yếu; xây dựng mã vùng trồng khó khăn; bảo hiểm nông nghiệp gắn với liên kết theo chuỗi giá trị thiếu bền vững… Trong khi đó, một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức đối với phát triển HTX.
Còn ở góc nhìn Quảng Nam thì sao? Vào tháng 8 năm nay đã có một cuộc đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với các HTX được tổ chức. Tại đây, những khó khăn của kinh tế HTX cũng được nhận diện như thực trạng chung trong cả nước, và có điểm mấu chốt là các HTX đang lúng túng tìm kiếm thị trường, loay hoay tổ chức hoạt động sản xuất - kinh doanh; các HTX còn gặp nhiều rào cản trong tiếp cận cơ chế chính sách về đất đai, tín dụng, nhân lực...
Sẽ không thể kể hết khó khăn, nhưng chuyện quan trọng ở đây là phương cách tháo gỡ. Luật HTX năm 2023 đã mở hướng khắc phục nhiều rào cản trong phát triển HTX. Trong đó thể chế hóa đầy đủ 8 nhóm chính sách hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị; đồng thời đã có chương trình hành động với 48 đề án xác định rõ cơ quan chủ trì nhằm phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, HTX.
Tiến thêm bước quan trọng là Nghị định số 113/2024/NĐ-CP ra đời, có hiệu lực từ ngày 1/11/2024. Theo đó, Chính phủ có hàng loạt chính sách về: hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ thông tin; hỗ trợ xây dựng mạng lưới cung cấp dịch vụ tư vấn; hỗ trợ nhân rộng mô hình HTX, liên hiệp HTX hoạt động hiệu quả; hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; hỗ trợ tiếp cận và nghiên cứu thị trường; hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trang thiết bị; hỗ trợ tư vấn tài chính và đánh giá rủi ro; hỗ trợ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp...
Chính sách hỗ trợ như vậy là khá đầy đủ nhưng có hiệu quả hay không là phải đưa vào cuộc sống và tổ chức thực hiện. Trước hết câu chuyện đặt ra với Quảng Nam là làm sao nhanh chóng phổ biến, triển khai thực hiện Nghị định 113/2024/NĐ-CP đến các cấp chính quyền, đặc biệt là cho hơn 650 HTX và 1 Liên hiệp HTX hoạt động trên địa bàn.
Cơ hội phát triển chỉ có thể thành hiện thực khi nắm được chìa khóa thời gian. Càng sớm càng tốt!