Định hướng phát triển đô thị tại Quảng Nam: Ưu tiên nguồn lực tăng tỷ lệ đô thị hóa
Quảng Nam phấn đấu đến năm 2025 đạt tỷ lệ đô thị hóa 37%. Ở giai đoạn tiếp theo nâng tỷ lệ này lên 40%, với điểm nhấn là tập trung xây dựng đô thị động lực phía nam trên cơ sở hình thành liên kết cụm các đô thị Tam Kỳ - Núi Thành và khu vực phụ cận.
Thời gian qua, Quảng Nam bước đầu đã có sự chuẩn bị cho công tác phát triển đô thị. Tuy nhiên, do gặp khó khăn vì dịch COVID-19, hụt thu ngân sách nên nguồn đầu tư hạ tầng và những vấn đề liên quan phục vụ phát triển đô thị bị chững lại. Đặc biệt, tiến độ thực hiện quy hoạch của tỉnh còn khá chậm, ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng đô thị.
Hình thành liên kết các cụm đô thị
Tháng 4/2024, Tỉnh ủy tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 08 ngày 4/5/2021. Theo đó đánh giá thời gian qua, do chưa đủ cơ sở pháp lý theo quy định nên việc quản lý, triển khai Chương trình phát triển đô thị loại I trực thuộc tỉnh được thực hiện theo hướng tích hợp các Chương trình phát triển đô thị của 3 địa phương: Tam Kỳ, Núi Thành, Phú Ninh.
Hiện nay, các quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng và chương trình phát triển đô thị của 3 địa phương đã cơ bản đủ điều kiện để triển khai các dự án đầu tư theo từng chương trình.
UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương tiến hành rà soát, điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị thuộc địa bàn quản lý; đề xuất các danh mục hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội liên kết vùng, đáp ứng cơ sở pháp lý về đầu tư. Đồng thời, phối hợp đề xuất bố trí các nguồn vốn đầu tư công, nguồn vốn trung ương, vốn vay ODA để ưu tiên triển khai đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2026 - 2030.
Ban Cán sự đảng UBND tỉnh cho biết, Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 72/1/2024.
Hồ sơ Quy hoạch tỉnh đã xác định phương án phát triển đô thị tỉnh lỵ, làm cơ sở xây dựng Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh, xây dựng kế hoạch thực hiện, nguồn lực thực hiện; làm cơ sở pháp lý cao nhất để triển khai thực hiện Nghị quyết 08. Trong phương án Quy hoạch tỉnh hiện có xác định giai đoạn 2021 - 2025 Tam Kỳ là đô thị loại II; ở giai đoạn 2026 - 2030 Tam Kỳ - Núi Thành - Phú Ninh là đô thị loại I.
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo về phát triển đô thị và sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) tỉnh Quảng Nam vừa qua, Sở Xây dựng cho biết, trong giai đoạn này, đề án đã thực hiện rà soát, đánh giá hiện trạng đô thị Tam Kỳ so với tiêu chí đô thị loại I theo Nghị quyết số 1210 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, TP.Tam Kỳ thiếu 12/59 tiêu chuẩn.
Trong đó, chưa đáp ứng 2 tiêu chí cơ bản, gồm chức năng vai trò đô thị và các tiêu chuẩn liên quan đến dân số. Từ đó, UBND tỉnh đã tham mưu một số giải pháp, cụ thể: thống nhất về không gian đô thị tỉnh lỵ; xác định nhiệm vụ thực hiện điều chỉnh, sáp nhập ĐVHC là nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng cơ chế đầu tư, tài chính phù hợp với chủ trương của Đảng, pháp luật về tài chính, đầu tư... của Nhà nước.
Về mục tiêu tổng thể phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024 - 2030, theo ông Nguyễn Thanh Tâm - Giám đốc Sở Xây dựng, đến năm 2030, Quảng Nam tập trung xây dựng đô thị động lực phía nam trên cơ sở hình thành liên kết cụm các đô thị Tam Kỳ - Núi Thành và khu vực phụ cận; đảm bảo thực hiện các chức năng trong mối liên kết cụm đô thị theo quy hoạch hệ thống đô thị - nông thôn quốc gia. Đến năm 2050, hoàn chỉnh cấu trúc, chức năng đô thị mới, đạt theo tiêu chí đô thị loại I, theo hướng đặc thù “Xanh - Thông minh - Sáng tạo”.
Theo quy hoạch đô thị tỉnh Quảng Nam, giai đoạn đến 2025: Tỷ lệ đô thị hóa đạt 37%, với số lượng 23 đô thị. Một số nhiệm vụ chính: công nhận đô thị loại V cho 4 đô thị: Duy Hải - Duy Nghĩa; Bình Minh; Tam Dân; Đại Hiệp. Công nhận cấp hành chính thị trấn cho đô thị Tăk Pỏ; A Tiêng.
