Quy hoạch - Đầu tư

Cần lấp khoảng trống thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp

VĨNH LỘC - TUYẾT TRINH 11/11/2024 08:09

(QNO) – Cụm công nghiệp (CCN) đóng vai trò động lực trong phát triển công nghiệp của mỗi địa phương ở Quảng Nam. Thế nhưng, thời gian qua việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào CCN vẫn còn nhiều vướng mắc, hạn chế từ mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật, xử lý môi trường đến những cơ chế, chính sách…

tit.png

(QNO) – Cụm công nghiệp (CCN) đóng vai trò động lực trong phát triển công nghiệp của mỗi địa phương ở Quảng Nam. Thế nhưng, thời gian qua việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào CCN vẫn còn nhiều vướng mắc, hạn chế từ mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật, xử lý môi trường đến những cơ chế, chính sách…

TIT PHU 1

Huyện Nam Giang có 2 CCN gồm CCN thôn Hoa (trên 37ha, thị trấn Thạnh Mỹ) và CCN Cà Đăng (30ha, xã Tà Bhing). Mặc dù được phê duyệt hoạt động từ nhiều năm trước nhưng hiện vẫn chưa thu hút doanh nghiệp vào đầu tư. Tại CCN thôn Hoa, năm 2017 có 2 dự án sản xuất thép gạch công nghệ cao đăng ký đầu tư và triển khai giải phóng, san lấp mặt bằng nhưng đến nay vẫn chưa xây dựng nhà máy, thậm chí có nguy cơ bỏ dự án. Với CCN Cà Dăng, tình hình cũng không sáng sủa hơn khi nơi đây vắng bóng nhà đầu tư.

Đâu chỉ riêng Nam Giang gặp khó trong thu hút đầu tư vào CCN, mà nhiều địa phương miền núi cũng rơi vào tình trạng tương tự. Tại các CCN trên địa bàn huyện Hiệp Đức, chỉ có 6 doanh nghiệp đang hoạt động, chủ yếu thuộc 2 nhóm ngành gồm chế biến nông lâm sản như dăm gỗ, viên nén năng lượng, chế biến mủ cao su... (4/6 doanh nghiệp) và may công nghiệp, đa phần quy mô nhỏ lẻ.

ca1.png
Các CCN miền núi chủ yếu thu hút doanh nghiệp sản xuất chế biến lâm sản.

Trong khi đó, theo quy hoạch, Hiệp Đức có 15 CCN với tổng diện tích hơn 224ha. Ngoài một số CCN đã hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật (đường, vỉa hè, hệ thống thoát nước, cây xanh…), các CCN còn lại đang trong quá trình đầu tư dở dang. Một số CCN vẫn chưa được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc hoàn thiện hệ thống thoát nước mặt chung cho toàn CCN...

Ông Trần Thọ - Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Hiệp Đức thừa nhận, do vị trí nằm ở vùng trung du nên việc kêu gọi đầu tư vào các CCN ở Hiệp Đức không thuận lợi, nhất là những hạn chế về hạ tầng, kết nối giao thông với các địa phương đồng bằng.

Thực tế ngoài thiếu mặt bằng sạch, hầu hết địa phương miền núi đều gặp bất lợi về hạ tầng giao thông do cách xa các trung tâm hậu cần, bến cảng...

Theo ông Nguyễn Đăng Chương – Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, nếu so với một số địa phương miền núi của tỉnh, Nam Giang vẫn có lợi thế hơn khi chỉ cách trung tâm TP.Đà Nẵng khoảng 65km nhưng vẫn khó kêu gọi dự án đầu tư, mặc dù cũng có vài doanh nghiệp lên khảo sát, tìm hiểu…

BOX 1
TIT PHU 2

Tính đến giữa năm 2024, đã có 59 CCN được thành lập trên địa bàn tỉnh, tổng diện tích khoảng 1.678ha (diện tích đất công nghiệp hơn 1.223ha). Trong đó, 53 CCN đã quy hoạch chi tiết (tổng diện tích gần 1.468ha, diện tích đất công nghiệp trên 1.071ha), tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt 71%. Tuy nhiên, nếu chỉ tính diện tích đất công nghiệp đã thu hồi và giao cho doanh nghiệp thì tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 51%. Trong số khoảng 381 dự án đăng ký đầu tư thì mới khoảng 190 dự án được thực hiện, hoạt động sản xuất, giải quyết việc làm thực tế hơn 30 nghìn lao động.

Nhằm nâng cao hiệu quả khai thác CCN, thời gian qua các sở, ngành liên quan của tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp sắp xếp, phân bố các CCN hợp lý gắn với việc ban hành chính sách, giải pháp quản lý, đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thu hút đầu tư, giải quyết việc làm tại chỗ... Đến nay, hầu hết CCN vùng đồng bằng đều kín doanh nghiệp đăng ký đầu tư.

