Thế giới

Kỳ vọng tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu

QUỐC HƯNG 11/11/2024 17:13

(QNO) - Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hiệp quốc (COP-29) khai mạc vào sáng nay 11/11 tại thủ đô Baku của Azerbaijan trong bối cảnh năm 2024 là năm nóng nhất từ trước đến nay.

azernews.jpg
COP-29 diễn ra tại Azerbaijan. Ảnh: Azernews

Tài chính khí hậu

Các cuộc thảo luận tại COP-29 hướng tới việc thông qua Mục tiêu định lượng tập thể mới (NCQG) hay cam kết của các nước phát triển về việc đóng góp 100 tỷ USD/năm nhằm giúp các nước đang phát triển ứng phó biến đổi khí hậu. Các bên sẽ nỗ lực để hoàn thiện mục tiêu tài chính khí hậu đầy tham vọng hơn trước thời hạn năm 2025.

Trước đây, các nước phát triển cam kết huy động 100 tỷ USD mỗi năm vào năm 2020 cho Quỹ tài chính khí hậu nhưng không đạt được như mong đợi.

Do đó, thỏa thuận về NCQG là chìa khóa xây dựng lại lòng tin và cần thiết để cung cấp thông tin chuẩn bị cho vòng đóng góp do quốc gia tự quyết định, cam kết hành động để ứng phó với khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính để đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris 2025.

Giảm thiểu biến đổi khí hậu

Bước đột phá lớn nhất tại COP-28 tại Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất - UAE) vào năm ngoái là việc thông qua thỏa thuận lịch sử về khí hậu, trong đó lần đầu tiên nội dung cắt giảm nhiên liệu hóa thạch xuất hiện trong tuyên bố chung. Việc giảm phát thải khí nhà kính thực sự là bản chất, gốc rễ của việc giải quyết biến đổi khí hậu.

Các cuộc thảo luận ở Baku hy vọng sẽ đưa ra một dấu hiệu mạnh mẽ về một con đường phía trước. Điều quan trọng là chúng ta nhận được những tín hiệu rõ ràng rằng các quốc gia cam kết chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch và sẽ thực sự coi trọng 5 năm tới để duy trì mục tiêu 1,5 độ C.

iisd.png
Ông Mukhtar Babayev - Chủ tịch COP-29. Ảnh: IISD

Trước thềm hội nghị, Brazil - quốc gia lớn nhất khu vực Nam Mỹ đặt mục tiêu cắt giảm lượng khí thải lên mức 59 - 67% vào năm 2035 so với năm 2005. UAE cam kết cắt giảm 47% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2035 so với mức năm 2019.

COP-29 tiếp tục thúc đẩy các bên giảm mạnh phát thải khí nhà kính, đưa phát thải ròng về mức 0 vào giữa thế kỷ.

Thị trường các bon

Điều 6 của Thỏa thuận chung Paris gồm các quy tắc và khuôn khổ cho thị trường các bon quốc tế, có thể được các quốc gia sử dụng để đạt được các mục tiêu giảm phát thải với chi phí thấp hơn.

Các bên tham gia COP-29 kỳ vọng hoàn thiện các cơ chế sau đó có thể dẫn đến việc mua và bán tín chỉ các bon theo một khuôn khổ đã định.

Ví dụ, các quốc gia gây ô nhiễm cao có thể mua tín chỉ hay giấy phép phát thải nhiều hơn mức được phép từ các quốc gia phát thải thấp.

COP-29 diễn ra từ ngày 11 - 22/11 với chủ đề "Đoàn kết vì một thế giới xanh", là sự kiện quốc tế đặc biệt với sự tham dự của hơn 50 nghìn đại biểu gồm nguyên thủ quốc gia, chính phủ và nhiều tổ chức lớn cùng thảo luận giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu.

Đoàn Việt Nam tham dự COP-29 có đại diện các Bộ: Tài nguyên và môi trường, Công Thương, Giao thông vận tải, NN&PTNT, Kế hoạch và đầu tư, Tài chính, Khoa học và công nghệ, Ngoại giao; các thành viên Ban công tác đàm phán của Việt Nam về biến đổi khí hậu...

QUỐC HƯNG