Giai đoạn 2026 - 2030: Tỷ lệ đô thị hóa đạt 40%, với số lượng 25 đô thị. Trường hợp sáp nhập Tam Kỳ - Núi Thành; công nhận hành chính thị xã cho Thăng Bình (gộp Hà Lam - Bình Minh) và Duy Xuyên (gộp Nam Phước, Kiểm Lâm, Duy Hải - Duy Nghĩa); tổng số đô thị còn 21 đô thị.
Ưu tiên nguồn lực đầu tư
Nói về những cơ sở pháp lý cho việc thực hiện sắp xếp phát triển đô thị loại I, Bí thư Thành ủy Tam Kỳ Nguyễn Thị Thu Lan đề nghị Sở Xây dựng - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo hỗ trợ địa phương cụ thể hóa các nhiệm vụ theo hướng rõ đầu việc, lộ trình thực hiện, trách nhiệm cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, tiến độ hoàn thành các công việc về phát triển đô thị nói chung và phát triển đô thị loại I.
“Phát triển đô thị loại I là nhiệm vụ rất quan trọng ở giai đoạn 2026 - 2030. Song cần sớm làm tốt việc lấy ý kiến của các cơ quan chuyên môn, nhân dân… Để có cơ sở khoa học, tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về sắp xếp hai ĐVHC Tam Kỳ và Núi Thành, Ban Chỉ đạo cần sớm ban hành cơ chế đặc thù trong xây dựng, phát triển đô thị loại I” - bà Lan nói.
Theo ông Nguyễn Thanh Tâm - Giám đốc Sở Xây dựng, thời gian tới, các ngành, địa phương liên quan sẽ tập trung cho các nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế mở Chu Lai; lập quy hoạch chung đô thị Tam Kỳ, quy hoạch chung đô thị Núi Thành phù hợp, gắn với mục tiêu xây dựng đô thị loại I; tổ chức thực hiện Quy hoạch xây dựng liên vùng huyện phía đông; đồng thời triển khai điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh đã được phê duyệt, đảm bảo phù hợp theo định hướng quy hoạch đô thị nông thôn quốc gia và kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh…
Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết - Trưởng ban Chỉ đạo về phát triển đô thị và sắp xếp ĐVHC tỉnh Quảng Nam thống nhất theo mục tiêu từng giai đoạn làm cơ sở để thực hiện công tác chỉ đạo, đề xuất giải pháp phù hợp trong tiến độ phát triển đô thị của tỉnh.
Các thành viên Ban Chỉ đạo rà soát các nhiệm vụ theo Chương trình số 05 ngày 16/9/2021, gắn các với mục tiêu cụ thể để kịp thời có điều chỉnh, bổ sung thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn 2024 - 2025. Đồng thời đề nghị Sở Xây dựng rà soát, đề xuất bổ sung lại nhiệm vụ cho các ngành trên cơ sở Chương trình số 05, báo cáo lại Thường trực Ban Chỉ đạo quyết định, giao nhiệm vụ.
Để thực hiện các mục tiêu đặt ra, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết yêu cầu HĐND, UBND tỉnh phải ưu tiên bố trí nguồn lực, nguồn vốn đầu tư cho các đô thị có tính động lực, nâng tỷ lệ đô thị hóa các đô thị loại V.
Như huyện Thăng Bình muốn lên thị xã thì phải đạt ít nhất 40% đô thị, nhưng đến nay, mới được 10%. Như vậy, đến 2030 cần tập trung nguồn lực để tỷ lệ đô thị đạt 30% nữa. Phải có ít nhất 6 xã đủ chuẩn lên phường thì Thăng Bình mới đạt tiêu chí cơ bản trở thành thị xã.
“Ở nội dung này, HĐND tỉnh phải giám sát, đại biểu HĐND, các sở phải kiến nghị, phản ánh, nếu không khi Sở Xây dựng đề xuất phát triển nâng tỷ lệ đô thị, nhưng Sở KH-ĐT đề xuất phân bổ theo dự án này, dự án kia, không đi vào trọng tâm, các mục tiêu đi lệch pha, không gặp nhau sẽ không bao giờ hoàn thành được.
Chúng ta phải xác định ưu tiên nguồn lực đầu tư cho cả cho Tam Kỳ, Núi Thành, Thăng Bình, Duy Xuyên... Ưu tiên đầu tư rõ ràng, các ngành phối hợp đồng bộ, không để bị chệch hướng” - đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết chỉ đạo.