Cụm công nghiệp_baoquangnam.vn
Infogram

Tại Điện Bàn, với vị trí thuận lợi về giao thông (gần sân bay, bến cảng) nên các CCN nơi đây đã trở thành “địa chỉ vàng” thu hút đầu tư. Mặc dù tỷ lệ lấp đầy theo quyết định của UBND tỉnh hiện mới khoảng 70% nhưng trên thực tế tỷ lệ nhà đầu tư đăng ký đã đạt gần 100% (30% dự án chưa thể triển khai do vướng hoặc đang trong quá trình giải phóng mặt bằng). Chưa kể, nhiều doanh nghiệp đăng ký đầu tư ngành nghề nhưng do không đáp ứng yêu cầu nên không được chấp thuận.

Điện Bàn có 11 CCN đã quy hoạch, phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 30.030 tỷ đồng; cơ cấu ngành công nghiệp chiếm khoảng 43% trong cơ cấu kinh tế của toàn thị xã. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp địa phương đến năm 2025 đạt 4.995 tỷ đồng.

ca3.png
Một số dự án đầu tư vào CCN có quy mô nhỏ lẻ, không tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương.

Thời điểm này, đã có 84 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chỉ mới 44 doanh nghiệp hoạt động, giải quyết việc làm khoảng 4.100 lao động, số còn lại đang hoàn thiện các thủ tục đầu tư hoặc chờ văn bản hướng dẫn mới về Luật Đất đai để tiến hành giải phóng mặt bằng…

Tại TP.Hội An, CCN Thanh Hà – CCN duy nhất hoạt động trên địa bàn đang gặp rào cản khi kêu gọi đầu tư do vướng những quy định, ngành nghề đăng ký không phù hợp với quy hoạch. Hệ lụy là nhiều khu đất bỏ hoang gây lãng phí tài nguyên.

ca2.png
Mặc dù có vị trí đắc địa nhưng CCN Thanh Hà (Hội An) còn nhiều diện tích đất trống.

Theo ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, nguyên nhân ít doanh nghiệp đầu tư vào CCN Thanh Hà chủ yếu do vướng những quy trình thủ tục, quá trình thẩm duyệt dự án kỹ càng. Hiện, Hội An đang xem xét một số dự án đủ điều kiện, phù hợp với định hướng phát triển của thành phố để đề nghị các sở, ngành hữu quan thẩm định trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt. Tỷ lệ dự án lấp đầy trong CCN Thanh Hà hiện đạt 70%, tuy nhiên nếu một số dự án được tỉnh phê duyệt sẽ giúp nâng tỷ lệ lấp đầy lên trên 80%. Khoảng 20% diện tích còn lại chưa có doanh nghiệp đầu tư.

Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư 2 dự án vào CCN Thanh Hà gồm Nhà máy sản xuất và gia công linh kiện máy công nghiệp có độ chính xác cao của Công ty TNHH Ohnoseiko Việt Nam, vốn đầu tư 30 tỷ đồng, diện tích đất sử dụng khoảng 6.887m2 (dự kiến, hoạt động từ tháng 11/2025) và dự án Nhà máy sản xuất nội thất gỗ của Công ty TNHH MTV AZ Furniture, vốn đầu tư hơn 22 tỷ đồng, diện tích đất sử dụng là 7.500m2, dự kiến đi vào hoạt động khoảng tháng 3-4/2026.

ca5.png
Hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật CCN vừa là yêu cầu nhưng cũng là rào cản doanh nghiệp đầu tư vào CCN.

Tương tự, tại huyện Đại Lộc, dù được đánh giá là điểm sáng trong thu hút đầu tư với 43 dự án, tỷ lệ sử dụng đất đạt 78% (10 CCN có tỷ lệ lấp đầy dự án đạt gần 100%) nhưng vẫn còn khoảng 22% diện tích đất CCN chưa có nhà đầu tư.

Theo quy hoạch, huyện Đại Lộc có 18 CCN nhưng hiện mới chỉ 14 CCN (tổng diện tích 421ha) đủ điều kiện thu hút đầu tư. Ông Trương Công Trái - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất và CCN huyện Đại Lộc thừa nhận, ngoài hạn chế mặt bằng sạch thì khó nhất trong thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các CCN Đại Lộc chính là thiếu nhà máy xử lý nước thải và hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng do vướng Nghị quyết 34 của HĐND tỉnh và Quyết định 3043 của UBND tỉnh về đầu tư hạ tầng kỹ thuật vào CCN.

Đến nay, chỉ 2 CCN ở Đại Lộc có hệ thống xử lý nước thải do tư nhân đầu tư. Vừa qua, HĐND huyện ban hành Nghị quyết 26 đồng ý cho Trung tâm Phát triển quỹ đất và CCN huyện Đại Lộc đầu tư công một số hạng mục xử lý nước thải trong CCN Đại Lộc từ nay đến năm 2027.

ca4.png
Nhiều diện tích CCN bỏ hoang, chậm triển khai gây lãng phí tài nguyên đất.

“Đại Lộc thuận lợi hơn một số địa phương khác trong thu hút đầu tư vì hưởng lợi từ hạ tầng kỹ thuật TP.Đà Nẵng nhưng cũng gặp khó khi hầu hết đất CCN gần như chưa được bồi thường, san lấp mặt bằng; hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, trong khi không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đủ năng lực ứng tiền san lấp mặt bằng, đầu tư hạ tầng. Ngoài ra, việc thu hút dự án đầu tư còn vướng Luật Môi trường với các quy định, yêu cầu ngày càng siết chặt, chỉ cần dự án có xử lý nước thải hay hóa chất cũng sẽ khó hơn” – ông Trái chia sẻ.

BOX 2
TIT PHU 3

Với mục tiêu phát triển xanh, bền vững, Quảng Nam chủ trương không kêu gọi, thu hút những ngành nghề sản xuất phát thải lớn và dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường vào CCN. Đây cũng là lý do giải thích về tỷ lệ lấp đầy diện tích chưa cao tại các CCN hiện nay.

Ông Đặng Hữu Phúc – Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho rằng, một trong những yếu tố dự án được địa phương xem xét đầu tiên chính là giải quyết nhiều lao động tại chỗ. Tại Duy Xuyên, tuy tỷ lệ lấp đầy dự án chỉ 64% nhưng đã giải quyết việc làm cho hơn 4.000 lao động địa phương. Trong quy hoạch, huyện Duy Xuyên có 5 CCN (Tây An, Tây An 1, Đông Yên, Duy Nghĩa 1, Gò Biên) nhưng hiện chỉ 3 CCN (Tây An, Tây An 1, Đông Yên) đủ điều kiện thành lập, thu hút khoảng 20 doanh nghiệp đầu tư (gồm 3 doanh nghiệp FDI), chủ yếu sản xuất bao bì, may mặc, sợi chỉ… Riêng CCN Duy Nghĩa vẫn đang trong quá trình thu hút doanh nghiệp đầu tư hạ tầng kỹ thuật.

Theo quy định, những CCN nhà nước quản lý nếu doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư thì phải tự bỏ kinh phí ra giải phóng mặt bằng, số tiền này sẽ được khấu trừ vào tiền thuê đất sau này, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng đủ khả năng để giải phóng mặt bằng vì chi phí cao.

BOX 3

Ông Nguyễn Thanh Quang – Phó Giám đốc Sở Công Thương thừa nhận, từ khi Nghị quyết 34 ra đời chưa có doanh nghiệp nào vào đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN để hưởng cơ chế này (do mức hỗ trợ thấp), doanh nghiệp không mặn mà.

Từ nhiều năm nay, việc quản lý đầu tư CCN tại một số địa phương chủ yếu do các cơ quan nhà nước đảm nhận. Đơn cử tại Điện Bàn, đầu mối quản lý CCN do Phòng Kinh tế thị xã; quản lý hạ tầng, nâng cấp, sửa chữa, xây dựng do Ban Quản lý dự án thị xã; giải phóng mặt bằng do Trung tâm Phát triển quỹ đất, quản lý môi trường thuộc Phòng TN-MT. Từ khi Nghị quyết 34 ra đời, việc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư và hạ tầng kỹ thuật 2 CCN mới gồm Thái Sơn (Điện Tiến) và CCN Tây Điện Bàn (Điện Phước) vẫn đang được tiếp tục.

BOX 4

Như vậy, Nhà nước cần nghiên cứu lại một số cơ chế, chính sách liên quan nhằm tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp đầu tư vào CCN góp phần giải quyết việc làm, tăng nguồn thu ngân sách, đồng thời hạn chế bỏ trống diện tích CCN, lãng phí tài nguyên đất đai, giúp doanh nghiệp thuận lợi khi vào đầu tư vào CCN trên địa bàn tỉnh.

ca6.png
CCN được xem là động lực phát triển kinh tế xã hội địa phương.

NỘI DUNG: VĨNH LỘC - ĐỒ HỌA: TUYẾT TRINH

VĨNH LỘC - TUYẾT TRINH